Vietnam Airlines gồng mình qua tâm bão
“Dịch bệnh phức tạp khó lường, khó dự báo, giờ chúng tôi xác định cố gắng để tồn tại đã, đồng thời giữ và chuẩn bị nguồn lực để bật lại sau đại dịch”, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines chia sẻ.
Đối mặt với khó khăn chưa từng có
Trong lịch sử hoạt động, các hãng hàng không chưa từng phải đối mặt với những tình huống như hiện nay. Năm 2021, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nghiêm trọng và kéo dài hơn so với năm 2020. Hai mùa cao điểm của ngành hàng không là Tết Nguyên đán và mùa hè, các hãng hàng không đều thất thu vì làn sóng dịch bệnh thứ ba và thứ tư bùng phát.
Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hơn rất nhiều, không thể dự liệu.
Theo thông tin từ Vietnam Airlines, nửa đầu năm nay, khoảng 9.400 cán bộ nhân viên của Hãng không có việc làm, chỉ được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Hiện Vietnam Airlines chỉ khai thác khoảng 40 chuyến bay mỗi ngày, trong khi trước dịch là 550 chuyến bay mỗi ngày. Máy bay cũng chủ yếu chở hàng hóa, khách đi lại rất ít, tỷ lệ ghế trên mỗi chuyến bay chưa được 40%.
Hiện Vietnam Airlines chỉ khai thác khoảng 40 chuyến bay mỗi ngày, trong khi trước dịch là 550 chuyến bay mỗi ngày.
Để duy trì hoạt động, Vietnam Airlines nỗ lực bằng mọi cách để có nguồn thu. Các tàu thân rộng của Vietnam Airlines đều được tháo ghế để chở hàng, tàu không thể tháo ghế thì chở hàng trên cabin.
Không chỉ tận thu từ vận chuyển hàng hóa, giữ giao thương ở mức cao nhất có thể, các ngành hàng phụ trợ của hàng không nỗ lực tạo dòng tiền.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài đã tìm kiếm hợp đồng cung cấp suất ăn cho các doanh nghiệp công nghiệp, bán trà sữa, bánh mì chế biến sẵn qua kênh online, các cửa hàng trên phố, chế biến bánh ngọt làm quà tặng…
Kinh nghiệm từ các hãng bay trên thế giới đối mặt với tình trạng đất nước có dịch bệnh vượt kiểm soát đã khiến Vietnam Airlines có sự chuẩn bị, đánh giá, xây dựng nhiều kịch bản điều hành sản xuất - kinh doanh tương ứng với các kịch bản thị trường và diễn biến dịch bệnh.
Cùng với các giải pháp tạo nguồn thu, ông Hòa cho biết, Vietnam Airlines chủ động tìm kiếm sự chia sẻ, hỗ trợ từ đối tác để đàm phán giảm giá, giãn, hoãn thanh toán, cắt giảm và triệt để tiết kiệm các khoản chi để giảm thiểu mức lỗ trong kinh doanh. Dự kiến, tổng chi phí cắt giảm, tiết kiệm bằng các giải pháp tự thân năm 2021 đạt được trên 6.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, các tàu bay ATR-72 cũ đến 12 năm tuổi sẽ được bán và thay thế bằng các tàu bay phản lực khu vực để tăng cường cạnh tranh tại thị trường ngách hoặc các sân bay không khai thác được bằng đội tàu bay Airbus A320, A321 trở lên.
Dù tình hình hiện tại đang hết sức khó khăn, song ông Hoà nói rằng, Vietnam Airlines đang đặt hy vọng vào chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 của Chính phủ.
Dự kiến cuối quý III và quý IV năm nay, Việt Nam sẽ tiêm vắc-xin cho tỷ lệ lớn dân số và ngành hàng không có thể hoạt động trở lại. Trên cơ sở đó, Tổng công ty đặt kế hoạch sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay quốc tế chở công dân về nước, chở chuyên gia, phối hợp thí điểm hộ chiếu sức khỏe điện tử.
Còn tại thị trường nội địa, Hãng sẽ xây dựng lộ trình khôi phục hoàn toàn mạng đường bay cho giai đoạn sau dịch bệnh, tìm các cơ hội mở thêm các đường bay địa phương mới.
Mục tiêu đạt 51% thị phần vận chuyển hành khách nội địa năm 2021 của Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) được Ban lãnh đạo đặt ra, trên cơ sở điều hành tải cung ứng và mở bán linh hoạt.
“Trợ thở” bằng nhiều dòng vốn
Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 14.526 tỷ đồng. Nhưng nửa đầu năm, công ty mẹ đã ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất 10.788 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Công ty đã âm hàng nghìn tỷ đồng.
Chính phủ đã thông qua gói giải pháp “trợ thở” cho Vietnam Airlines, gồm gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu tăng vốn quy mô 8.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu.
Ngày 7/7 vừa qua, Tổng công ty đã hoàn thành việc lựa chọn, ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại, gồm SHB, Seabank và MSB trước khi chính thức tiến hành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng.
Phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng (mức giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phần) cũng đã được thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 (tổ chức vào ngày 14/7 vừa qua) và dự kiến các thủ tục phát hành sẽ hoàn tất vào cuối quý III/2021.
Trong đó, SCIC được ủy quyền thay cổ đông nhà nước là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm.
SCIC đang sẵn nguồn lực lớn, vì vậy, ngay khi các thủ tục phát hành thêm được thực hiện, tiền sẽ được chuyển vào Vietnam Airlines.
“Nguyên tắc chung của Vietnam Airlines trong việc sử dụng 12.000 tỷ đồng từ gói vay tái cấp vốn và phát hành thêm cổ phiếu là bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất – kinh doanh”, ông Hòa cho biết.
Giữ nguồn lực cho kế hoạch hậu đại dịch
“Dịch bệnh phức tạp khó lường, khó dự báo, giờ chúng tôi xác định cố gắng để tồn tại đã, đồng thời giữ và chuẩn bị nguồn lực để bật lại sau đại dịch”, lãnh đạo Công ty chia sẻ.
Thực tế ở nhiều hãng hàng không nước ngoài cho thấy, khi đại dịch được kiểm soát, mở cửa bầu trời, tình trạng thiếu hụt nhân lực diễn ra khá nghiêm trọng, do trước đó không ít người đã bỏ nghề để kiếm việc khác mưu sinh.
Bên cạnh duy trì các hoạt động kết nối nội bộ trực tuyến, có thể thấy một nét chuyển biến rất lớn ở hãng hàng không quốc gia từ năm 2020 trở lại đây, đó là tính thị trường.
Bên cạnh triển khai các giải pháp về lao động, tiền lương phù hợp quy mô kinh doanh, Vietnam Airlines đã tận dụng mọi cơ hội có thể để gia tăng doanh thu, mà trọng điểm là tăng cường hoạt động vận chuyển hàng hóa, tăng chuyến chở công dân về nước, chở khách chuyên gia.
Có thời điểm, Vietnam Airlines đã đồng loạt mở thêm hơn 20 đường bay nội địa dựa trên nguồn lực sẵn có và thị trường nội địa hồi phục nhanh khi dịch bệnh tạm được kiểm soát.
Việc tiến hành hoán cải nhiều tàu bay Boeing 787, Airbus A350, Airbus A321 để chở hàng trên khoang hành khách, làm tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8 - 2 lần so với chở hàng tại khoang bụng, nhằm cải thiện nguồn việc cho người lao động, tiếp tục được phát huy.
Vietnam Airlines đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng.
Những nỗ lực này giúp doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và chiếm gần 30% tổng doanh thu của hãng (giai đoạn trước dịch Covid-doanh thu hàng hóa chỉ chiếm 9%).
Dịch bệnh được đánh giá còn phức tạp, tạo ra môi trường kinh doanh nhiều thách thức với các hãng hàng không như Vietnam Airlines nhưng những điểm sáng về tiêm chủng vắc-xin và hộ chiếu sức khỏe điện tử đang mang đến cơ hội “mở cửa bầu trời” vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Một tâm thế chủ động và sự chuẩn bị tích cực, sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội nhanh và bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận