VN-Index: Bò hay gấu?
VN-Index đang gặp khó quanh vùng 1,500-1,510 điểm, qua đó cho thấy xu hướng tích lũy trong ngắn và trung hạn. Giai đoạn này có thể là sự tích lũy cần thiết cho xu hướng tăng mạnh trong tương lai. Vì thế, nhà đầu tư cần kiên nhẫn chờ đợi để có thể đón cơn sóng mới.
Giai đoạn sideway với mẫu hình chữ nhật
VN-Index đang hình thành xu hướng sideway trong ngắn và trung hạn. Từ tháng 2/2022 đến nay, chỉ số biến động trong vùng 1,480-1,510 điểm, đây được xem là giai đoạn tích lũy trong ngắn hạn, một dạng mẫu hình chữ nhật nhỏ trong ngắn hạn.
Nếu tính từ cuối tháng 11/2021, chỉ số dao động trong vùng rộng hơn với cận dưới là vùng 1,420 điểm và cận trên là vùng 1,510 điểm. Đây cũng được xem là giai đoạn tích lũy (sideway) nhưng trong một khung thời gian lớn hơn.
Việc 2 giai đoạn tích lũy trong ngắn và trung hạn cùng xuất hiện hàm ý nhiều điều về xu hướng sắp tới:
- Thứ nhất, ở hiện tại, chỉ số đang “tạm nghỉ” và có sự tích lũy cho một xu hướng mới trong tương lai.
- Thứ hai, xu hướng mới sẽ là xu hướng tăng hoặc giảm rất lớn do sự tích lũy đang được “nén” (xuất hiện) trên khung thời gian ngắn và trung hạn. Bản thân người viết nghiêng về kịch bản tăng trưởng mạnh (sẽ được phân tích bên dưới).
- Thứ ba, ngưỡng 1,510 điểm, mở rộng ra là vùng 1,535 điểm (đỉnh cao lịch sử của VN-Index), sẽ là vùng quan trọng với xu hướng. Nếu VN-Index đóng cửa trên ngưỡng này thì xu hướng tăng sẽ được xác nhận. Ngược lại, chỉ số phá ngưỡng 1,420 điểm thì xu hướng giảm sẽ được hình thành. Tác giả nghiêng về khả năng chỉ số sẽ vượt ngưỡng 1,510 điểm.
Xu hướng tăng trong dài hạn?
Với sự tích lũy trong trung và dài hạn như trên thì xu hướng tăng hay giảm sẽ được hình thành sau giai đoạn này? Có nhiều yếu tố hiện tại đang hàm ý về một xu hướng tăng trong dài hạn.
Đầu tiên, xu hướng tăng trong dài hạn bắt đầu từ tháng 3/2020 vẫn còn. Theo đó, chỉ số vẫn đang đóng cửa trên các đường trung bình động dài hạn như đường MA 100 và MA 200. Bên cạnh đó, đường xu hướng tăng dài hạn đi qua các đáy tháng 3/2020, tháng 7/2020 và tháng 1/2021 vẫn được giữ. Vì vậy, xu hướng tăng dài hạn vẫn còn.
Thứ hai, dịch bệnh đang được kiểm soát. Số ca nhiễm mới có phần gia tăng trở lại trong thời gian qua nhưng số tử vong không tăng và tỷ lệ tiêm chủng vacxin ở mức cao cho thấy dịch vẫn đang được kiểm soát tốt. Đây là tiền đề quan trọng cho thấy nền kinh tế có thể mở cửa trở lại trong thời gian tới và phục hồi trở lại, bằng chứng là sự phục hồi của các chỉ số kinh tế vĩ mô từ tháng 10/2021 đến nay.
Thứ ba, các gói phục hồi kinh tế của Chính phủ. Song song với việc mở cửa lại nền kinh tế, Chính phủ đang sử dụng các gói phục hồi kinh tế để hỗ trợ các thành phần kinh tế. Các gói này có trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng, nền tảng của sự phát triển kinh tế trong dài hạn. Do đó, về lâu dài, đà tăng trưởng kinh tế là điều chắc chắn.
Từ những yếu tố kỹ thuật và vĩ mô như vậy, khả năng cao chỉ số sẽ phá ngưỡng 1,510 điểm để hình thành xu hướng tăng trưởng trong dài hạn mới.
Một số vấn đề hiện tại
Có một số vấn đề mà nhà đầu tư cần lưu ý ở thời điểm hiện tại.
Thứ nhất, thị trường đang biến động rất “khó chịu”. Suốt 3 tháng qua, thị trường hầu như không tăng và có xu hướng đi ngang. Hầu hết cổ phiếu đều có xu hướng tăng giảm đang xen. Giai đoạn này khác hoàn toàn với xu hướng tăng trong năm 2021. Với xu hướng tăng, nhà đầu tư có thể mua và nắm giữ hoặc dịch chuyển dòng tiền vào những nhóm cổ phiếu có dòng tiền nhưng giai đoạn này, những chiến lược mua và nắm giữ hầu như không thể tạo ra lợi nhuận lớn. Thay vào đó, nhà đầu tư phải tập trung vào việc lựa chọn cổ phiếu, đây là việc khá khó khăn với hầu hết nhà đầu tư mới. Nhà đầu tư cần hiểu rằng những giai đoạn “khó chịu” như hiện tại là điều bình thường trên thị trường. Nhà đầu tư muốn tồn tại trên thị trường cần tập làm quen với những giai đoạn như thế.
Thứ hai, tập trung vào xu hướng trong dài hạn. Trong ngắn hạn, thị trường có thể bị dẫn dắt bởi nhiều yếu tố liên quan đến tâm lý. Tuy nhiên, trong dài hạn, thị trường sẽ phản ánh những yếu tố vĩ mô của nền kinh tế. Như đã đề cập trong phần trên, các yếu tố vĩ mô này đang được cải thiện và bắt đầu tốt lên nên xu hướng tăng trong dài hạn đang được đảm bảo. Vì thế, để tránh sự “khó chịu” của thị trường ở giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư có thể tập trung vào những vị thế dài hạn hơn và được hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản.
Thứ ba, kiên nhẫn chờ tín hiệu breakout vùng đỉnh. Nhiều nhà đầu tư hiện đang sử dụng chiến lược đầu tư lướt sóng với thời gian ngắn. Chiến lược này đòi hỏi thị trường phải hình thành xu hướng tăng và nhà đầu tư sẽ nắm bắt xu hướng này để mở những vị thế mới. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, thị trường đang tích lũy và dao động trong biên độ hẹp. Vì thế, việc chờ đợi một tín hiệu phá vỡ để xác nhận xu hướng là điều cần thiết. Khi xu hướng được xác nhận, lúc đó nhà đầu tư mới nên gia tăng mạnh tỷ trọng hoặc mở những vị thế lớn, còn ở giai đoạn hiện tại, việc kiên nhẫn chờ đợi là điều cần thiết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận