VPBank không có sức ép nợ xấu với Novaland, sẽ tái cấu trúc FE Credit
Trái phiếu của Novaland tại VPBank có số dư không nhiều, dưới 1% tổng dư nợ, có tài sản đảm bảo, nên ngân hàng không có sức ép về nợ xấu với Novaland.
60% trái phiếu bất động sản
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB), trả lời câu hỏi của cổ đông về tình hình trái phiếu của ngân hàng, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, hiện VPBank đang đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Con số này so với thời điểm cuối 2022 đã giảm 5.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục giảm từ nay đến 20.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6.
Trong đó, gần 60% là trái phiếu lĩnh vực bất động sản, 40% là các lĩnh vực khác trong đó có các doanh nghiệp như Masan, Becamex, CII,...
Trong nhóm trái phiếu bất động sản, VPBank đang tham gia vào hơn 40 nhà phát triển, không có nhà đầu tư nào chiếm quá 1% tổng dư nợ. Đồng thời, 100% trái phiếu có tài sản đảm bảo, VPBank vừa là nhà đầu tư đồng thời là người quản lý tài sản đảm bảo đó, do đó chúng tôi có khả năng xủ lý nếu trái phiếu có vấn đề.
Hiện tại, Chính phủ đang cho phép giãn nợ trái phiếu nhưng việc này cần hết sức cân nhắc.
Novaland là một trong 44 nhà phát triển bất động sản mà VPBank đầu tư. Trái phiếu của Novaland có số dư không nhiều, dưới 1% tổng dư nợ, có tài sản đảm bảo. Hiện VPBank đang quản lý dòng tiền cho vay khách hàng cá nhân mua dự án, dòng tiền vẫn còn để chi trả các nghĩa vụ nợ.
Từ nay cho tới cuối năm, VPBank không có sức ép về nợ xấu với Novaland. Tuy nhiên việc cơ cấu lại nợ cho Novaland là cấp thiết đang tìm giải pháp có thể là thông qua chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản.
Bên cạnh đó, VPBank cũng đang sở hữu hơn 30.000 tỷ trái phiếu chính phủ, là tài sản có thanh khoản tốt, năm ngoái ngân hàng đã giảm xuống tối thiếu về số dư trái phiếu chính phủ nhưng trong năm nay sẽ nâng tỉ trọng lên.
Tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém
Về kết quả kinh doanh quý I/2023, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết ngân hàng mẹ đạt được lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng, với dư nợ tín dụng tăng 7% và số dư huy động tăng 11,5%.
Tỉ lệ nợ xấu quý I của ngân hàng mẹ tăng cao lên 2,6% và dự kiến tiếp tục tăng trong quý II nhưng ngân hàng dự kiến đưa về khoảng 2,2% vào thời điểm cuối năm. Lợi nhuận quý đầu năm chỉ mới đạt khoảng 1/5 kế hoạch năm nhưng VPBank vẫn trích lập dự phòng khoảng 1/4 kế hoạch cả năm để đảm bảo quản trị rủi ro.
Tuy nhiên, ông Vinh cũng chia sẻ, công ty tài chính tiêu dùng FE Credit còn khó khăn khi tiếp tục lỗ vào quý I.
Trong năm 2023, ông Vinh đánh giá khó khăn với FE Credit vẫn còn, HĐQT đã thông qua kế hoạch tái cấu trúc FE Credit. Mảng tài chính tiêu dùng mặc dù có khó khăn do dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế nhưng đây vẫn là một thị trường hết sức tiềm năng khi hơn 60% người dân chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc khả năng VPBank nằm trong những ngân hàng tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém và có cơ hội được nới room ngoại lên 49%, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT ngân hàng tiết lộ, VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc.
VPBank đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng. Tại dự thảo đề án, trong 4 ngân hàng tham gia thì có 2 ngân hàng được nới room ngoại lên 49% nhưng việc này còn phụ thuộc vào quá trình phê duyệt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận