Vòng xoay tiền đứt gãy, chủ doanh nghiệp vay tiêu dùng “nuôi” doanh nghiệp
Nguồn thu của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, khiến cho vòng xoay tiền của doanh nghiệp đứt gãy. Nhiều “ông chủ” doanh nghiệp phải đi vay nóng hoặc vay tiêu dùng cá nhân để “nuôi” doanh nghiệp.
Vòng xoay tiền đứt gãy, "ông chủ" doanh nghiệp vay tiêu dùng "nuôi" doanh nghiệp
Hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, cho PV Dân Việt hay đại dịch Covid-19 đã "đánh gục" nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này khi nguồn thu gần như bằng "zero" kể từ đầu năm đến nay.
Vòng xoay tiền đứt gãy, doanh nghiệp này chuyển hướng sản xuất thêm các mặt nạ chống dịch, nhưng cũng không "thuận lợi" do không phải mặt hàng thiết yếu nên gặp khó khăn trong việc bán hàng ra thị trường.
"Doanh nghiệp, người lao động như chúng tôi mất thu nhập gần 2 năm nay. Theo công bố từ phía Chính phủ, đã có những gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp ngành du lịch có rất ít đơn vị tiếp cận được. Đơn cử như việc vay vốn, hiện tại doanh nghiệp đều đang "khát vốn", ngay cả doanh nghiệp chúng tôi cũng đang phải đi vay. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề vay vốn nhiều ngân hàng đã từ chối cho doanh nghiệp vay, kể cả có tài sản thế chấp. Ngân hàng đặt vấn đề an toàn và lợi nhuận lên hàng đầu vì vậy doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn. Tôi phải vay theo hình thức cá nhân để "nuôi" công ty. Như vậy đâu có phải hỗ trợ doanh nghiệp", ông Đạt nói với PV Dân Việt.
Cũng theo vị giám đốc này, hiện tại mức lãi vay theo hình thức cá nhân ông "gánh" lên hơn chục %, trong khi mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng chỉ khoảng 5%. Như vậy, ngân hàng đang kiếm được rất nhiều tiền từ cho vay theo hình thức này.
Mặc dù lãi vay rất cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và bản thân nhưng để có thể "nuôi" quân cho đến khi kinh tế mở cửa trở lại, doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận đi vay - theo ông Đạt.
Ông Hoàng Thanh Hải, chủ khách sạn tại Nha Trang cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi khách sạn không có khách. Để duy trì đến ngày hôm nay, ngoài xoay sở từ người thân, 2 tháng nay ông còn phải "vay nóng" để trả lãi ngân hàng.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã có văn bản gửi tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bày tỏ quan ngại khi hàng loạt doanh nghiệp bất động sản điêu đứng vì thiếu dòng tiền. Theo Chủ tịch HoREA, mỗi một ngày qua đi, doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí phải "vay nóng" để trả lương, để duy trì hoạt động tối thiểu, để trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn…
Dù biết rằng "vay nóng" lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi vay ngân hàng nhưng nếu không trả được các khoản vay đáo hạn thì ngay lập tức ngân hàng tự động chuyển sang nợ xấu. Như vậy, doanh nghiệp đã khó nay còn "bế tắc" hơn.
Nỗi lo của ngân hàng
Báo cáo vừa phát đi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng (TCTD) miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng.
Các TCTD cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/01/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.
Đây là những kết quả từ sự chủ động, quyết liệt triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất cho vay bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được những hỗ trợ từ phía các ngân hàng. Bởi thực tế, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, việc cho vay cần phải tính đến yếu tố an toàn và lợi nhuận.
Theo World Bank, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, rủi ro không thanh toán được của các khoản vay cuối cùng có thể được chuyển từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính. Vì vậy, khu vực tài chính có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn theo thời gian. (Ảnh: BIDV)
Thực tế, các ngân hàng nhận tiền gửi của khách hàng và cho vay ra nền kinh tế, sau đó chờ đợi tiền quay trở lại để trả cho người gửi, trở thành một vòng xoay của vốn. Vì vậy, khi dòng tiền không quay trở về vì người vay không trả được nợ thì vòng xoay vốn sẽ bị tắc nghẽn, đứt đoạn, trong khi người gửi tiền có thể rút tiền ra bất cứ lúc nào dẫn đến áp lực thanh khoản.
Trong một báo cáo gần đây của World Bank chủ đề "Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai" có nhấn mạnh về rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng.
Theo World Bank, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, rủi ro không thanh toán được của các khoản vay cuối cùng có thể được chuyển từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính. Vì vậy, khu vực tài chính có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn theo thời gian.
Việc triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể che lấp một phần mức độ dễ bị tổn thương của bên vay và các ngân hàng. Điều này có thể không khiến ngân hàng gục ngã nhưng lại làm mất đi nhiều triển vọng trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận