Vietbank đặt kế hoạch lợi nhuận 2021 'phấn đấu' gấp 3 lần nếu được nới room tín dụng
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. Ngân hàng đề ra 2 chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh "tối thiểu" và "phấn đấu" cho năm 2021 dựa trên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Vietbank tính đến 31/12/2021 là 4.5%, tương đương đạt tối đa 51,267 tỷ đồng.
Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên, Vietbank đề ra 2 chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2021.
Với kế hoạch kinh doanh tối thiểu, Vietbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tính đến 31/12/2021 là 51,267 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng trưởng 20% so với đầu năm, đạt 110,000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 21%, tương đương đạt 84,000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 dự kiến đạt 390 tỷ đồng, tăng 2.6% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Kế hoạch kinh doanh "tối thiểu"
Còn trong điều kiện được NHNN xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, Vietbank đề ra kế hoạch kinh doanh phấn đấu cho năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 1,100 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2020. Dự kiến đến cuối năm 2021, tổng tài sản sẽ tăng 31% (120,000 tỷ đồng), dư nợ tín dụng tăng 22% (60,000 tỷ đồng) và huy động từ khách hàng (gồm giấy tờ có giá) tăng 31% (91,000 tỷ đồng).
Kế hoạch kinh doanh "phấn đấu"
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất Vietbank đạt hơn 380 tỷ đồng. Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế và trích lập các quỹ còn gần 255 tỷ đồng. Vietbank giữ lại lợi nhuận không chia hơn 214 tỷ đồng.
Đối với nguồn lợi nhuận giữ lại để tăng vốn điều lệ, NHNN cũng đã có văn bản đồng ý cho Vietbank tăng vốn điều lệ thêm gần 587 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2017-2019. Sau khi hoàn tất thủ tục, vốn điều lệ của Vietbank sẽ tăng lên mức gần 4,777 tỷ đồng. Dự kiến trong quý 2/2021, Ngân hàng sẽ hoàn tất các thủ tục tăng vốn điều lệ.
Vietbank cũng cho biết do trong năm 2020, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng như tình hình hồ sơ đăng ký niêm yết mới tại HOSE của các công ty đại chúng bị hoãn chưa giải quyết do hệ thống quá tải, nên việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của Vietbank chưa thực hiện được trong năm 2020. Vì vậy, tại Đại hội tới đây, Vietbank sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) khi có thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi.
Năm 2020 là một năm không mấy tươi sáng với Vietbank. Hoạt động chính sụt giảm đến 53%, nên dù đã đẩy mạnh các nguồn thu ngoài lãi, Vietbank cũng chỉ báo lợi nhuận trước và sau thuế còn gần 403 tỷ đồng và gần 319 tỷ đồng, giảm 34% và 32% so với năm trước. Ngân hàng này chỉ thực hiện được 66% so với kế hoạch 613 tỷ đồng lãi trước thuế của cả năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận