Việt Nam có nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh nhất thế giới
Nhu cầu vàng nữ trang sức tại Việt Nam bắt đầu tăng nhanh kể từ năm 2005.
Theo nghiên cứu mới đây của công ty môi giới tài chính Forex Suggest, có trụ sở tại Luxembourg, Việt Nam là quốc gia có nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh nhất thế giới năm 2022, với mức tăng 51% so với năm 2021. Nhu cầu vàng nữ trang sức tại Việt Nam bắt đầu tăng nhanh kể từ năm 2005. Theo sau Việt Nam là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Australia với mức tăng lần lượt là 38% và 30%.
Nguồn: Forex Suggest/WGC
Xét về mức tăng nhu cầu vàng nói chung, Việt Nam đứng thứ ba thế giới trong năm 2022 với 37% so với năm 2021, theo sau Ai Cập (55%) và Iran (38%). Theo ông Andrew Naylor, CEO khu vực của Hội đồng vàng thế giới (WGC), do đại dịch Covid-19, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng dè chừng khi mua hàng hóa giá trị cao như vàng. Tuy nhiên, doanh thu vàng vẫn tăng mạnh vào cuối năm 2022 khi kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên - những yếu tố giúp tăng nhu cầu vàng của năm này.
Xét về mức tăng nhu cầu vàng thỏi và xu vàng, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới với 41%, sau Ai Cập (693%), Nga (374%), Iran (64%), Thổ Nhĩ Kỳ (38%) và Singapore (32%)
Theo Forex Suggest, thị trường vàng toàn cầu đã phục hồi ấn tượng sau hai năm liên tiếp suy giảm do đại dịch Covid. Hiện tại, thị trường khai thác và đầu tư vàng có vốn hóa khoảng 13,2 nghìn tỷ USD. Nghiên cứu của Forex Suggest phân tích dữ liệu của WGC về dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương, nhu cầu vàng trang sức cũng như giá trị nắm giữ các ETF vàng của nhà đầu tư và nhu cầu vàng trên đầu người tại các nền kinh tế trên thế giới.
Theo nghiên cứu này, Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư và nhu cầu vàng, đạt 8,93/10 điểm trong xếp hạng gồm 17 quốc gia. Mỹ là quốc gia có dự trữ vàng của ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới (8.133 tấn) và lượng nắm giữ vàng ETF lớn nhất thế giới (1.667 tấn). Nhu cầu vàng của người Mỹ cũng tăng lên nhanh chóng. Theo CNBC, nhu cầu vàng thỏi và xu vàng của nước này đã tăng thêm 5% trong năm 2022 lên 302 tấn. Nhu cầu vàng trên đầu người của Mỹ là 0,75 gram/người.
Theo sau Mỹ là Đức với điểm số 6,83/10. Đức chỉ đứng sau Mỹ về lượng vàng dự trữ của ngân hàng trung ương (3.354 tấn) nhưng lại có nhu cầu vàng cao trên đầu người cao hơn (2,34 gram/người). Sự đa dạng trong nhu cầu trên thị trường vàng Đức giúp thúc đẩy đầu tư vàng tại quốc gia này. Đức đứng thứ ba thế giới về lượng nắm giữ vàng ETF (401 tấn), chỉ sau Mỹ và Anh.
Xét về sản lượng khai thác vàng, Trung Quốc đứng số một thế giới với sản lượng hơn 330 tấn trong năm 2022. Năm 2007, sản lượng khai thác vàng của Trung Quốc tăng 12% so với năm trước đó, lên 276 tấn, lần đầu tiên đưa nước này trở thành nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Trước đó, Nam Phi là nước khai thác vàng lớn nhất thế giới trong suốt 101 năm, kể từ năm 1905. Cùng đứng thứ hai thế giới về sản lượng khai thác vàng năm 2022 là Nga và Australia với sản lượng 320 tấn mỗi nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường