VKS đề nghị mức án với 2 nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Vũ 'nhôm'
Tại phiên toà, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm) không đồng ý với tội danh đã quy kết, còn 2 nguyên chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến cùng các đồng phạm còn lại đồng ý với bản cáo trạng.
Sáng nay 7-1, đại diện VKSND Hà Nội đề nghị mức án và nêu quan điểm xử lý Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") và 2 nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng 19 bị cáo khác trong vụ án thâu tóm loạt dự án bất động sản và nhà đất công sản ở Đà Nẵng gây thiệt hại cho Nhà nước gần 22.000 tỉ đồng.
VKS đề nghị bị cáo Trần Văn Minh: 17-18 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 8-9 năm tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Tổng mức đề nghị với bị cáo này 25-27 năm tù.
Bị cáo Văn Hữu Chiến bị đề nghị 13-14 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 5-6 năm tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Tổng mức bị cáo này bị đề nghị là 18-20 năm tù.
Phan Văn Anh Vũ bị đề nghị 17-18 năm tù với tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 8-9 năm tù tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Tổng mức án đề nghị là 25-27 năm tù
Theo đại diện VKS, tại CQĐT cũng như phiên tòa, Phan Văn Anh Vũ vẫn ngoan cố, không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng việc mua các nhà đất công sản là bình thường, vì Vũ và các công ty của Vũ kinh doanh bất động sản, nên việc mua bán là theo thỏa thuận, bán như thế nào thuộc trách nhiệm của UBND TP Đà Nẵng.
Nhưng với tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như kết quả xét hỏi tại phiên tòa, có đủ căn cứ xác định giữa bị cáo và Trần Văn Minh (nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) và các bị cáo khác trong vụ án này có sự thống nhất cùng nhau thực hiện hành vi trái pháp luật, vì bị cáo Vũ biết rõ bản thân và các công ty của mình không thuộc diện mua chỉ định nhà đất công sản nhưng bị cáo lợi dụng mối quan hệ với Minh để đề nghị mua chỉ định các dự án nhà đất công sản.
Ngoài ra, Vũ còn móc nối với một số công ty về việc mua chỉ định nên bàn bạc với các giám đốc của những công ty này đứng tên xin mua nhà đất công sản, xin giảm hệ số sinh lợi, từ đó ăn chia lợi ích với nhau.
Sau đó, Vũ thâu tóm bằng cách dùng thủ đoạn nộp tiền đặt cọc trước khi có các quyết định cho phép bán nhà, chuyển quyền sử dụng cho các công ty này. Tiếp đó, các công ty chuyển tên người sử dụng đất sang cho Vũ với lý do Vũ và các công ty của Vũ là người nộp tiền.
Trần Văn Minh đã ký các công văn, quyết định để tạo điều kiện cho Phan VĂn Anh Vũ tại 18/22 dự án nhà đất công sản có giá trị rẻ hơn rất nhiều, gây thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng. Trong đó, Vũ và các công ty của Vũ mua 15/22 nhà đất công sản, gây thiệt hại hơn 1.700 tỉ đồng.
Hành vi của Vũ vi phạm vào tội với vai trò đồng phạm.
Vũ lợi dụng quen biết để câu kết với Trần Văn Minh thực hiện các dự án bất động sản không qua đấu giá tiền sử dụng đất hoặc áp dụng với giá thấp hơn thị trường, gây thiệt hại hang chục ngàn tỉ đồng như cáo trạng truy tố.
Các bị cáo khác trong vụ án dù biết hành vi của Vũ là trái pháp luật, nhưng trong suốt thời gian dài, Vũ đã tác động thông qua hành vi ký các tờ trình, nộp tiền đặt cọc trước… Hành vi này gây thiệt hại cho nhà nước hơn 18.000 tỉ đồng.
Bị cáo chưa khai nhận hành vi của mình nên cần xem xét khi có hình phạt.
Trước đó, trong 4 ngày thẩm vấn tại phiên toà, nhiều bị cáo nguyên là lãnh đạo sở ban ngành, công ty cho rằng quá trình chuyển nhượng nhà đất công sản chỉ làm theo văn bản chỉ đạo của Ủy ban, hoàn toàn không được hưởng lợi gì. Nhiều bị cáo còn cho rằng mình được sự chỉ đạo của ông Nguyễn Bá Thanh (Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng thời bấy giờ - PV) và ông Trần Văn Minh gọi điện tác động để nhượng lại đất cho Phan Văn Anh Vũ.
Tại phiên toà, bị cáo Trần Văn Minh cũng thừa nhận 22 nhà đất công sản bị quy kết chuyển nhượng trái quy định pháp luật là tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng các tài sản này không thuộc đối tượng nhà ở nên nằm ngoài diện điều chỉnh của Nghị định 61.
Bị cáo Minh cũng giải thích các đơn vị mua 22 nhà, đất này để kinh doanh. Tài sản này không phải diện nhà đang ở nên bị cáo đồng ý chuyển nhượng là đúng quy định. Ngoài ra, cựu Chủ tịch Đà Nẵng cũng khai địa phương bán nhà đất công sản cho các doanh nghiệp liên quan Phan Văn Anh Vũ trên cơ sở Chính phủ cho phép thông qua Quyết định 13 và Chỉ thị 936 về việc hỗ trợ hoạt động tình báo của Vũ "nhôm" tại Đà Nẵng.
Bị cáo Văn Hữu Chiến cho biết về việc chuyển nhượng dự án số 16 Bạch Đằng, nếu căn cứ theo luật đất đai thì không đúng. Tuy nhiên, do có văn bản của Bộ Công an đề nghị chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Bắc Nam 79 (Công ty Vũ "nhôm" làm chủ-PV) để phục vụ xây dựng, phát triển tiềm lực của ngành nên ông mới chỉ đạo xử lý.
Khi được HĐXX thẩm vấn, Phan Văn Anh Vũ khẳng định bị cáo không có quan hệ gì đối với lãnh đạo TP Đà Nẵng. Vũ "nhôm" liên tục cho rằng cáo trạng vụ án đã quy kết bị cáo phạm tội là không đúng. Tại thời điểm đó, không nhận thức được quyết định bán nhà công sản là đúng hay sai. Nhà nước có chủ trương bán thì bản thân xem nếu thấy hợp lý, phù hợp với điều kiện thì mua. "Còn ai bán sai thì người đó chịu. Nếu bị tuyên có tội, Vũ sẽ làm đơn để khởi kiện các công ty đã bán nhà, đất để mình bị rơi vào vòng lao lý"- bị cáo Vũ nói. Vũ "nhôm" cũng cho rằng theo cáo trạng, bị cáo giống như tội đồ, là trung tâm trong cáo trạng này. Mọi tội lỗi đều đổ hết cho bị cáo, bị cáo chỉ là người đi mua chứ không làm gì nên tội.
Trong phần thẩm vấn, Phan Văn Anh Vũ cho rằng nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo TP Đà Nẵng có rất nhiều bằng khen, giấy khen cho bị cáo. "Pháp luật thì chỉ có một, tại sao các lãnh đạo thời kỳ trước khen, ủng hộ bị cáo mà đến nay lại mang bị cáo ra xét xử trước tòa. Bị cáo rất đau đớn về việc này" - bị cáo Vũ nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường