Vietnam Airlines lỗ năm thứ 3 liên tiếp, có còn cơ hội niêm yết trên HoSE?
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 đã xác nhận Vietnam Airlines báo lỗ năm thứ ba liên tiếp với tổng số lỗ lũy kế lên tới 34.199 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa có quyết định hủy niêm yết với doanh nghiệp ngành hàng không này...
Đã rất nhiều lần Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) lên kế hoạch kinh doanh và lộ trình khắc phục tình trạng bị kiểm soát tránh án hủy niêm yết cổ phiếu nhưng tình hình vẫn không được cải thiện trong quý 4/2022 vừa qua.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của Vietnam Airlines cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4 đạt 19.573 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước nhưng giá vốn tăng cao hơn khiến HVN báo lỗ gộp 827 tỷ đồng, tăng so với con số lỗ của năm ngoái là 634 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng gấp 3,6 lần lên 1.023 tỷ đồng chủ yếu là lãi tiền vay tăng và lỗ chênh lệch tỷ giá 538 tỷ đồng.
Phần lỗ trong công ty kinh doanh liên kết lên tới 65,8 tỷ đồng, chủ yếu là tăng các khoản lỗ tại Công ty mẹ, Pacific Airlines, Công ty dịch vụ mặt đất. Sau đi trừ đi các khoản chi phí khác, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế 2.585 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với quý 4 năm trước và tăng nhẹ so với quý 3/2022.
Lũy kế cả năm 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng 10.400 tỷ đồng, dù rằng doanh thu gấp 2,5 lần cùng kỳ đạt 70.500 tỷ đồng. Như vậy, dù đã bước ra khỏi dịch bệnh Covid-19 cùng với nhiều lần đưa ra các giải pháp cấp bách nhưng tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn u ám.
Đây là năm thứ ba liên tiếp hãng hàng không quốc gia báo lỗ con số chục nghìn tỷ đồng, giá trị lũy kế lỗ lên tới 34.199 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 10.199 tỷ đồng. Trong khi nợ phải trả lên tới 70.777 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chỉ còn 12.300 tỷ đồng, áp lực thanh khoản rất lớn khi mà tiền mặt chỉ còn lại 3.400 tỷ đồng.
Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 120 tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019 như sau "Cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Chiếu theo quy định này, thì Vietnam Airlines đã chính thức thuộc diện cổ phiếu bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chưa thấy HoSE có văn bản nào thông báo sẽ hủy niêm yết cổ phiếu này.
Trước đó, hồi tháng 9/2022 sau khi có báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của HVN, HoSE đã lưu ý công ty này về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Kiểm toán tại báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2022 của HVN cho biết, khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê. Những điều kiện này, cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty.
Nói về nguy cơ hủy niêm yết, lãnh đạo Vietnam Airlines trong các cuộc gặp gỡ báo chí cho rằng phía công ty vẫn nỗ lực hết sức đưa ra các giải pháp cũng như đề xuất hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý.
"Theo đó, việc huỷ niêm yết chỉ thực hiện với các cổ phiếu xấu nhằm thanh lọc thị trường chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư. Song, Vietnam Airlines là trường hợp đặc biệt, việc lỗ, âm vốn chủ sở hữu “do khách quan”, cổ phiếu của hãng tốt, đang có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển; giá trị vốn hoá và tài sản lớn...", đại diện Vietnam Airlines nói.
Tuy nhiên, về vấn đề này, trao đổi với VnEconomy, Luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, quy định thì không thể có ngoại lệ. Đã là doanh nghiệp thì phải tôn trọng cuộc chơi, làm theo đúng luật. Nếu lỗ liên tiếp ba năm, âm vốn chủ sở hữu thì đầu tiên là buộc phải hủy niêm yết. Còn sau đó doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu kinh doanh có lãi bình thường trở lại thì xem xét niêm yết sau.
"Nếu có ngoại lệ thì phải có quy định sẵn là trong trường hợp nào thì được ngoại lệ chứ không phải bây giờ lỗ thì lại biện minh do đây là doanh nghiệp nhà nước, do dịch bệnh thì được ngoại lệ. Bởi như vậy sẽ tạo ra một sân chơi bất bình đẳng và tiền lệ xấu cho thị trường khi 100 doanh nghiệp sẽ có thêm 100 lý do khác nhau để thoát án. Đã báo lỗ thì không có doanh nghiệp nào không có khó khăn, nếu ai cũng đưa ra khó khăn để được miễn hủy thì không còn gọi là luật nữa", Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận