VN-Index sẽ biến động mạnh trong nửa đầu năm 2023, nhà đầu tư nên làm gì?
ABS dự báo VN-Index năm 2023 có thể dao động mạnh trong 2-3 quý đầu năm trong biên độ 350 điểm và hồi phục trong quý cuối năm với mức điểm số có thể tăng lên 1.275 điểm.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán năm 2023 vừa công bố, Chứng khoán ABS dự báo lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp niêm yết năm 2022 sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 18% so với năm 2021.
Năm 2023, lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp niêm yết sẽ chỉ tăng trưởng 12,5%, giảm so với mức tăng trung bình 16,4% trong giai đoạn 2018-2021. Mức tăng dự báo hồi phục lên 14% trong 2024.
ĐẦU NĂM VN-INDEX SẼ BIẾN ĐỘNG MẠNH
P/E forward 2023 ước tính hiện đang ở mức 9,7x, nằm sâu dưới mức - 2 lần độ lệch chuẩn quá khứ. P/E 2024F ước tính ở mức 8,5x. Đây là mức định giá thấp kỷ lục trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam và rất hấp dẫn trong trung và dài hạn.
Mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm hiện tại phổ biến trong khoảng 6,7-9,5%/năm, tương đương P/E 10,5-14,9x, cao hơn mức định giá của VN-Index. Ngoài ra, xu hướng lãi suất sẽ giảm dần từ quý cuối năm 2023 trở đi trong khi tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp dự kiến cải thiện trong 2024 khiến kênh gửi tiền tiết kiệm sẽ có xu hướng trở nên sinh lời kém hơn so với đầu tư cổ phiếu.
Dự báo nguồn vốn ngoại sẽ đóng vai trò nâng đỡ và dẫn dắt thị trường trong 2023 trong bối cảnh đồng USD yếu đi và triển vọng suy thoái ở các nước phát triển trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên trong nửa đầu năm 2023, dòng vốn ngoại ETF sẽ chiếm ưu thế hơn các quỹ đầu tư chủ động, khiến thị trường có nhiều biến động. Từ quý 2/2023 trở đi, các quỹ đầu tư chủ động sẽ gia tăng mua vào cho chu kỳ đầu tư mới và do đó gia tăng vai trò trên thị trường Việt Nam.
Các cổ phiếu được dòng vốn ngoại ưu tiên mua vào dự báo là các cổ phiếu trong các rổ chỉ số ETF và các blue-chip đầu ngành.
Với dòng tiền nội, lượng trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng đến hạn năm 2023 ở mức 185 nghìn tỷ đồng, và việc siết tín dụng bất động sản trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao ít nhất trong nửa đầu năm dự kiến tiếp tục gây áp lực thanh khoản và vốn cho các doanh nghiệp và ngân hàng.
Dòng tiền nội có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ thắt chặt của NHNN khi phải đối diện với áp lực lạm phát cao trong 6T2023; chính sách trung hòa tiền tệ nếu dòng vốn ngoại vào nhiều; các tin tức tiêu cực về triển vọng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp và việc bắt bớ liên quan đến quá trình thanh lọc thị trường của cơ quan quản lý vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2023.
Điểm tích cực là thời điểm hiện tại áp lực bán giải chấp đã giảm mạnh so với thời điểm cao nhất năm 2022, dù tỷ lệ cho vay margin/vốn hóa tăng lên tại vùng giá thấp.
Nếu hệ thống giao dịch mới của KRX được đưa vào vận hành từ giữa năm 2023 sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường.
Về mặt kỹ thuật, đóng cửa năm 2022, VN-Index đã có nhịp hồi phục thứ nhất từ vùng đáy 874 điểm, tương ứng mức tăng 25,9% tới 1.100 điểm và có một nhịp điều chỉnh -10,5% xuống từ 1.100 điểm xuống 984 điểm trong vòng 4 tuần. Bước vào đầu năm 2023, VN-Index đã xác nhận nhịp hồi phục thứ 2 trong nhịp hồi trung hạn với mục tiêu lên ngưỡng 1160 điểm và xa hơn là 1.215 điểm.
Với triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm và lạm phát cao trong 2-3 quý đầu năm và cải thiện dần về cuối năm, ABS dự báo VN-Index năm 2023 có thể dao động mạnh trong 2-3 quý đầu năm trong biên độ 350 điểm và hồi phục trong quý cuối năm với mức điểm số có thể tăng lên 1.275 điểm.
Diễn biến thị trường trong nửa đầu năm có 2 kịch bản như sau: Kịch bản 1 – kịch bản cơ sở: Chỉ số VN-Index sau nhịp hồi trung hạn lên vùng cao nhất 1.215 điểm trong Quý 1 có thể sẽ biến động theo xu hướng sideway trong vùng 780-1150 điểm cho đến khi các rủi ro và bất ổn lớn được giải quyết.
Trong quý cuối năm, VN-Index có thể tăng điểm lên 1.275 điểm. Thanh khoản thị trường mức cao có thể đạt 25.000 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản trung bình phiên ước đạt 10.000 – 12.000 tỷ đồng/phiên.
Kịch bản 2 – kịch bản xấu: VN-Index giảm điểm về mức thấp nhất 700-660 điểm rồi hồi phục trở lại trong nửa cuối năm.
NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN NÊN LÀM GÌ?
Với kịch bản cơ sở là kịch bản 1 của VN-Index, ABS khuyến nghị chiến lược đầu tư chủ đạo năm nay là chiến lược giao dịch năng động mua thấp bán cao, ít nhất trong 2-3 quý đầu năm.
Có 2 vùng giá giải ngân đầu tư khi thị trường giảm xuống các vùng giá 870-930 điểm và 780-820 điểm. Nhà đầu tư nắm giữ trung dài hạn nên chờ đợi vùng đáy trung – dài hạn của thị trường, nhiều khả năng sẽ xác nhận trong quý 3/2023 ở mức 780-820 điểm để giải ngân.
Các dòng cổ phiếu ưu tiên cho Giao dịch năng động bao gồm các dòng cổ phiếu có thông tin vĩ mô hỗ trợ, có câu chuyện đầu tư như Đầu tư công (Xây dựng hạ tầng, VLXD), Trung Quốc mở cửa (Thủy sản, Thép, Xi măng), Dầu khí, Nhiệt điện, Y tế, Bảo hiểm, một số Ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản có câu chuyện M&A.
Với chiến lược đầu tư giá trị, nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu trong các ngành có tính chất phòng thủ, có dòng tiền đều, trả cổ tức tiền mặt cao và định giá thấp như Điện, Nước, Dầu khí, Bảo hiểm, một số Ngân hàng có cơ bản tốt và triển vọng lợi nhuận tăng mạnh trong 2023 ...
Các cổ phiếu ABS ưa thích nhất trong năm bao gồm: VCB, BID, STB, BVH, VCG, C4G, KSB, HT1, HPG, GAS, PVD, PVS, PVT, GEG, PC1, NT2, POW, HND, QTP, IDC, KBC, GMD, VNM, DBC, BAF
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận