Vốn ngoại dự báo áp đảo thị trường M&A Việt Nam
Dòng vốn đầu tư nước ngoài dự báo vẫn là chủ lực trong mua bán, sáp nhập do chi phí nguồn lực trong nước đắt đỏ và nhà đầu tư ngoại thấy nhiều cơ hội.
Đón nhu cầu dùng năng lượng sạch của Việt Nam, G&P LNG - công ty con của Nebula Energy (Mỹ), mua 49% cổ phần kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chủ đầu tư dự án là Công ty Hải Linh xác nhận cuối tuần qua. Kho cảng này trị giá 500 triệu USD, đang chạy thử và dự kiến hoạt động từ quý III.
Trước thương vụ ngành năng lượng, cuối tháng 2, thị trường mua bán sáp nhập (M&A) Việt Nam chứng kiến vụ chuyển nhượng 100% vốn góp tại Home Credit Việt Nam cho một ngân hàng Thái Lan. Thỏa thuận trị giá khoảng 865 triệu USD, hoàn tất nửa đầu năm sau.
Sự tích cực của vốn ngoại trên thị trường M&A đầu năm nối tiếp không khí của 2023, khi top 5 thương vụ lớn nhất cũng đến từ nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trên 3.450 giao dịch góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp của nhà đầu tư ngoại năm qua, với giá trị hơn 8,5 tỷ USD. Con số này tăng gần 66% so với 2022.
Tại hội thảo về M&A hôm nay, TS Nguyễn Tuấn Anh, Giảng viên tài chính Đại học RMIT, dự báo thế dẫn dắt của vốn ngoại sẽ duy trì. "Nhà đầu tư ngoại áp đảo thị trường là xu thế dài hạn trong tương lai", ông nói.
"Indonesia và Việt Nam là hai 'điểm đến' của các nhà đầu tư khi tới Đông Nam Á. Trong xu hướng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc, Việt Nam có thuận lợi do cùng biên giới và nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) ký với các nước", bà Huỳnh Thị Bình Minh, Giám đốc Quỹ Tael Partners, nhận xét.
Nhà đầu tư Nhật Bản, Trung Quốc đã tranh thủ. Sau thương vụ tỷ USD trong ngành tài chính giữa SMBC và VPBank, Sojitz Việt Nam cũng mua lại toàn bộ nhà phân phối nguyên liệu Đại Tân Việt.
"Đồng yen giảm giá 5 năm gần đây là động lực lớn cho các công ty Nhật mang tiền đi đầu tư nước ngoài, trong đó Việt Nam là lựa chọn an toàn", ông Tuấn Anh nói. Theo số liệu của KPMG Việt Nam, tính tới cuối tháng 10/2023, nhà đầu tư Nhật dẫn đầu thị trường M&A khi rót 1,6 tỷ USD vào Việt Nam.
Luật sư Đào Tiến Phong, người điều hành Công ty tư vấn InvestPush, cho biết giới đầu tư Trung Quốc cũng đang quan tâm tới mua bán sáp nhập ở Việt Nam. Khẩu vị của họ là các nhà sản xuất có sẵn đơn hàng đi Mỹ, châu Âu.
"Ở phía Nam, các nhà đầu tư chuộng M&A hơn đầu tư trực tiếp, để tránh mất thời gian xây dựng nhà máy và đáp ứng các điều kiện về môi trường, phòng cháy chữa cháy", ông Phong nêu.
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo "Ngành hàng tiêu dùng và phân phối: "Xu hướng M&A và chiến lược đầu tư gọi vốn cho doanh nghiệp Việt Nam", ngày 12/3. Ảnh: LBC
Phía người bán cũng chuộng vốn ngoại. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc tìm kiếm nguồn lực bên ngoài đang là xu hướng và khả khi hơn vốn nội với một số doanh nghiệp. "Chi phí vốn trong nước vẫn khá đắt đỏ, khó tiếp cận. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thêm công nghệ, kỹ năng quản trị, cơ hội thị trường nên cũng hướng đến tìm vốn bên ngoài", bà Lan nhận xét.
Dự báo xu hướng thị trường M&A thời gian tới, TS Nguyễn Tuấn Anh nói nhà đầu tư sẽ nhắm tới những doanh nghiệp có chiến lược sản phẩm ổn định và lâu dài trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, y tế và giáo dục.
Luật sư Đào Tiến Phong bổ sung các ngành đang được vốn ngoại chú ý, gồm phân phối và công nghệ mới. Người bán càng có lợi thế nếu đã triển khai ESG, tức chiến lược phát triển bền vững xoay quanh 3 tiêu chí môi trường (environmental), xã hội (social) và quản trị (governance).
Tuy vậy, bà Huỳnh Thị Bình Minh khuyến nghị doanh nghiệp gọi vốn nên thuê tư vấn tài chính chuyên nghiệp, để rà soát lại kết quả kinh doanh và hỗ trợ xây dựng chiến lược 3-5 năm. Phí dịch vụ này khoảng 2% giá trị giao dịch và thấp hơn các thương vụ lớn. Bởi theo bà, tư vấn tài chính cũng là người đi tìm bên mua cho doanh nghiệp. "Việc chọn nhà tư vấn đúng sẽ tránh thông tin doanh nghiệp đưa ra rơi vào tay người mua không cần thiết, hoặc đối thủ cạnh tranh", bà lưu ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận