Vietravel triển vọng hồi phục cùng ngành du lịch
Kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế trở lại và sự phục hồi của du lịch nội địa, được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch, trong đó có Vietravel bước vào giai đoạn phục hồi.
Thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính đột biến
CTCP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý cuối cùng của năm 2021, với lợi nhuận sau thuế đạt 228,36 tỷ đồng sau nhiều quý liên tiếp thua lỗ.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất của Vietravel, doanh thu thuần hợp nhất trong quý IV/2021 đạt 188,97 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ mảng du lịch lữ hành. Trong khi đó, doanh thu mảng bán vé máy bay chỉ vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng và doanh thu khác ghi nhận 14,3 tỷ đồng.
Sự thay đổi trong cấu trúc doanh thu quý IV đến từ việc Vietravel đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ vốn tại nhiều công ty con như CTCP Xuất nhập khẩu và Phát triển văn hóa, CTCP Dịch vụ vận chuyển Thế giới và CTCP Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines - tỷ lệ sở hữu vốn của Vietravel giảm từ 100% về 43,92% trong quý IV/2021), qua đó hoạt động kinh doanh chính của Vietravel có lãi trở lại sau nhiều quý thua lỗ.
Việc thoái vốn khoản đầu tư này đã giúp Công ty ghi nhận 360,7 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 20,4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời ghi nhận hoàn nhập dự phòng tổn thất khoản đầu tư 51,6 tỷ đồng. Tổng cộng, hoạt động tài chính đạt 402 tỷ đồng lợi nhuận.
Trước đó, do ảnh hưởng của Covid-19, mảng du lịch lữ hành trở nên khó khăn, Vietravel đã trải qua 7/8 quý gần nhất thua lỗ với quy mô lỗ ngày càng gia tăng. Với việc ghi nhận lãi đột biến trong quý IV/2021, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2021 là 180 tỷ đồng.
Bức tranh kinh doanh của Vietravel, cụ thể là mảng du lịch lữ hành được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2022, khi các hoạt động du lịch quốc tế được mở cửa trở lại. Tuy vậy, sự hồi phục của ngành du lịch được đánh giá sẽ cần thời gian và triển vọng thoát lỗ của Vietravel vẫn chịu nhiều sức ép khi công ty liên kết - Vietravel Airlines cũng được đánh giá sẽ cần thêm không ít thời gian để thoát lỗ.
Hồi phục cùng ngành du lịch
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất từ ngày 31/3/2022 mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách nước ngoài đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua tất cả các cửa khẩu quốc tế.
Theo lộ trình mở cửa đề xuất, giai đoạn đến 30/3/2022, Việt Nam sẽ mở rộng đối tượng đón, phạm vi đón khách (các địa phương đã tiêm phủ vắc-xin mũi 3, vùng xanh cho phép được đón khách). Linh hoạt trong yêu cầu xét nghiệm, có thể xét nghiệm tại điểm đến (cơ sở lưu trú) và mở rộng địa điểm du lịch, không phân biệt khách nội địa với khách quốc tế, không hạn chế thời gian đi du lịch của khách. Từ ngày 31/3/2022, hoạt động du lịch quốc tế mở cửa hoàn toàn.
Cơ sở quan trọng của việc từng bước mở cửa trở lại thị trường dựa trên tiến độ tiêm chủng vắc-xin nhanh thời gian qua, dự kiến đến tháng 3/2022, Việt Nam sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mũi 3, đảm bảo miễn dịch cộng đồng.
Sau giai đoạn 2020-2021 được đánh giá là khó khăn nhất đối với ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành, việc mở cửa lại với du khách quốc tế, tiến tới mở cửa hoàn toàn được đánh giá là yếu tố quan trọng giúp ngành hàng không và du lịch phục hồi.
Thực tế ghi nhận trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lưu lượng đi lại, hoạt động du lịch đã khởi sắc khi tâm lý người dân đã không quá lo ngại bởi dịch bệnh dần được kiểm soát. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong 9 ngày Tết (từ ngày 29/1 đến 6/2), ngành du lịch đã phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú, xấp xỉ lượng khách dịp Tết Canh Tý 2020 - trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Tổng thu từ du lịch trong dịp Tết ước đạt 25.000 tỷ đồng.
Chương trình Phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ mới đây đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2022 - 2023 sẽ phấn đấu phục hồi được khoảng 8 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (bằng 45 - 50% so với năm 2019); 65 - 70 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 75 - 80% so với năm 2019) và tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400.000 - 450.000 tỷ đồng (bằng 50 - 55% so với năm 2019). Đây là cơ sở để những doanh nghiệp lữ hành như Vietravel kỳ vọng mau chóng phục hồi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận