Vì sao vé máy bay siêu rẻ vài chục nghìn đồng vẫn ế khách?
Dù đang trong cao điểm dịp hè, nhưng lượng hành khách đi máy bay vẫn giảm mạnh trong bối cảnh vé máy bay siêu rẻ được các hãng hàng không mở bán với nhiều ưu đãi.
Vé máy bay siêu rẻ
Nhằm kích cầu thị trường hàng không, Vietnam Airlines "tung" ra ưu đãi chưa từng có, với vé máy bay đồng giá 26.000 đồng trên toàn mạng bay nội địa. Đối với hành khách mua vé hạng Thương gia trên các đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM từ ngày 03/6 - 30/6 sẽ nhận được mã giảm 25% khi mua trên website, ứng dụng di động; hoặc nhận voucher trị giá 1.000.000 đồng khi mua tại phòng vé, đại lý. Hành khách có thể sử dụng voucher này để mua vé máy bay, hành lý hoặc các dịch vụ bổ trợ khác của Vietnam Airlines.
Tương tự, với giá vé máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways được niêm yết là 6.000 đồng trên website chính thức của hãng Bamboo Airways với chặng Hà Nội – TP HCM, nhưng khách hàng vẫn không mặn mà đi máy bay trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Vietjet cũng tung hàng loạt chương trình bay từ Hà Nội/TP HCM đến Đà Lạt/Đà Nẵng chỉ 39 nghìn đồng, vé Hà Nội - TP HCM chỉ từ 49 nghìn đồng.
Cùng đó là chương trình hoàn vé trực tuyến cho tất cả hành khách di chuyển thuộc vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch, tặng gói bảo hiểm bay an toàn, mua ghế trống bên cạnh chỉ với 150.000 đồng…
Vé máy bay siêu lẻ được các hãng hàng không mở bán để thu hút người mua, nhưng lượng khách đi máy bay vẫn liên tục giảm. Tỷ lệ lấp đầy trên mỗi chuyến bay không đạt nổi 60 - 70%, cá biệt có chuyến bay tỷ lệ này chỉ đạt 30 - 40%.
Cục Hàng không dự báo, 6 tháng đầu năm 2021, lượng khách thông qua các cảng hàng không chỉ đạt 26,8 triệu, giảm 14,9% so với cùng kỳ 2020. Trong số này, khách quốc tế đạt 145 nghìn, giảm 97,9%; Khách nội địa đạt 26,7 triệu, tăng 27,7%.
Về hàng hoá, số liệu thống kê cho thấy sản lượng vận chuyển 5 tháng đầu năm đạt 570 nghìn tấn, tăng 15% so với cùng kỳ 2020.
Các hãng hàng không Việt Nam trong 6 tháng dự kiến vận chuyển 13,5 triệu khách, giảm 14,6% so với cùng kỳ 2020 (trong đó khách quốc tế 76 nghìn khách, giảm 97,2%, khách nội địa 13,4 triệu khách, tăng 1,9%). Riêng trong tháng 5, lượng hành khách vận chuyển của các hãng đạt 1,35 triệu khách, giảm 27,8% so với tháng 5/2020.
Cần giải pháp hỗ trợ ngành hàng không
Trong bối cảnh khách hàng không mặn mà với vé máy bay siêu rẻ, các hãng hàng không đang thay đổi chiến lược kinh doanh bằng phương án vận chuyển hàng hoá hàng không.
Mới đây, Vietnam Airlines vừa mới vận chuyển thành công 100 tấn vải thiều Bắc Giang cất cánh từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên Vietnam Airlines bố trí riêng một siêu máy bay Boeing 787-9 chỉ để chở vải thiều tới tay người tiêu dùng.
Đặc biệt, đây cũng lần đầu tiên trong lịch sử phát triển hàng không của Vietnam Airlines quả vải được bố trí "ngồi" trên trên ghế khoang hành khách để tăng tải trọng vận chuyển, bên cạnh được chất xếp trong khoang hàng hóa.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết: "Ngành hàng không có vai trò là một lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, do đó, cần phải có giải pháp hỗ trợ ngành hàng không trong bối cảnh thua lỗ vì dịch Covid-19. Chúng ta không nên chờ ngành hàng không kiệt quệ rồi mới "giải cứu" thì không được.
"Thủ tướng đã giao các Bộ, ngành nghiên cứu "hộ chiếu vắc xin" nhưng cho đến nay vẫn chưa được triển khai, trong khi các nước đang triển khai rồi", PGS.TS Ngô Trí Long cho hay.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long các hãng hàng không đã phải thay đổi kế hoạch, chiến lược bằng cách vận chuyển hàng hoá chỉ là giải pháp tạm thời để duy trì hoạt động, chứ về lâu dài thì không ổn. Vì việc vận chuyển hàng hoá chi phí rất lớn, lợi nhuận cũng thấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận