menu
Việt Nam cần tăng tốc trong cuộc đua quản lý tài sản số
copy link
Huyền An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Việt Nam cần tăng tốc trong cuộc đua quản lý tài sản số

Các quốc gia đang dần hoàn thiện khung pháp lý cho tiền số, tài sản số, đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ hoạt động "ngoài vùng xám". Trong khi nhiều nước đã có bước tiến rõ rệt, Việt Nam vẫn chậm chân, đối mặt nguy cơ tụt hậu nếu không sớm ban hành quy định phù hợp.

Ông Lưu Minh Sang, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết Việt Nam đang tụt hậu 6 - 8 năm so với các nước trong khu vực về phát triển thị trường tiền số. Để không bị bỏ lại phía sau, Việt Nam cần mạnh dạn thử nghiệm, chủ động điều chỉnh và hành động quyết liệt.

Kỷ nguyên hoạt động ‘ngoài vùng xám’ sắp chấm dứt?

Sau một thời gian dài trải qua “mùa đông” của tiền số và tài sản số, thị trường đang bước vào một giai đoạn mới với những tín hiệu lạc quan. Việc nhiều quốc gia tích cực xây dựng khung pháp lý đang dần khép lại thời kỳ hoạt động “ngoài vùng xám”, mở ra kỷ nguyên minh bạch hơn cho lĩnh vực này.

Sự dịch chuyển chính sách toàn cầu

Sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump đã tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường tiền số tại Mỹ. Chính quyền của ông đang có những điều chỉnh lớn trong chính sách, từ thái độ thận trọng sang hướng dẫn dắt thị trường. Thay vì tập trung phát triển tiền số do ngân hàng trung ương kiểm soát (CBDC), chính phủ Mỹ đang ưu tiên khuyến khích khu vực tư nhân, đặc biệt là stablecoin.

Tại châu Á, nhiều quốc gia như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines đã sớm chủ động xây dựng khung pháp lý để đón đầu xu hướng. Singapore, với Đạo luật Dịch vụ Thanh toán 2019, đã thiết lập các quy định rõ ràng về giao dịch tiền số và nhanh chóng trở thành trung tâm tài sản số hàng đầu khu vực. Quốc gia này cũng thúc đẩy token hóa tài sản và ứng dụng blockchain trong thực tiễn, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các vấn đề liên quan đến rửa tiền và quảng cáo tràn lan.

Thái Lan từ năm 2018 đã có Luật Quản lý tài sản số, yêu cầu tất cả sàn giao dịch, môi giới và đại lý tiền số phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC Thailand). Khi thị trường nóng lên, nước này tiếp tục siết chặt quy định, cấm dùng tiền số để thanh toán nhưng vẫn duy trì giao dịch có kiểm soát.

Trong khi đó, Indonesia từ 2019 đã công nhận tiền số là hàng hóa và đặt nó dưới sự giám sát của Cơ quan Quản lý Giao dịch Hàng hóa Tương lai (BAPPEBTI). Trước làn sóng đầu tư ngày càng tăng, Indonesia gần đây đã chuyển quyền quản lý tiền số sang Ủy ban Dịch vụ Tài chính (OJK), chính thức tích hợp loại tài sản này vào hệ thống tài chính quốc gia.

Xu hướng quản lý tiền số trên thế giới

Ông Lưu Minh Sang, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM, nhận định rằng tùy vào bối cảnh chính trị, kinh tế và mục tiêu chính sách, mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau trong việc quản lý tiền số.

Theo ông, hiện có ba xu hướng chính:

Quản lý linh hoạt dựa trên rủi ro – Được áp dụng tại Mỹ, Singapore và nhiều nước châu Âu, hướng đi này tập trung vào việc cân bằng giữa đổi mới và bảo vệ người dùng.

Cấm đoán và kiểm soát chặt chẽ – Trung Quốc cấm hoàn toàn giao dịch tiền số tư nhân nhưng tích cực phát triển đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số. Nga cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự.

Tiếp cận từng bước – Các thị trường mới nổi theo dõi diễn biến quốc tế trước khi đưa ra khung pháp lý phù hợp.

Dù đi theo hướng nào, mục tiêu chung của các chính phủ vẫn là đảm bảo tính ổn định tài chính, bảo vệ người tiêu dùng và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT). Các tổ chức quốc tế như Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB), Nhóm Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) hay Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel (BCBS) cũng đang thúc đẩy việc hình thành các quy định chung trên toàn cầu.

Việt Nam: Chậm chân trong cuộc đua khung pháp lý

Trong khi nhiều quốc gia đã tiến xa trong việc thiết lập quy định cho tiền số, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn thảo luận và đề xuất thí điểm. Ông Lưu Minh Sang đánh giá Việt Nam đang chậm hơn các nước trong khu vực từ 6 - 8 năm. Điều này không chỉ khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng vốn và phát triển thị trường mà còn tạo ra khoảng trống pháp lý, dẫn đến rủi ro khó kiểm soát.

Việc thiếu khung pháp lý rõ ràng cũng gây nhiều hệ lụy. Các doanh nghiệp blockchain Việt Nam buộc phải đăng ký hoạt động ở nước ngoài, kéo theo dòng tiền và nhân lực chất lượng cao chảy ra ngoài. Nhà đầu tư cá nhân không có điểm tựa pháp lý, dễ trở thành nạn nhân của lừa đảo hoặc mất trắng khi xảy ra tranh chấp. Thêm vào đó, khi giao dịch tiền số diễn ra âm thầm mà không có cơ chế giám sát, nguy cơ rửa tiền và thất thoát ngoại tệ trở thành vấn đề đáng lo ngại.

"Sự chậm trễ về thể chế trong thời đại số không chỉ khiến Việt Nam mất cơ hội phát triển mà còn làm suy yếu tính cạnh tranh và an ninh tài chính. Nếu tiếp tục ngập ngừng, chúng ta có thể bỏ lỡ chu kỳ bùng nổ của blockchain và tài sản số", ông Sang cảnh báo.

Tuy nhiên, gần đây đã có tín hiệu tích cực khi Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Tài chính đẩy nhanh quá trình xây dựng khung pháp lý thử nghiệm. Theo ông Sang, đây là bước đi quan trọng, nhưng để thực sự bắt kịp xu hướng toàn cầu, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình định danh tài sản số trong hệ thống pháp luật, xác định cơ quan quản lý chuyên trách và thiết lập các quy định rõ ràng về thuế, kế toán và giám sát giao dịch.

Hướng đi cho Việt Nam

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho rằng việc quản lý tài sản số nên được thực hiện theo lộ trình hai giai đoạn:

Giai đoạn đầu – Thử nghiệm khung pháp lý cho tài sản mã hóa, tạo tiền đề cho quá trình hoàn thiện quy định chi tiết.

Giai đoạn tiếp theo – Ban hành các nghị định chính thức sau khi Luật Công nghiệp Công nghệ số được Quốc hội thông qua.

Việt Nam có thể học hỏi từ các trung tâm tài chính quốc tế như Singapore, kết hợp với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại TP. HCM và Đà Nẵng để nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về AML/CFT cũng là yếu tố quan trọng để bảo vệ hệ thống tài chính và thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, để bù đắp cho sự chậm trễ, Việt Nam cần có các chính sách ưu đãi về thuế, phí nhằm thu hút các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số và nhà đầu tư. Quan trọng nhất, quá trình xây dựng khung pháp lý phải linh hoạt, có sự tham vấn của doanh nghiệp, tổ chức tài chính và chuyên gia quốc tế để đảm bảo tính khả thi.

“Chúng ta không còn nhiều thời gian. Nếu không quyết liệt hành động, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội định vị mình trong hệ sinh thái tài sản số toàn cầu”, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
82,786.20 +280.60 (+0.34%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Ảnh đại diện


Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả
Chia sẻ