Vô địch Euro 2024: Sẽ không có tên đội tuyển Tây Ban Nha
Và câu chuyện về hiện tượng "Deja Vu", ý nghĩa triết học của chiến thuật và triết lý khoa học chính trị hiện đại trong chiến thuật bóng đá ở đẳng cấp cao nhất.
Đừng để những con số và hay lối chơi ấn tượng sau 4 trận toàn thắng của "La Roja" (nickname của đội bóng xứ bò tót) che giấu thực tế là đội tuyển này có điểm yếu cốt tử và điều này khiến họ có thể không thể vô địch Euro.
Để chi tiết về lý do tại sao, hãy khảo sát ứng viên được cho là số 1 cho chức vô địch theo quan điểm của huấn luyện viên FC Liverpool, Jurgen Klopp - một người Đức, đối thủ của Tây Ban Nha tại vòng tứ kết sẽ diễn ra hôm nay.
Sau vòng bảng của giải World Cup 2022 tôi có phân tích lý do tại sao đội vô địch WC 2022 sẽ thuộc về đội tuyển có trong tay tam tấu của Paris Saint-Germain F.C với Neymar Jr, Lionel Messi và Kylian Mbappé.
Nghĩa là đội vô địch sẽ chỉ là 3 cái tên: đội tuyển Pháp, Argentina và Brazil và Tây Ban Nha không thể vô địch, mặc dù lúc đó (trong giải WC 2022) họ cũng là đội tuyển cho ấn tượng giống hệt bây giờ.
Lý do cho nhận định trên là lịch sử World Cup không có đội vô địch nào mà lại không có siêu sao, người có thể xoay chuyển cục diện trận đấu trong tích tắc như Mario kempes với Argentina 1978, Ronaldo với Brazil 2002, Zinedine Zidane với Pháp 1998.
Để vô địch Châu Âu, các đội tuyển không nhất thiết phải có siêu sao, bởi lẽ mức độ cạnh tranh không khắt khe bằng. Cũng đừng tin lời của tiền đạo đội Pháp, Kylian Mbappe nói là vô địch Châu Âu khó hơn vô địch thế giới. Vì giải vô địch thế giới tập trung những đội mạnh nhất của các châu lục, trong đó bao gồm cả các đội xuất sắc nhất Châu Âu, logic nằm ngay trong đó.
Nên đó chỉ là chiêu trò marketing của nền công nghiệp bóng đá tại Châu Âu. Bạn nghe được câu nói của Kylian Mbappe, bởi vì hệ thống truyền thông bóng đá đã khuếch đại và thao túng công chúng.
Nếu không tin, thì minh chứng về một sự kiện bóng đá tầm cỡ khác đang diễn ra trong thời gian thực: mấy người hâm mộ biết rằng, song song hiện có giải vô địch Nam Mỹ với sự tham gia của nhà đương kim vô địch thế giới Argentina và đội bóng nhiều fan hâm mộ nhất thế giới là Brazil ?
Đơn giản là cỗ máy của nền công nghiệp bóng đá Châu Âu nhiều tiền hơn mà thôi.
Để vô địch Euro, đội tuyển không cần thiết phải có siêu sao, Đan Mạch năm 1992 đã chứng minh rằng họ không cần phải có Diego Maradona với Argentina 1986 hay Pelé với Brazil 1970.
Song để vô địch Euro 2024, đội tuyển phải không có "gót chân Achilles".
Và đây là trường hợp khảo sát với đội tuyển Tây Ban Nha.
Để hiểu tại sao phong cách bóng đá Tây Ban Nha luôn thiên về tấn công, hãy bắt đầu bằng "tấm gương" phản chiếu ngược lại - Catenaccio.
Catenaccio là thuật ngữ trong bóng đá, còn được gọi là chiến thuật "đổ bê tông", không rõ hàm ý chê bai hay khen ngợi một phong cách bóng đá thực dụng thiên về phòng ngự kèm người chặt, do người Ý phát minh.
Cùng với nó là sơ đồ chiến thuật với sự xuất hiện một vị trí mới: "hậu vệ thòng" hay còn gọi là "hậu vệ libero", là một hậu vệ "dư ra" đứng dưới cùng để sẵn sàng tiếp ứng cho những điểm nóng.
Dĩ nhiên trong kỷ nguyên của bóng đá hiện đại, chiến thuật Catenaccio đã lạc hậu vì không thể có "sự luxury" khi dùng trong trường hợp khẩn cấp như "hậu vệ libero", mà không bị trừng phạt.
Nhưng triết lý của nó chưa bao giờ "chết".
Bản chất triết học của chiến thuật (mà thường được nhận định không công bằng là phản bóng đá) nằm trọn vẹn trong câu trả lời phỏng vấn với tạp chí Liberation của nhà triết học Italy hiện đại Antonio Negri, nhà lý thuyết nổi tiếng về chủ nghĩa tự trị, cũng như đồng tác giả cuốn sách "Empire - Đế chế".
"Đó là cuộc đấu tranh giai cấp, của một giai cấp yếu ớt hơn và phải tự bảo vệ mình".
Và đó cũng là triết lý của cha đẻ môn khoa học chính trị hiện đại Niccolo Machiavelli với mệnh đề nổi tiếng "xoay xở trong những nguồn lực có trong tay".
(Ảnh. cha đẻ môn khoa học chính trị hiện đại Niccolo Machiavelli với mệnh đề nổi tiếng "xoay xở trong những nguồn lực có trong tay".)
Triết lý này được coi như là "cứu cánh" cho mọi đội bóng được coi là yếu hơn. Các huấn luyện viên luôn vận dụng vào chiến thuật tiếp cận trận đấu với các đội bóng mạnh hơn về lý thuyết, hay khi phải phòng thủ trước các đợt sóng tấn công của đối thủ.
Nó được coi là "công nghệ" để đội bóng chiến thắng trong nguồn lực [hạn chế] có thể có được.
Trái ngược với nó, bóng đá Tây Ban Nha chỉ có duy nhất một lối đá là chủ động tấn công. Đó cũng không phải như các các nhà "mỹ học" ngợi ca là họ mong muốn cống hiến cho khán giả, để họ có thể thưởng thức vẻ đẹp mang tính thẩm mỹ cao của môn thể thao vua này. Đó chỉ là hệ quả không trong dự định của họ.
Phong cách chủ động tấn công này, được hình thành từ hai yếu tố.
Thứ nhất, bởi vì các cầu thủ Tây Ban Nha, "giản dị" ra là không biết thứ bóng đá khác.
Thứ bóng đá mà các cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp đã gắn bó với nó, giống như bản năng thứ hai mà khoa học nghiên cứu thể chất gọi là muscle memory (ký ức cơ bắp).
Khi cơ thể con người khi luyện tập cường độ cao một thời gian đủ dài, não bộ sẽ ghi nhớ tất cả các chi tiết hình thành kỹ năng mà ta chủ động hướng tới. Tất cả hình thành những phản xạ đạt được qua luyện tập như bản năng thứ hai.
Ví dụ như phản xạ của phi công hay kỹ năng lái xe, cũng như chơi thể thao chuyên nghiệp.
Lối chơi bóng nhỏ, tấn công phối hợp trong phạm vi hẹp là được đào tạo từ các học viện bóng đá năng khiếu cấp câu lạc bộ từ các lứa rất nhỏ, cho tới khi gia nhập chuyên nghiệp.
Theo học giả Malcolm Gladwell đã viết trong cuốn sách “Những kẻ xuất chúng” gọi là "quy tắc 10.000 giờ", là số giờ luyện tập cường độ cao sẽ hình thành phản xạ vô điều kiện. Những kỹ năng chơi bóng đá tấn công như vậy đối với cầu thủ Tây Ban Nha, chính là gen chơi bóng "dna" của họ.
Ảnh. Học giả Malcolm Gladwell tác giả cuốn sách “Những kẻ xuất chúng” và tác giả "quy tắc 10.000 giờ".
Thứ hai, chính là chiến thuật chơi pressing mà đội tuyển Tây Ban Nha lựa chọn.
Triết lý này trớ trêu thay lại là phát minh của chiến lược gia huyền thoại của bóng đá Italy - Arrigo Sacchi. Một trong các đặc trưng chính của lối chơi pressing [ngoài là gây sức ép liên tục để giành lại bóng] là hàng phòng ngự dâng cao, đặc biệt là hai hậu vệ biên đôi lúc có vai trò như các tiền đạo cánh trên thực tế khi có bóng.
Nên trên thực tế đội tuyển Tây Ban Nha chỉ có một lối đa tấn công. Cả khi có lẫn không có bóng, hầu hết đội hình của họ tràn đều trên phần sân đối phương.
Lối chơi bóng này của Tây Ban Nha có rủi ro, nếu đối thủ áp dụng triết lý Catenaccio. Đây là áp dụng triết lý, chứ không phải là chiến thuật "đổ bê tông" xe buýt 2 tầng.
Vẻ đẹp chiến thuật của triết lý này là chiến thuật phản công khi giành được bóng trong chân đối phương. Sự thay đổi nhanh chóng trạng thái chuyển từ phòng thủ sang phản công cực nhanh, bằng tốc độ và các đường chuyền vượt tuyến, không cho đối thủ có thời gian để tái tổ chức phòng ngự, kết thúc là đưa bóng vào lưới đối phương.
Lối chơi của đội tuyển Tây Ban Nha cũng giống như Barcelona, chấp nhận có thể bị thủng lưới, với đặt cược vào việc "trade off" ở khả năng ghi bàn nhiều hơn.
Và họ hạn chế tối đa rủi ro, bằng cách trông cậy vào tiền vệ "mỏ neo", một tiền vệ tổ chức đứng trên hàng hậu vệ [một cầu thủ đọc tình huống giỏi, tốc độ tốt và có khả năng tranh chấp tay đôi], khi cần có thể lùi lại là trung vệ thứ ba khi hai hậu vệ biên dâng cao hoặc để chống phản công.
Chính tại World Cup 2022, đội tuyển Tây Ban Nha không thể đi xa hơn vòng 1/8, nguyên nhân chính là bởi huấn luyện viên Luis Enrique vẫn trong quán tính dẫn dắt Barcelona FC, khi tin dùng Sergio Busquet ở vị trí này, dù Busquet đã ở giai đoạn cuối sự nghiệp - không còn tốc độ tốt nhất và cách chơi "xoay bản lề" đã trở nên dễ đoán.
"La Roja" lần này may mắn hơn khi có Rodri, một tiền vệ "mỏ neo" chính thức của Manchester City. Hãy cảm ơn Pep Guardiola đã đào tạo bài bản, hơn ai hết ông hiểu tầm quan trọng sống còn của vị trí tiền vệ phòng ngự. Vì chính "Pep" khi ông còn dẫn dắt Barcelona FC [vào năm đỉnh cao nhất], đã ngấm nỗi đau khi bị chính đội "cửa dưới" chơi phản công là Inter Milan của Mourinho đánh bại 1-3 tại bán kết Champions League 2010, khi họ chơi triết lý của Machiavelli - "xoay xở trong những nguồn lực có trong tay".
Trở lại phần đầu, khi đề cập đến "gót chân Achilles" và với đội tuyển Tây Ban Nha tại Euro lần này đó là ví trí trung tâm của hàng công: Trung phong Alvaro Morata.
Tiền đạo của Atletico Madrid này đã không còn phong độ như khi chơi cho Juventus F.C cách đây 10 năm (2014), anh đã qua lâu rồi thời đỉnh cao.
Và ngay cả khi còn chơi tốt, anh cũng không phải người giỏi chơi bóng bằng chân. Tại Euro 2024 này, sự vụng về minh chứng rõ ràng nhất tại trận đấu với Georgia. Suốt 65 phút có mặt trên sân, tiền đạo vị trí "chơi đầu" này đã "vô hình" cho đến lúc HLV La Fuente buộc phải thay thế.
Yếu về khả năng phối hợp, dẫn đến giảm hiệu quả của hai tiền đạo cánh tài năng Nico Williams (Athletic Bilbao) và Lamine Yamal (Barcelona).
Dọc hai bên hành lang là điểm sáng nhất của tuyển "La Roja", không chỉ là trên hàng công mà cả hai hậu vệ biên, khi cần thiết có thể chuyển sang tiền đạo cánh hiệu quả với Dani Carvajal (Real Madrid) và Marc Cucurella (Chelsea).
Khi tấn công Tây Ban Nha cho thấy họ có thể xuất phát từ cánh phải với cặp Yamal - Carvajal hoặc từ cánh đối diện với Williams - Cucurella cả hai cánh đều giầu tốc độ, năng động đổi vị trí khiến hàng thủ đối phương mất cân bằng.
Công bằng ra, việc sử dụng "số 9" Alvaro Morata, cũng không trách HLV La Fuente nhiều. Bởi vì ông không có sự lựa chọn, bóng đá Tây Ban Nha trừ giai đoạn gần như ngoại lệ 2008 - 2012, họ có cặp tiền đạo đẳng cấp thế giới là David Villa và Fernando Torres. Đấy cũng là giai đoạn "La Roja" làm mưa làm gió trên khắp sân cỏ thế giới với 2 chức vô địch Châu Âu và 1 chức vô địch thế giới chỉ trong 4 năm.
Việc không "sản sinh" ra tiền đạo đẳng cấp gần như là thuộc tính quen thuộc của bóng đá Tây Ban Nha. Đó là hậu quả của việc ưa chuộng "nhập khẩu" các tiền đạo từ các nền bóng đá Nam Mỹ.
Sự xuất hiện các nghệ sĩ chơi bóng Nam Mỹ, ngoài việc khiến các câu lạc bộ hàng đầu Tây Ban Nha cạnh tranh mạnh mẽ tại giải nội địa, cũng như tại giải Châu Âu. Thì yếu tố tiêu cực là các cầu thủ tiềm năng được đào tạo tại các học viên năng khiếu, không thể cạnh tranh vị trí chính thức, dẫn đến dần thui chột thành tầm thường vì không có cơ hội phát triển.
Các chủ câu lạc bộ, cũng như hệ thống tổ chức giải hạng nhất LaLiga EA Sports có thể biện hộ cho quyết định thúc đẩy nhập khẩu vì các tiền đạo gốc Spanis đào tạo hay chơi trong nước không đủ tốt.
Đúng là một vòng luẩn quẩn "con gà - quả trứng": Không đủ tốt, nên phải nhập khẩu và nhập khẩu thì lại khiến cho tiền đạo tiềm năng không thể phát triển.
Linh cảm rằng Euro 2024 lần này với tuyển Tây Ban Nha như là hiện tượng "Deja Vu" đã gặp trong quá khứ. Như lặp lại World Cup 2022: Chơi ấn tượng vòng bảng, có điểm yếu cốt tử (Sergio Busquet ở World Cup 2022 và khi khắc phục được thì lại xuất hiện Alvaro Morata).
Trận tứ kết gặp chủ nhà Đức, nỗi kinh hoàng của Barcelona FC khi gặp Bayern Munich năm 2013 lại hiện về. Đội tuyển Đức vẫn còn đó hậu vệ tài năng, nay đang ở độ chín Joshua Kimmich và Toni Kroos vẫn sắc sảo như xưa.
Và nếu "Die Mannschaft" đá phòng ngự chủ động, thì khả năng Tây Ban Nha sẽ gặp phải cú ra chân chết người, loại bỏ hoàn toàn hành phòng ngự của Tony Kloos khi Real Madrid phản công loại Barcelona FC năm nào, hoàn toàn có thể xảy ra.
Và thế là "Deja Vu", như ta đã gặp lại bi kịch của Tây Ban Nha.
Ps. Tôi viết phân tích này, với tâm thế là cổ động viên của tuyển "La Roja" với mong muốn là mình sai. Hy vọng rằng HLV La Fuente sẽ sử dụng tiền đạo của chính câu lạc bộ Đức RB Leipzig, Dani Olmo thay cho
Alvaro Morata và trong một ngày chơi tốt, tiền vệ đánh chặn Rodri của Manchester City sẽ "bắt chết" được tiền vệ sáng tạo Tony Kroos.
Khi đó hiện tượng "Deja Vu" của Tây Ban Nha sẽ không xảy ra và "La Roja" sẽ vô địch Euro 2024.
▮Hanoi, 05.7.2024
@ Hoàng Anh Tuấn.
(Ảnh. Chiến lược gia huyền thoại của bóng đá Italy - Arrigo Sacchi - người sáng tạo ra chiến thuật pressing)
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường