Vietnam Airlines: Cất cánh trong mùa dịch
Trong bối cảnh các chuyến bay chở khách giảm, Vietnam Airlines đã đẩy mạnh vận tải hàng hóa để bù đắp doanh thu, đồng thời thực hiện sứ mệnh Hãng hàng không quốc gia trong việc đảm bảo kết nối giao thương...
Trên thế giới, ngày càng có nhiều quốc gia đóng cửa biên giới đối với công dân đến từ các quốc gia mà dịch Covid-19 còn đang hoành hành, hoặc đang bùng phát mạnh trở lại. Đây là nguyên nhân khiến nhiều ngành nghề lao đao trong thời dịch bệnh. Cùng với du lịch, giao thông hàng không là một trong những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất bởi các hạn chế liên quan đến khủng hoảng Covid-19. Nói chung, du lịch và hàng không là hai lĩnh vực gắn liền với nhau. Theo thẩm định của IATA, khủng hoảng Covid-19 đến nay đe dọa đến hơn 7 triệu việc làm có liên quan đến hàng không. Mức dự báo nói trên là nhiều hơn 1 triệu so với thẩm định vào tháng 6. Các hãng hàng không Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, đặc biệt là Vietnam Airlines.
Năm 2021, trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch khả thi với mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, tương đương 88,4% so với năm 2020. Để vượt qua đại dịch và nắm bắt cơ hội phát triển, Vietnam Airlines đặt mục tiêu duy trì an toàn khai thác, phòng chống dịch bệnh, giữ vững vị thế chủ lực của Vietnam Airlines Group trong ngành hàng không, tái cơ cấu toàn diện và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ.
Vietnam Airlines tiếp tục tìm mọi giải pháp tăng thu và cắt giảm, tối ưu hóa chi phí (đặc biệt tái cơ cấu đội tàu bay, chi phí thuê tàu bay); tái cơ cấu danh mục đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; kiện toàn tổ chức các khối theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tinh giản số lượng lao động; đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ (vững chắc 4 sao và tiến đến 5 sao).
Tổng công ty chủ động tìm kiếm sự chia sẻ, hỗ trợ từ đối tác để đàm phán giảm giá, giãn, hoãn thanh toán, cắt giảm và triệt để tiết kiệm các khoản chi để giảm thiểu mức lỗ trong kinh doanh. Dự kiến tổng chi phí cắt giảm, tiết kiệm bằng các giải pháp tự thân năm 2021 đạt được trên 6.800 tỷ đồng. Ngoài ra, các tàu bay ATR-72 cũ đến 12 năm tuổi sẽ được bán và thay thế bằng các tàu bay phản lực khu vực để tăng cường cạnh tranh tại thị trường ngách hoặc các sân bay không khai thác được bằng đội tàu bay Airbus A320, A321 trở lên.
Đối với kế hoạch bay quốc tế và nội địa, Vietnam Airlines điều hành linh hoạt, tận dụng các cơ hội phục hồi đến từ kiểm soát dịch bệnh, tiêm chủng vắc-xin và hộ chiếu sức khỏe điện tử. Tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay quốc tế chở công dân về nước, chở chuyên gia, phối hợp thí điểm hộ chiếu sức khỏe điện tử. Trên thị trường nội địa, Vietnam Airlines xây dựng lộ trình khôi phục hoàn toàn mạng đường bay cho giai đoạn sau dịch bệnh; tìm các cơ hội mở thêm các đường bay địa phương mới. Đồng thời, mục tiêu đạt 51% thị phần vận chuyển hành khách nội địa năm 2021 của Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) được ban lãnh đạo xác định trên cơ sở điều hành tải cung ứng và mở bán linh hoạt.
Vietnam Airlines đặt ưu tiên hoàn thành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu tăng vốn quy mô 8.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu. Vừa qua, tổng công ty đã hoàn thành việc lựa chọn, ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại trước khi chính thức tiến hành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng. Phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn 8.000 tỷ đồng cũng đã được thông qua tại Đại hội cổ đông và dự kiến các thủ tục phát hành sẽ hoàn tất vào cuối quý III/2021. Nguyên tắc chung của Vietnam Airlines trong việc sử dụng 12.000 tỷ đồng từ gói vay tái cấp vốn và phát hành thêm cổ phiếu là bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, trong điều kiện sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, HĐQT cùng với Ban giám đốc tổng công ty đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ứng phó với đại dịch, đảm bảo duy trì hoạt động. Đồng thời, Vietnam Airlines đã tận dụng mọi cơ hội có thể để gia tăng doanh thu. Có thời điểm, Vietnam Airlines đã đồng loạt mở thêm hơn 20 đường bay nội địa dựa trên nguồn lực sẵn có và thị trường nội địa hồi phục nhanh. Những nỗ lực tự thân của Vietnam Airlines, cùng sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành và đơn vị hữu quan, đã giúp đơn vị giảm lỗ gần 5.800 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong bối cảnh các chuyến bay chở khách giảm, Vietnam Airlines đã đẩy mạnh vận tải hàng hóa để bù đắp doanh thu, đồng thời thực hiện sứ mệnh Hãng hàng không quốc gia trong việc đảm bảo kết nối giao thương. Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hãng đã tiến hành hoán cải nhiều tàu bay Boeing 787, Airbus A350, Airbus A321 để chở hàng trên khoang hành khách, làm tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8 - 2 lần so với chở hàng tại khoang bụng. Vietnam Airlines đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng. Những nỗ lực này giúp doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và chiếm gần 30% tổng doanh thu của hãng (giai đoạn trước dịch Covid - doanh thu hàng hóa chỉ chiếm 9%). Năm 2020, Vietnam Airlines đứng đầu trong các hãng hàng không Việt Nam về thị phần vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines có thể giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay là một minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ luôn quan tâm, theo sát Vietnam Airlines, kịp thời phối hợp với các cơ quan bộ, ngành đưa ra những định hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo đà phục hồi sau đại dịch.
Bên cạnh giữ vững sản xuất kinh doanh, Vietnam Airlines đã thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch bệnh. Tổng công ty luôn ưu tiên mức độ cao nhất cho việc phòng ngừa dịch bệnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Kể từ khi dịch bùng phát đến nay, Vietnam Airlines đã chở hơn 76.000 công dân về nước, chở miễn cước hơn 130 tấn hàng hóa y tế phục vụ chống dịch. Hãng hàng không quốc gia đã thực hiện hàng chục chuyến bay chở miễn phí hơn 2 triệu liều vắc-xin, vận chuyển miễn phí y bác sĩ đi các tỉnh thành nội địa trên cả nước chống dịch. Hiện tại, gần 100% nhân viên tuyến đầu của Vietnam Airlines với gần 14.500 phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
Những nỗ lực của Vietnam Airlines trong thời gian qua đã được cộng đồng trong, ngoài nước ghi nhận với nhiều giải thưởng đáng chú ý như: Top 10 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam theo khảo sát của Campaign Asia-Pacific, Top doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam do VNR500 bình chọn, dẫn đầu bảng xếp hạng thương hiệu tại Việt Nam do Tập đoàn phân tích dữ liệu YouGov của Anh công bố... Đáng chú ý, mới đây Vietnam Airlines đã trở thành hãng bay đầu tiên ở Việt Nam và thứ 9 trên thế giới được tổ chức đánh giá hàng không uy tín thế giới Skytrax xếp hạng 5 sao (mức cao nhất) về an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận