menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Hải

Vietnam Airlines cũng muốn lập hãng bay chở hàng hóa

Mặc dù kiệt quệ tài chính song Vietnam Airlines cũng muốn lập hãng bay chở hàng hóa khi đây là lĩnh vực mà các hãng không chưa khai thác hiệu quả.

Thông tin Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) có kế hoạch mở hãng bay chở hàng hóa được lãnh đạo công ty này tiết lộ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra sáng 14/7.

Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết, trong bối cảnh các chuyến bay chở khách giảm, thời gian qua hãng đã đẩy mạnh vận tải hàng hóa để bù đắp doanh thu.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Vietnam Airlines đã tiến hành hoán cải nhiều tàu bay Boeing 787, Airbus A350, Airbus A321 để chở hàng trên khoang hành khách, làm tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8-2 lần so với chở hàng tại khoang bụng.

Theo ông Hòa, doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và chiếm gần 30% tổng doanh thu của Vietnam Airlines, đặc biệt có tháng doanh thu hàng hoá còn vượt doanh thu hành khách.

"Đây là tiền đề cho Vietnam Airlines nghiên cứu lập một hãng hàng không chuyên chở hàng hoá sau dịch bệnh", ông Hòa cho biết.

Đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết đã nghiên cứu mảng vận tải hàng hoá lâu, nhưng thực tế để hiệu quả phải đảm bảo được quy mô, khai thác các nguồn hàng và chân hàng từ các nước đến Việt Nam và ngược lại.

Đáng nói, kế hoạch mở hãng bay chở hàng hóa thời điểm này là hợp lý song với tiềm lực tài chính của Vietnam Airlines hiện nay thì đó là một dấu hỏi lớn.

Bởi, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Vietnam Airlines có số lỗ của quý I/2021 ở mức 4.800 tỷ đồng, dự kiến 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện tại số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

Mặc dù mới đây Vietnam Airlines đã chính ký hợp đồng tín dụng với SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng để góp phần giúp hãng vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Song các chuyên gia cho rằng, hãng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro khi thị trường hàng không chưa thể hồi phục, đặc biệt là dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Trên thực tế, khi dịch Covid-19 bùng phát, mảng vận tải hành khách đã hạn chế rất nhiều vì các quy định phòng chống dịch. Tuy nhiên, để bù đắp doanh thu tránh tình trạng tàu bay nằm sân, các hãng hàng không Việt Nam cũng đã đẩy mạnh mảng vận tải hàng hóa.

Ngoài Vietnam Airlines thì các hãng bay Vietjet, Bamboo Airways cũng đẩy mạnh việc vận chuyển hàng hóa.

Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho biết, tính đến 28/6/2021, nhiều hãng hàng không đã hoán đổi tàu bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang (Vietnam Airlines hoán đổi 5 tàu bay, Vietjet Air 4 tàu bay). Ngoài ra, một số tàu bay khác (chưa tháo ghế) cũng được chở hàng trên khoang hành khách với điều kiện không chở khách trên cùng chuyến bay.

Theo báo cáo Bộ Giao thông vận tải, tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa các hãng hàng không giai đoạn Việt Nam trong dịch một năm qua đều tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước dịch Covid-19.

Mặc dù vậy, theo đánh giá các chuyên gia kinh tế, hiện hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không ở Việt Nam là do các hãng hàng không nước ngoài vận chuyển. Trong khi đó, các hãng bay trong nước hiện tại lại chưa khai thác hết, để lãng phí tiềm năng.

Trong bối cảnh đó, để tận dụng tối đa tiềm năng đang có, doanh nghiệp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đề xuất lập hãng hàng không IPP Air Cargo chở hàng vốn 100 triệu USD. Bất ngờ là đề xuất này vẫn chưa được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.

Chia sẻ về nguyên nhân muốn thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, hệ thống logistics của Việt Nam chưa phát triển, công nghệ đi chậm hơn so với thế giới 20 năm.

Đặc biệt, chi phí vận chuyển hàng hóa luôn cao hơn nhiều so với thế giới, làm giảm sức cạnh tranh vì các kho hàng, bến bãi, vận chuyển chưa được đầu tư những hệ thống nhanh, gọn để giải phóng hàng hóa nhanh cho doanh nghiệp. Hàng về phải chuyển vòng qua nhiều cảng, thời gian nằm bãi lâu, đẩy chi phí lên cao và giảm chất lượng hàng hóa.

Trong khi đó, Việt Nam không có máy bay lớn chuyên dụng để chuyển hàng hóa nhanh nên phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp ngoại. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các hãng hàng không cũng tận dụng máy bay thương mại để vận chuyển hàng hóa nhưng do không có thiết kế phù hợp, không đúng quy định bảo hiểm nên chỉ có thể vận chuyển ở mức rất hạn chế.

"Chúng tôi đã âm thầm chuẩn bị đầy đủ từ nhân lực đến vật lực, không chỉ phục vụ việc thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo mà còn xây dựng chuỗi liên hoàn trung tâm logistics cung cấp giải pháp công nghệ thông minh, hiện đại nhất để quản lý kho hàng... tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp logistic sẽ được giải phóng hàng nhanh với các thủ tục đơn giản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước", ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại