VNDirect: Quý 3 sẽ có gần 76 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn
Trong báo cáo thị trường trái phiếu mới công bố từ VNDirect, hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý 2/2023 tỏ ra trầm lắng hơn. Trong khi đó, hoạt động gia hạn và áp lực trái phiếu đáo hạn được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong quý 3.
Quý 2 trầm lắng, mua lại trước hạn gia tăng
Theo VNDirect thống kê từ HNX, trong quý 2/2023 (tính tới ngày 26/03), có 12 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước với tổng giá trị khoảng 8.7 ngàn tỷ đồng, giảm 92.4% so với cùng kỳ năm trước, và giảm hơn 69% so với quý trước.
Trong đó có 11 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 6,736 tỷ đồng, chiếm 77.1% tổng giá trị phát hành. Ngoài ra, có 1 đợt phát hành ra công chúng với giá trị phát hành là 2,000 tỷ đồng, chiếm 22.9% tổng giá trị phát hành.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành đạt khoảng hơn 38 ngàn tỷ đồng, giảm 79.1% so với cùng kỳ. Trong đó tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt hơn 32.2 ngàn tỷ đồng, giảm 81.6%; tổng giá trị phát hành công chúng đạt 5.9 ngàn tỷ đồng, giảm 15.9%.
Các doanh nghiệp có giá trị phát hành riêng lẻ lớn nhất trong quý 2/2023 gồm: Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoán sản Núi pháo phát hành 2.6 ngàn tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 9%/năm, kỳ hạn 60 tháng; Công ty TNHH Phát triển Kinh doanh Xây dựng 3 phát hành 2.25 ngàn tỷ đồng với lãi suất 14%/năm, kỳ hạn 60 tháng.
Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) là đơn vị duy nhất phát hành ra công chúng trong quý 2, với tổng giá trị phát hành thành công là 2,000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm theo lãi suất thả nổi (lãi suất thả nổi được tính theo lãi suất huy động 12 tháng trung bình của 4 ngân hàng TMCP Nhà nước cộng 4%).
Các đợt phát hành mạnh trong năm diễn ra chủ yếu trong tháng 3, thời điểm ngay sau khi Nghị định 8 được ban hành. Thực chất hoạt động phát hành riêng lẻ trong quý 2 diễn ra với tình trạng ảm đạm. Theo VNDirect, việc nhiều doanh nghiệp vẫn đang khó khăn trong hoạt động kinh doanh, dòng tiền và tiếp tục chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn đã khiến các nhà đầu tư còn nhiều nghi ngại và chưa có niềm tin trở lại với thị trường.
Chiều ngược lại, quý 2 ghi nhận tổng giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp hơn 62.5 ngàn tỷ đồng, 4.9% so với cùng kỳ và gần 77% so với quý trước. Trong đó, tốc độ mua lại có xu hướng tăng mạnh từ tháng 5/2023. Trong đó, nhóm gây ảnh hưởng nhiều nhất là Ngân hàng, khi mua tổng cộng gần 40 ngàn tỷ đồng trái phiếu trước hạn, chiếm 63.7% tổng giá trị mua lại trong quý 2. Con số này vượt xa so với quý 1, khi nhóm này chỉ mua trước hạn 330 tỷ đồng.
Các ngân hàng đã mua lại nhiều nhất trong quý 2 gồm: TPBank (HOSE: TPB) đã mua lại 5.5 ngàn tỷ đồng; OCB mua lại 5.5 ngàn tỷ đồng; MSB mua lại 5 ngàn tỷ đồng; BIDV (HOSE: BID) mua lại 4.8 ngàn tỷ đồng; và Techcombank (HOSE: TCB) mua lại 4.5 ngàn tỷ đồng…
Theo VNDirect, nhu cầu tín dụng yếu trong những tháng đầu năm cùng với mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào là điều kiện và động lực để các ngân hàng thực hiện mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chậm nghĩa vụ cũng gia tăng do khó khăn về dòng tiền và khả năng tiếp cận nguồn vốn. Tính đến ngày 26/06/2023, có 59 doanh nghiệp trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu. Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của nhóm này khoảng 159 ngàn tỷ đồng, chiếm 14.6% dư nọ toàn trái phiếu toàn thị trường. Trong đó, 43.8 ngàn tỷ đồng sẽ đáo hạn trong 2023, chiếm 19.6% tổng giá trị toàn thị trường.
Quý 3 sôi động đàm phán gia hạn trái phiếu, tăng áp lực đáo hạn
VNDirect cho rằng hoạt động đàm phán gia hạn trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong quý 3/2023, và sẽ vẫn tăng trong quý cuối năm nay, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền.
Việc có thể đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn là một trong những giải pháp tốt nhất mà những doanh nghiệp này có thể lựa chọn ở thời điểm này để có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra đủ dòng tiền chi trả cho các khoản nợ trái phiếu của mình.
Trong năm 2023, VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 223.4 ngàn tỷ đồng (tăng 45.6% so với cùng kỳ). Riêng quý 3 sẽ có khoảng hơn 75.9 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong đó, bất động sản là nhóm có tỷ trọng lớn nhất chiếm gần 43.6% tổng giá trị đáo hạn trong quý. Đứng thứ hai là nhóm tài chính – ngân hàng với tỷ lệ chiếm 30% tổng giá trị đáo hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận