Vietnam Airlines lỗ gần 1 tỷ USD, chờ cơ hội hồi phục ngành năm 2022
Năm 2021, Vietnam Airlines lỗ 13.023 tỷ đồng, lũy kế sau hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19, hãng hàng không quốc gia lỗ 21.978 tỷ đồng...
Chật vật thua lỗ trong hơn 2 năm COVID-19
Theo kết quả kinh doanh năm 2021 vừa công bố, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN), doanh thu thuần đạt hơn 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2020, luỹ kế cả năm doanh thu đạt 28.093 tỷ đồng, giảm 31% cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của HVN âm 1.100 tỷ trong quý IV và âm 10.491 tỷ trong cả năm 2021.
Sau hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19, hãng hàng không quốc gia lỗ 21.978 tỷ đồng, ăn mòn gần hết vốn góp của chủ sở hữu.
Mặc dù doanh thu tài chính tăng đáng kể và tiết giảm chi phí, lợi nhuận trước thuế quý IV/2021 của HVN lỗ 1.076 tỷ đồng, giảm lỗ đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (lỗ 2.810 tỷ đồng), luỹ kế cả năm 2021 lỗ 13.023 tỷ đồng (năm 2020 lỗ 10.919 tỷ đồng).
Lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 của HVN ghi nhận lỗ 1.184 tỷ đồng, cả năm 2021 lỗ 13.337 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán của hãng hàng không quốc gia ghi nhận âm 21.978 tỷ đồng, ăn mòn gần hết vốn góp của chủ sở hữu là 22.143 tỷ đồng.
Trong năm 2021, HVN đã tăng vốn từ 14.182 tỷ đồng lên 22.143 tỷ đồng sau khi chào bán 800 triệu cổ phiếu từ ngày 5/8 đến 14/9/2021 với số tiền thu được là hơn 7.961 tỷ đồng. Trong đó, với cổ đông Nhà nước, Chính phủ giao SCIC thực hiện mua số cố phần tương đương giá trị cổ phiếu khoảng 6.880 tỷ đồng.
Sau khi tăng vốn, các cổ đông lớn nhất của HVN với tỷ lệ sở hữu tương ứng là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (55,20%), Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (31,14%) và Tập đoàn ANA (5,62%).
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của HVN đạt hơn 63.000 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 14.374 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ so với đầu năm, vay dài hạn 20.424 tỷ đồng, giảm hơn 2.400 tỷ đồng so với đầu năm 2021.
Hiện dịch bệnh được kiểm soát tích cực tại nhiều quốc gia, HVN đã lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và 15 vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm 2022.
Việc mở cửa các đường bay thường lệ quốc tế dự kiến mang lại cơ hội phục hồi đáng kể cho HVN sau hơn 2 năm dịch bệnh. Dịp lễ 30/4-1/5 và cao điểm hè cũng kỳ vọng giúp hãng vượt qua khó khăn.
Kỳ vọng vào cơ hội phục hồi kinh tế, phục hồi hàng không
Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc khôi phục lại hàng không, du lịch trong năm 2022 không chỉ là cơ hội, tiềm năng mà hoàn toàn trở thành sự thực hiện hữu. Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra các kịch bản dự báo tăng trưởng, ở kịch bản trung bình, năm nay, thị trường hàng không Việt Nam dự kiến đón 42-43 triệu hành khách, mới đạt hơn 50% so năm 2019 nhưng con số này khá ấn tượng khi nhìn lại hai năm dịch vừa qua hàng không gần như tê liệt, kiệt quệ. Trong số hơn 40 triệu lượt khách này, Cục Hàng không Việt Nam dự báo Việt Nam sẽ đón khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch.
Phát biểu tại buổi họp báo về triển lãm quốc tế Hàng không Việt Nam năm 2022 mới đây, ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc Chi nhánh Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM) cũng cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, thị trường hàng không quốc tế vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các hãng hàng không cùng sự hỗ trợ tích cực và kịp thời của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, thị trường hàng không Việt Nam từng bước hồi phục từ cuối năm 2021.
Cụ thể, các hàng hàng không đã khai thác trở lại tất cả các đường bay, tăng tần suất phục vụ nhu cầu đi lại an toàn của người dân dịp cuối năm. Các hãng hàng không cũng đã và đang nỗ lực tối đa để đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách, đồng thời thay đổi, nâng cấp và hoàn thiện các hoạt động khai thác, phục vụ để mang đến những trải nghiệm bay an toàn, thuận tiện tối đa cho khách hàng.
“Tiếp nối đà phục hồi trong năm 2021, ngành Hàng không toàn cầu bước sang năm mới 2022 với sự lạc quan về triển vọng phát triển, dự báo sẽ tăng trưởng 47%, khi những biện pháp hạn chế liên quan đến biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2 dần được nới lỏng hoặc loại bỏ. Dù vậy, giới phân tích cũng cho rằng, ngành Hàng không toàn cầu trong năm nay vẫn cần có những điều chỉnh mang tính chiến lược nhằm thích ứng với diễn biến khó lường của dịch bệnh”, ông Nguyễn Hữu Nam chia sẻ.
Dẫn số liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ông Nam cho biết, lưu lượng hành khách ngành Hàng không năm 2021 đã phục hồi ở mức 42% so với năm 2019. Du lịch nội địa dẫn đầu sự phục hồi lưu lượng hành khách, hiện chỉ thấp hơn 28% so với năm 2019, trong khi du lịch quốc tế phục hồi chậm hơn, vẫn thấp hơn 75,5% so với trước đại dịch. Một điểm sáng nằm ở lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không tăng 18,7% so với năm 2020 và tăng 7% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch), trở thành nguồn thu quan trọng hiện nay cho các hãng hàng không.
Đại diện một doanh nghiệp Hàng không cũng cho rằng, sau gần 3 năm "đóng băng", thị trường hàng không và du lịch bị "nén lại" sẽ có sức bật như lò xo, nhu cầu đi lại công tác, du lịch khám phá, đoàn tụ người thân có chiều hướng tăng rất nhanh. Chính phủ cũng có nhiều giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ rất quan trọng và thiết thực đối với ngành hàng không như mở cửa trở lại hoạt động bay quốc tế thường lệ từ đầu năm 2022, điều chỉnh và đồng bộ hóa các biện pháp xét nghiệm, cách ly, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách,...
Cùng với đó, kết quả triển khai và khôi phục từng bước hoạt động bay thời gian qua, nhất là giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán là nền tảng vững chắc để các hãng tin tưởng vào sự khởi sắc của hoạt động hàng không quốc tế cũng như nội địa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận