Vinamilk trước áp lực tăng trưởng
Dù vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong quý 3, song mức tăng trưởng của Vinamilk đã giảm so với giai đoạn trước và thấp hơn kỳ vọng 5 - 7% mà ban lãnh đạo công ty đề ra.
Dù vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, song mức tăng trưởng của Vinamilk đã giảm so với các quý trước và chưa đạt kỳ vọng tăng từ 5 – 7% mà ban lãnh đạo công ty đã đặt ra từ đầu năm.
Mặt khác, Vinamilk đã tăng 1-3% giá bán trung bình cho các sản phẩm trong tháng 4 và tháng 8/2019. Nếu không bao gồm tác động của việc tăng giá bán trung bình và doanh thu từ chương trình sữa học đường (bắt đầu ghi nhận trong quý 4/2018), sản lượng nội địa thực tế trong kỳ không đổi so với cùng kỳ năm trước.
Bước sang quý 4, biên lợi nhuận của Vinamilk có thể tiếp tục bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu tăng cao. Biên lợi nhuận gộp của mảng sữa trong nước của Vinamilk trong quý 3 giảm còn 47,7%; thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và quý liền trước đó. Nguyên nhân do chi phí nguyên liệu sữa tăng đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Mặc dù Vinamilk đã tiến hành tăng giá sản phẩm trung bình song chi phí vẫn tăng nhanh hơn.
Vấn đề giá nguyên liệu sữa tăng sẽ không chỉ tồn tại trong quý 4 mà có thể kéo dài sang năm 2020, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận chung của toàn ngành. Không riêng Vinamilk, các công ty cùng ngành cũng tăng giá bán trong 9 tháng đầu năm, như TH True Milk và Cô gái Hà Lan.
Để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu sữa, Vinamilk đã tiến hành đẩy mạnh phát triển nguồn nguyên liệu. Hiện Vinamilk có 13 trang trại (4 trang trại hữu cơ), nguồn sữa lấy từ 130.000 con bò, trong đó gần 30.000 con là bò sữa từ trang trại của công ty và 100.000 con từ các hộ nông dân liên kết.
Vinamilk cho biết, công ty đã được cấp phép sử dụng 5.500 ha đất tại Lào để nuôi bò sữa. Vinamilk kỳ vọng vào cuối năm 2020, trang trại bò này sẽ hoạt động với lượng bò sữa đạt 8.000 con, trong đó có 4.000 con đạt tiêu chuẩn organic của Châu Âu. Theo ban lãnh đạo, trang trại bò tại Lào có thể đạt quy mô lên tới 100.000 con bò khi Vinamilk mở rộng thêm được quỹ đất trong tương lai.
Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch tăng sở hữu từ mức 41% lên tỷ chi phối tại GTN Foods (công ty đang sở hữu 51% Sữa Mộc Châu).
Theo hãng nghiên cứu thị trường AC Nielsen, thị phần theo sản lượng tiêu thụ của Vinamilk đã đạt 61,3% vào cuối quý 3/2019, tăng nhẹ so với mức 61% vào cuối năm 2018. Việc tăng thị phần trên hiện được dẫn dắt bởi mảng sữa nước và sữa chua uống, theo ban lãnh đạo Công ty.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, tính theo quy mô doanh thu, thị phần của Vinamilk đạt 54,2%, bỏ xa các đối thủ khác như Nutifood (12,1%), TH True Milk (9%), Mộc Châu (2,7%) và IDP (1,3%),
Tuy nhiên, việc phát triển lên quy mô quá lớn cũng khiến Vinamilk khó có thể phát triển thêm. Công ty hiện ưu tiên giữ thị phần trước khi mở rộng hơn.
Theo công ty phân tích, để có thể thực sự bứt phá thêm, Vinamilk giải quyết bài toán về xu hướng tiêu thụ sữa của người tiêu dùng Việt Nam, như thói quen tiêu dùng hay tỷ trọng tại các kênh bán lẻ.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Vinamilk đã ra mắt tới 17 sản phẩm mới, bao gồm sữa bột Organic Gold, trà sữa, sữa gạo, Coco Fresh (nước dừa)...
Song song, Công ty đang thực hiện cao cấp hóa sản phẩm và phát triển các sản phẩm hữu cơ như sữa tươi, sữa công thức và sữa chua từ nguồn sữa tươi hữu cơ để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Trong khi nhập khẩu sữa bột hữu cơ từ Mỹ (thông qua Driftwood), Vinamilk cũng thuê sản xuất gia công tại Nhật Bản sản phẩm sữa công thức cho trẻ em dưới nhãn hiệu "Vinamilk Yoko Gold", và nhập khẩu trở lại Việt Nam để phục vụ thị hiếu ưa chuộng sữa công thức Nhật của các bà mẹ Việt Nam.
Những động thái này cho thấy Vinamilk đang tích cực tìm kiếm các giải pháp khác nhau để khai thác nhu cầu rộng hơn từ người tiêu dùng nhằm mục đích cuối cùng là tăng doanh thu.
Mặc dù vậy, để thị trường sữa trong nước bứt phá một lần nữa là vấn đề cần nhiều thời gian. Trong lúc chờ đợi, Vinamilk cũng tiến hành thúc đẩy doanh thu từ xuất khẩu. Thông qua công ty con Angkor Milk, doanh thu từ xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2019 của Vinamilk đạt 3.520 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ.
Dù quy mô doanh thu vẫn còn khá nhỏ, mức tăng trưởng xuất khẩu của Vinamilk khá ấn tượng. Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp đạt 61,3%, tăng mạnh so với 58,9% cùng kỳ năm ngoái, nhờ sản lượng xuất khẩu sữa bột sang Iraq có biên lợi nhuận cao tăng mạnh.
Bên cạnh đó, Vinamilk đang nỗ lực xuất khẩu sữa sang thị trường Trung Quốc. Công ty nằm trong số 5 nhà sản xuất sữa trong nước đủ điều kiện xuất khẩu các sản phẩm sữa sang Trung Quốc (cùng với TH True Milk, Sữa Mộc Châu, Nutifoods và Hanoimilk).
Hiện, Công ty đang chờ phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu, dự kiến vào tháng 11/2019. Công ty sẽ nhắm vào các thị trường ngách như sữa chua uống, sữa chua ăn, sữa tươi cao cấp (hữu cơ, A2) và sữa công thức cao cấp (hữu cơ, A2) do cạnh tranh gay gắt ở thị trường Trung Quốc.
Mặc dù vậy, Vinamilk đã tỏ ra chậm chân hơn so với đối thủ TH true MILK. Cuối tháng 10 vừa qua, TH đã xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc thông qua đối tác Wuxi Jinqiao International Food City - đơn vị sở hữu Trung tâm đầu mối hàng hóa lớn nhất Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận