Vì sao ví điện tử Moca ngừng hoạt động?
Từng là phương thức thanh toán trung gian duy nhất trên Grab, nền tảng gọi xe và giao hàng lớn nhất Đông Nam Á, thế nhưng Moca đã phải ngậm ngùi ngừng hoạt động.
Mới đây, công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca (Moca) thông báo sẽ dừng cung cấp dịch vụ ví điện tử Moca để tập trung nguồn lực vào các dịch vụ trung gian thanh toán khác có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn tại thị trường Việt Nam.
Theo đó, kể từ ngày 1/7/2024, Moca sẽ ngừng cung cấp dịch vụ ví điện tử trên ứng dụng Moca và trên ứng dụng Grab. Sau ngày này, Moca vẫn tiếp tục là đối tác chiến lược của Grab cho các hoạt động thanh toán trực tuyến, cung cấp một số dịch vụ trung gian thanh toán cho toàn bộ hệ sinh thái Grab tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Xuân Việt Bình, Giám đốc Moca, quyết định này được đưa ra sau khi Moca đã có những cân nhắc và đánh giá rất cẩn thận. Với việc tái cấu trúc danh mục dịch vụ, Moca tập trung vào các lĩnh vực có thể mang lại giá trị tốt hơn nữa cho người dùng, đồng thời thúc đẩy công ty tăng trưởng một cách hiệu quả và bền vững.
Bị chia sẻ thị phần?
Từng là phương thức thanh toán trung gian duy nhất trên Grab, nền tảng gọi xe và giao hàng lớn nhất Đông Nam Á, thế nhưng Moca đã phải ngậm ngùi ngừng hoạt động, điều này bắt nguồn từ những nguyên nhân nội tại hay là do những tác động bên ngoài của thị trường?
Moca buộc phải chia sẻ với các ứng dụng thanh toán khác trên nền tảng Grab.
Trở lại năm 2018, thời điểm mà Grab đang rất mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, ứng dụng thanh toán của họ là GrabPay Credits, dù hình hài y hệt như một ví điện tử, nhưng lại không có giấy phép trung gian thanh toán để được hoạt động tại Việt Nam. Do vậy, cũng trong năm đó, Grab và Moca đã có màn hợp tác đem lại cho nhau những kết quả thuận lợi.
Màn hợp tác này nhằm mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt trên nền tảng Grab tại Việt Nam, bao gồm nạp tiền điện thoại di động, thanh toán hóa đơn, hay thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ. Trong khi Moca trở thành ví điện tử “độc quyền” trên Grab và có thể tận dụng được một hệ sinh thái mạnh mẽ của Grab.
Sau đó trong suốt một thời gian dài, Moca là lựa chọn thanh toán trung gian duy nhất hoạt động trên nền tảng gọi xe này, đặc biệt là khi Grab đã mua lại 3,523% cổ phần Moca từ Access Ventures SPV.
Tuy nhiên, gần đây Grab đã trở nên cởi mở hơn trong mảng fintech sau nhiều năm gắn bó với Moca. Nền tảng này bắt đầu có màn hợp tác với MoMo và sau đó là ZaloPay trong mục đích trung gian thanh toán. Với Grab thì các cuộc bắt tay đó đem lại cho họ thêm một phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, an toàn và thuận lợi cho người dùng. Nhưng với Moca, điều này rõ ràng đã đem lại cho họ “nỗi đau” bị chia sẻ sự quan tâm và thị phần.
Bị cạnh tranh khốc liệt?
Trên thực tế, Moca là một trong các ví điện tử đời đầu nhưng họ hiện chỉ chiếm thị phần rất nhỏ dù được hậu thuẫn bởi nền tảng có lượng người dùng đông đảo nhất tại Việt Nam, Grab.
Cuộc chiến ví điện tử đang ngày càng khốc liệt tại Việt Nam.
Theo báo cáo “Người tiêu dùng số - The Connected Consumer” quý 3/2023 của Decision Lab - đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam - phối hợp Hiệp hội tiếp thị di động Việt Nam (Mobile Marketing Association Vietnam - MMA), trong quý 3/2023, MoMo chiếm 68% thị phần, tiếp theo là Zalopay chiếm 51%, ShopeePay chiếm 31%, Viettel Money có 27%, VNPay ở vị trí tiếp theo với 17% và ví điện tử Moca đứng ở vị trí thứ 6 với 6%.
Trong khi đó, một phân tích của FiinGroup - nhà cung cấp dữ liệu tài chính, thông tin kinh doanh và nghiên cứu ngành của Việt Nam công bố đầu năm nay cho thấy, số lượng nhà cung cấp trung gian thanh toán (IPS) tại Việt Nam đã tăng lên 50 và số lượng người dùng ví điện tử đang hoạt động tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 50 triệu vào cuối năm nay, tăng 39% so với 36 triệu người dùng hoạt động được ghi nhận vào năm 2023.
Tuy nhiên, trong phân tích của mình, FiinGroup cũng chỉ ra rằng, các ví điện tử tại Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi mức chi phí cao để thu hút và giữ chân khách hàng. Các nỗ lực quảng cáo và khuyến mại liên tục của các ví điện tử đã đặt ra gánh nặng chi phí rất lớn. Do đó, ngay cả những “ông lớn” thanh toán với cơ sở người dùng nhiều triệu người như MoMo và Shopee Pay, vẫn tiếp tục phải chịu tổn thất lớn mặc dù doanh thu thuần tăng trưởng liên tục.
Theo các chuyên gia phân tích, để có thể tồn tại trong cuộc chiến “đốt tiền” này, các ví điện tử cần cân bằng giữa tăng trưởng cơ sở người dùng và triển khai mô hình kinh doanh bền vững. Họ cần phát triển nhiều hệ sinh thái giá trị gia tăng hơn để có thể thu hút và khiến người dùng sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ mà họ cung cấp. Do đó, thay vì tập trung vào việc thu phí để sinh lời, các ví điện tử có thể biến thành các công ty fintech và cung cấp nhiều loại dịch vụ tài chính, như cho vay, quản lý tài sản và bảo hiểm, tương tự như những gì Alipay và Ant Group đã và đang làm ở Trung Quốc.
Với Moca, họ không chỉ xây dựng hệ sinh thái thanh toán di động cho tất cả hệ sinh thái của Grab mà còn hợp tác với một số nền tảng thương mại điện tử khác tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán điện tử, mua sắm ngày càng tăng. Tuy nhiên, điều đó vẫn là chưa đủ trong cuộc chiến “đốt tiền” với các đại gia trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam khi mà doanh thu liên tục giảm và lợi nhuận sau thuế liên tục âm trong những năm qua.
Và có lẽ việc “ngừng cuộc chơi” ở thời điểm này của Moca cũng là điều dễ hiểu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường