Vietjet Air, Bamboo Airway mở đường bay hiếm; Vinfast có thêm tiền từ tỷ phú; Nhân sự TKV, Gelex
Vietjet Air nối Vân Đồn - Trà Nóc; Bamboo Airways bay thẳng Hà Nội - Cà Mau; TKV có Chủ tịch Hội đồng thành viên mới là người Quảng Ninh; Tân Chủ tịch HĐQT Gelex từng giữ chức danh quản lý tại SCIC...
Vietjet Air nối Vân Đồn - Trà Nóc; Bamboo Airways bay thẳng Hà Nội - Cà Mau
Từ 29/4, Bamboo Airways bắt đầu khai thác thương mại chặng Hà Nội – Cà Mau với tần suất 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần. Với việc sử dụng tàu bay phản lực Embraer, thời gian di chuyển từ thủ đô đến Đất Mũi chỉ mất hơn hai giờ. Tùy theo nhu cầu và điều kiện thực tế, Bamboo Airways có thể tăng thêm chuyến trên chặng bay này.
Hiện tại, công suất khai thác tại cảng hàng không Cà Mau khoảng 35.000-40.000 khách mỗi năm. Tuy nhiên, công suất thực tế của sân bay có thể đáp ứng lên đến 200.000 khách.
Với Bamboo Airways, đường bay Hà Nội – Cà Mau cũng đánh dấu cột mốc hoàn thành khai thác tại toàn bộ 22 cảng hàng không trong nước.
Sau hơn 4 năm cất cánh, hãng bay này đang vận hành đội tàu bay 30 chiếc. Ở thị trường quốc tế, Bamboo Airways khai thác 14 chặng kết nối Đông Nam Á, Bắc Á, Australia và châu Âu. Nửa cuối năm, công ty dự kiến mở thêm các đường bay đến Trung Quốc và tăng tần suất khai thác thị trường Đông Bắc Á.
Trước đó, ngày 25/4, Vietjet Air bắt đầu khai thác đường bay kết nối hai sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) và Trà Nóc (Cần Thơ), tần suất 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần (thứ 3, 5, 7).
Riêng trong tháng 5, hãng khai thác tần suất hai chuyến một tuần vào các ngày thứ 3 và thứ 7.
TKV có Chủ tịch Hội đồng thành viên mới là người Quảng Ninh
Thủ tướng vừa bổ nhiệm ông Ngô Hoàng Ngân, Phó bí thư Quảng Ninh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) thay cho ông Lê Minh Chuẩn - được Thủ tướng đồng ý từ chức cuối tháng 12/2022.
Ông Ngô Hoàng Ngân, tân Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam |
Ông Ngân sinh năm 1966, tại Quảng Ninh, là thạc sĩ kỹ thuật mỏ, cử nhân khai thác hầm lò. Trước khi nhận vị trí mới, ông từng giữ các chức vụ: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn TKV; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Móng Cái; Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh này.
Trước đó, trong cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Minh Khái chiều 27/4, đại diện TKV cho biết năm 2022, Tập đoàn đạt lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2023 của TKV cũng vượt 120% so với cùng kỳ năm ngoái, các sản phẩm chỉ tiêu cơ bản đều đạt kế hoạch đề ra.
TKV cũng báo cáo về việc tái cơ cấu mô hình tổ chức của tập đoàn, sắp xếp các công ty cổ phần sản xuất than; việc thoái vốn tại một số đơn vị; kiến nghị Thủ tướng sớm quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu tập đoàn. Đồng thời, TKV cũng kiến nghị với cấp có thẩm quyền cho tập đoàn được bổ sung ngành nghề kinh doanh và tăng vốn điều lệ.
Tân Chủ tịch HĐQT Gelex từng giữ chức danh quản lý tại SCIC
Ông Nguyễn Trọng Hiền vừa được HĐQT Gelex bầu giữ chức Chủ tịch thay ông Nguyễn Hoa Cương từ nhiệm trước đó. Quyết định này được HĐQT Gelex thông qua tại phiên họp đầu tiên sau khi kết thúc Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Ông Nguyễn Trọng Hiền tại phiên họp cổ đông thường niên năm 2023. Ảnh: Gelex |
Ông Nguyễn Trọng Hiền, sinh năm 1976, có bằng Cử nhân kinh tế Ngoại thương, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh.
Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, tài chính và đầu tư, tái cấu trúc và hoạch định chiến lược. Trước đó, ông từng giữ các chức danh quản lý tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Công ty Cơ điện lạnh (REE) và nhiều doanh nghiệp niêm yết khác. Tháng 8/2020, ông được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Gelex.
Trước đó, tại phiên họp thường niên năm 2023, HĐQT Gelex đã trình và được cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT với ông Nguyễn Hoa Cương và Phó chủ tịch Nguyễn Trọng Tiếu, theo nguyện vọng cá nhân.
Ông Nguyễn Hoa Cương, sinh năm 1961, là một trong những lãnh đạo kỳ cựu nhất tại Gelex với hơn 30 năm gắn bó, trong đó có hơn 10 năm giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ông Nguyễn Trọng Tiếu, sinh năm 1959, là Phó chủ tịch Gelex từ tháng 8/2018 đến nay.
HĐQT Gelex quyết định không bầu bổ sung thêm thành viên trong nhiệm kỳ hiện tại, giảm số lượng từ 7 xuống 5 thành viên, gồm ông Nguyễn Trọng Hiền (Chủ tịch HĐQT), ông Đậu Minh Lâm, ông Lương Thanh Tùng, ông Nguyễn Văn Tuấn và ông Lê Bá Thọ.
Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng bơm 2,5 tỷ USD cho VinFast
Khoản tiền này sẽ được giải ngân trong một năm tới, trong đó ông Phạm Nhật Vượng hiến tặng một tỷ USD, Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD, đồng thời cho VinFast vay một tỷ USD thời hạn tối đa 5 năm.
VinFast là thành viên của Tập đoàn Vingroup, thành lập năm 2017 |
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh VinFast đang có những bước tiến ra thị trường quốc tế và đạt các kế hoạch đề ra trong sản xuất kinh doanh. Khoản tiền này tạo thêm nguồn lực thúc đẩy, tạo điều kiện cho VinFast tăng tốc phát triển, nhanh chóng đạt các mục tiêu tăng trưởng quy mô toàn cầu.
Đại diện Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng nói, xây dựng thương hiệu quốc gia có khả năng cạnh tranh ở tầm quốc tế là một hành trình đặc biệt khó khăn, thách thức, thậm chí đòi hỏi hy sinh lợi ích trước mắt. Hiểu rõ điều này, ông Vượng hiến tặng một phần tài sản cá nhân nhằm tiếp sức cho VinFast trong giai đoạn tăng tốc bản lề, ghi dấu Việt Nam trên thị trường xe điện thế giới. Sự thành công của VinFast sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp, công nghệ Việt Nam, tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi xanh trên toàn cầu.
VinFast là thành viên của Tập đoàn Vingroup. Đơn vị thành lập năm 2017, chuyên sản xuất và kinh doanh ôtô, xe máy điện, chuyển hẳn sang thuần điện từ năm 2022. Đến nay, Công ty đã ra mắt thị trường sáu mẫu ôtô điện phủ khắp phân khúc phổ thông: A, B, C, D, E; một mẫu xe buýt điện và 9 dòng xe máy điện.
Sau 3 năm làm Chủ tịch FPT Telecom, ông Hoàng Nam Tiến sẽ chuyển sang làm Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT.
Ông Hoàng Nam Tiến không tham gia HĐQT mới, nhiệm kỳ 2023 - 2028 của Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom). Trước đó, ông được bầu chức Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này từ tháng 3/2020.
Rời FPT Telecom, ông Tiến nhận nhiệm vụ mới là Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT. Ông được kỳ vọng giúp tổ chức giáo dục FPT có nhiều bước phát triển mới trong tương lai khi là một lãnh đạo có nhiều ý tưởng táo bạo, cũng như có các đóng góp cho công tác hướng nghiệp, hỗ trợ cho thế hệ trẻ.
Tân chủ tịch HĐQT FPT Telecom Hoàng Việt Anh (trái) và ông Hoàng Nam Tiến. Ảnh: Ftel |
Thay thế ông Tiến tại vị trí Chủ tịch FPT Telecom là Tổng giám đốc Hoàng Việt Anh. Theo FPT, sự thay đổi này nằm trong chương trình quy hoạch, bổ nhiệm và luân chuyển lãnh đạo cấp cao tại tập đoàn.
Tân chủ tịch FPT Telecom cũng gia nhập FPT từ năm 1993 ngay từ khi còn là sinh viên với vị trí lập trình viên. Đến nay, ông Việt Anh đã làm nhiều vị trí quản lý tại tập đoàn. Ông giữ chức Tổng giám đốc FPT Telecom từ tháng 3/2018. Hiện tại, ông Việt Anh cũng giữ chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT và Chủ tịch Công ty tư vấn chuyển đổi số FPT Digital.
Ông Nguyễn Hoàng Linh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc FPT Telecom thay ông Việt Anh. Trước đó, ông Linh là Phó tổng giám đốc tại công ty này. Ông đã có hơn 15 năm gắn bó với FPT Telecom.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường