Việt Nam tăng tốc nhập khẩu than khi nhu cầu đạt đỉnh vào 2030
Để đáp ứng nhu cầu than phục vụ sản xuất, dự kiến Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 50-83 triệu tấn vào giai đoạn 2025-2035 và giảm dần còn khoảng 32-35 triệu tấn vào năm 2045.
Bộ Công Thương mới đây đã đưa ra dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam. Hiện nay, ngành than gồm 2 đơn vị sản xuất than chính là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc, chiếm khoảng 95% tổng sản lượng than toàn ngành.
Số liệu cho thấy, than tiêu thụ trong nước tăng nhanh từ 27,8 triệu tấn năm 2011 lên 38,77% triệu tấn năm 2015 và khoảng 53,52 triệu tấn năm 2021. Như vậy, khối lượng than tiêu thụ hiện nay tăng gấp trên 2 lần so với năm 2011; trong đó, chủ yếu là than cho sản xuất điện có tốc độ tăng trưởng lớn, gần 4 lần và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu các hộ tiêu thụ than.
Việt Nam là nước đang phát triển, do đó nhu cầu năng lượng sơ cấp, trong đó có than thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao, đạt đỉnh vào giai đoạn năm 2030-2035. Sau đó, nhu cầu sẽ giảm dần do nhiều nhà máy nhiệt điện than sẽ dừng hoạt động sau năm 2035. Điều này phù hợp với lộ trình phát triển ngành năng lượng.
Dự báo, nhu cầu sử dụng than của Việt Nam sẽ khoảng từ 94-97 triệu tấn vào năm 2025 và tăng lên đạt đỉnh khoảng 125-127 triệu tấn vào năm 2030. Như vậy, giai đoạn 2025-2035, nhu cầu than sẽ ngày càng tăng cao khoảng 94-127 triệu tấn/năm, chủ yếu do sự gia tăng nhu cầu cho sản xuất điện và các ngành kinh tế như xi măng, luyện kim, hóa chất. Giai đoạn sau đó, nhu cầu than sẽ giảm dần, còn khoảng 73-76 triệu tấn vào năm 2045.
Trong khi đó, than thương phẩm sản xuất trong nước chỉ duy trì khoảng 45-47 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2025-2035 và giảm dần còn 42-44 triệu tấn/năm vào 2045.
Do vậy, để đáp ứng nhu cầu than phục vụ sản xuất, dự kiến Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 50-83 triệu tấn vào giai đoạn 2025-2035 và giảm dần còn khoảng 32-35 triệu tấn vào năm 2045.
Bộ Công Thương nhận định, tiềm năng tài nguyên than là có hạn. Mức độ thăm dò hạn chế, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn do khai thác xuống sâu, đi xa hơn dẫn đến chi phí sản xuất than và giá thành sản phẩm than tăng cao.
Bên cạnh đó, ngành than không thể gia tăng đột biến sản lượng khai thác và phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên. Các doanh nghiệp ngành mỏ cũng phải đối mặt với việc thiếu hụt lao động do môi trường nặng nhọc, ảnh hưởng sức khỏe. Đồng thời, xu thế chuyển dịch năng lượng ngành than cũng đòi hỏi cắt giảm sản lượng khai thác hoặc chuyển sang chế biến các sản phẩm ít phát thải hơn.
Để đảm bảo phát triển ngành than, về cơ chế chính sách, dự thảo nêu rõ: Nhà nước tổ chức điều tra, đánh giá đối với bể than sông Hồng và một số bể than khác thuộc vùng thềm lục địa Việt Nam để đảm bảo yêu cầu cho thăm dò, phát triển các dự án khai thác than; ban hành cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đầu tư thăm dò và khai thác than ở nước ngoài; tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu về Việt Nam phục vụ nhu cầu trong nước.
Các địa phương có tài nguyên than ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị ngành than trong giải phóng mặt bằng, tái định cư để thăm dò, khai thác.
Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ chỉ đạo, điều hành giá bán than sản xuất trong nước theo cơ chế thị trường, đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế và có mức lợi nhuận hợp lý để phát triển bền vững doanh nghiệp sản xuất kinh doanh than; ban hành chỉ số giá than trong giao dịch than nhập khẩu phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế...
Về thị trường than giai đoạn đến 2030, hầu hết than trong nước sẽ được ưu tiên cấp cho sản xuất điện để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chiếm khoảng 85-90% (tương ứng 39-42 triệu tấn) tổng sản lượng than thương phẩm khai thác. Việt Nam phải nhập khẩu than nhiều nhất khoảng 80 triệu tấn vào năm 2030. Trong giai đoạn này, Việt Nam từng bước hình thành thị trường than với nhiều người bán và nhiều người mua, đa dạng hóa nguồn than và các đầu mối cung cấp than.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận