VPBank đua tăng vốn
Trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã đặt cột mốc quan trọng trong đợt tăng tốc quy mô ngoạn mục trong năm 2022.
Sau khi tăng vốn thành công, vốn điều lệ của VPBank tăng từ 45.056 tỷ đồng lên 67.433 tỷ đồng.
Bước nhảy xa
VPBank đã thực hiện đợt phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1 (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm một cổ phiếu mới). Theo đó, VPBank dự kiến phát hành 2,23 tỷ cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Tổng giá trị phát hành là 22.377 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 21.002 tỷ đồng và nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 1.374 tỷ đồng.
Để thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, VPBank cũng đã thông qua nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 17,642%.
Ngoài ra, VPBank dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu phát hành tối đa theo phương án này là 1,19 tỷ cổ phiếu. Việc nới room ngoại sở hữu tại ngân hàng như thông qua ở trên, là một bước rộng đường.
Sau một loạt các thao tác, trên bệ phóng từ đợt bán vốn FeCredit của năm trước, VPBank đã có một cú lột xác ngoạn mục về vốn điều lệ, bỏ xa các ngân hàng đang bám đuổi phía sau, với lần lượt 3 NHTMCP nhóm Big 4 là: BIDV 50.585 tỷ đồng; VietinBank 48.058 tỷ đồng; Vietcombank 47.325 tỷ đồng và kế sau đó là MB, Techcombank, ACB, SHB…
Thách thức duy trì lợi thế
Trong cuộc đua tăng vốn, dù VPBank và Techcombank liên tục thay đổi trật tự cho nhau chỉ trong vòng 3 năm, nhưng đến nay vốn điều lệ của VPBank đã gần xấp xỉ gấp 2 lần của Techcombank, chưa kể cộng thêm kế hoạch phát hành mới.
Đầu 2022, VPBank khẳng định tham vọng với đặt mục tiêu trở thành ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam cam kết hiện thực hóa sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng”. (Ảnh: VPB)
Ngay cả kế hoạch tăng vốn dài hơi hơn của Vietcombank, nếu theo nội dung trước đó của ĐHCĐ 2022, cũng chỉ đưa vốn của ngân hàng này (ngoại trừ tình huống VPBank) lên hơn 55 nghìn tỷ đồng.
Rõ ràng các ngân hàng xếp phía sau đang và sẽ phải xem xét lại kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm tăng vị thế và nguồn lực cạnh tranh trên thị trường, nếu không muốn bị VPBank kéo dài thêm khoảng cách.
Ngoài việc đứng trên đỉnh vốn điều lệ, VPBank ghi nhận là một trong những ngân hàng top đầu về nguồn vốn chủ sở hữu. Nhờ nguồn vốn này, VPBank đã tăng vốn và mở ra các cơ hội đầu tư kinh doanh mới. Với các chỉ tiêu tài chính được bảo đảm, CAR đạt tới xấp xỉ 15%, VPBank cũng đang là nhà băng được giao chỉ tiêu tín dụng cao, cộng hưởng với lợi thế là ngân hàng đặt kế hoạch tham gia tái cơ cấu nhà băng yếu kém.
Vẫn nhìn ở góc độ nguồn vốn, thách thức lớn nhất của VPBank là kế hoạch đầu tư vào đâu để sinh lãi, giảm rủi ro. Chẳng hạn như việc VPBank đang và đầu tư mạnh vào Công ty Chứng khoán VPBank, hay Công ty Bảo hiểm OPES, liệu có gặp rủi ro chính sách trong tương lai sau hệ lụy của việc “liên thông” ngân hàng - chứng khoán để bùng phát trái phiếu doanh nghiệp thiếu kiểm soát, hay việc bán chéo bancassurance trong hệ sinh thái bảo hiểm - ngân hàng đang gặp những phản ứng tiêu cực.
Cùng với đó, cuộc đua tăng vốn chỉ mới được đốt lên và chứng kiến sự đổi ngôi của một NHTM tạm thay thế vị trí ngân hàng có vốn Nhà nước, song vai trò của các NHTM có vốn Nhà nước trong nền kinh tế và hệ thống là không thể bàn cãi hoặc đổi dời.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận