Vì sao tất cả cạn tiền? Tháo ván tín dụng được không?
Lãi suất đã được chỉ đạo hạ nhưng giờ ai vay? Tăng trưởng tín dụng 3%, tăng trưởng tiền gửi chỉ hơn 1%, quá thấp. Dân và doanh nghiệp đã cạn tiền để gửi thì ngân hàng cũng không lấy đâu ra nguồn để tăng cho vay trong khi cũng chả mấy ai muốn/dám vay nữa.
Một vòng xoáy của tiền tệ, tài khóa, tài chính, thủ tục, rào cản, hình sự hóa các hoạt động kinh tế,... rất cần tháo gỡ bởi nhiều bên.
Đầu tuần này, quyết định giảm một số loại lãi suất điều hành đã có hiệu lực và một số ngân hàng thương mại đã lục đục công bố giảm cả lãi suất huy động và cho vay.
Chần chừ, do dự
Đây là lần thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm 2023 đến nay lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm sau 3 lần tăng liên tiếp cuối năm ngoái.
Phản ứng chính sách này được đưa ra ngay sau khi Thường trực Chính phủ ra văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “khẩn trương” giảm mặt bằng lãi suất; trong đó giảm lãi suất điều hành “ngay” trong tháng 6 năm 2023 để “khắc phục hiệu quả ngay” việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua.
Ngôn ngữ trong văn bản chỉ đạo của Thường trực Chính phủ là rất quyết liệt, khẩn trương và mang tính hành chính mà cơ quan điều hành không thể không làm theo.
Sự sốt ruột của Thường trực Chính phủ là có lý do. Trong suốt 5 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt vỏn vẹn 3,17%, rất thấp so với cùng kỳ các năm trước, ví dụ 8% của cùng kỳ năm ngoái, năm đầu tiên nền kinh tế mở lại sau Covid-19.
Thắt chặt tiền tệ kết hợp với đứt gãy thị trường trái phiếu đã làm cho tín dụng doanh nghiệp trở nên khó khăn. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà
Sự chần chừ của Ngân hàng Nhà nước là có lý do khi FED quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,0 - 5,25% trong kỳ điều chỉnh tháng 6-2023, lần không tăng lãi suất đầu tiên sau 10 lần tăng liên tiếp trước đó và ECB đã tăng lãi suất thêm 0,25%, lên mức 3,25%, lần thứ 7 liên tiếp hồi đầu tháng Năm để ứng phó với lạm phát cao kéo dài.
Chính sách của Việt Nam như vậy là đi ngược chiều với thế giới. Song, vấn đề của Việt Nam có vẻ cũng khác với thế giới.
Thanh khoản trở thành vấn đề lớn bậc nhất
Như đã nhiều lần phân tích, Việt Nam sẽ không chịu lạm phát cao như các quốc gia khác vì mấy lý do như khu vực FDI nhập khẩu lạm phát vào rồi lại xuất khẩu đi vì họ khá tách biệt với nền kinh tế nói chung; chúng ta tự chủ được lương thực, thực phẩm; các gói kích thích kinh tế không lớn; và quan trọng nhất là sức mua của dân và doanh nghiệp yếu.
Lạm phát năm ngoái có gia tăng do chịu tác động của một số yếu tố như giá cả đầu vào tăng và đứt gãy xăng dầu nhưng không đột biến và vẫn ở mức thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra là không quá 4%. Diễn biến lạm phát hiện nay cũng tương tự.
Do nhận định không đúng về lạm phát, chính sách tiền tệ đã bị ghì cương quá mức. Một mặt, tỷ giá đã được níu quá lâu và đến khi dự trữ hao hụt nhiều đến mức không chịu được nữa mới được nới ra “đánh đùng một cái”.
Mặt khác, trong khi doanh nghiệp và nền kinh tế cần thêm nhiều vốn hơn khi mở cửa lại nền kinh tế, thì không tiếp cận được vốn. Chỉ đến những ngày cuối cùng của năm ngoái, trần tín dụng mới được nới ra tín dụng ra nên không phát huy tác dụng. Cả năm 2022, tăng trưởng tín dụng là 14,16%, chỉ cao hơn chút ít so với mục tiêu 14% công bố ban đầu.
Doanh nghiệp cần nhiều vốn lưu động hơn để duy trì sản xuất kinh doanh vì giá cả và chi phí sản xuất tăng do các yếu tố vượt ra ngoài khả năng kiểm soát. Đáng lẽ chính sách tiền tệ phải nới lỏng hơn thay vì thắt chặt hơn trước. Tuy vậy, do lo lắng kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã thắt chặt thêm chính sách tiền tệ; tăng lãi suất, không tăng trần tín dụng.
Kết cục là vốn tín dụng trở nên khan hiếm hơn, chi phí vốn cao hơn; làm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.
Trong khi lạm phát thấp nhưng lãi suất ngân hàng ở mức cao và liên tục điều chỉnh tăng trong những tháng cuối năm đã dấn đến tình trạng chênh lệch giữa lãi suất và lạm phát, giữa lãi suất huy động và cho vay là khá cao.
Tăng trưởng tín dụng vỏn vẹn hơn 3% trong nền kinh tế luôn khát vốn như Việt Nam cho thấy sức khỏe của dân và doanh nghiệp có vấn đề rất nặng, mà Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói ở Quốc hội. Số doanh nghiệp “rút lui khỏi thị trường” trong 5 tháng đầu năm nay là minh chứng bổ sung.
Báo cáo của Ban IV cuối tháng 52023 cho biết, niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp: Có đến 81.4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/ rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Tương tự, có đến 83.7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/ rất tiêu cực, trong đó có 29.6% là rất tiêu cực. Và trong bức tranh “tối màu” chung đó, doanh nghiệp ngành Xây dựng; các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn.
Các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt là: Khó khăn về đơn hàng (59.2%); khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51.1%); Thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45.3%); Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31.1%).
Tín dụng là khó khăn lớn thứ hai với cộng đồng doanh nghiệp!
Tăng trưởng tín dụng vỏn vẹn hơn 3% cho thấy sức khỏe của dân và doanh nghiệp có vấn đề rất nặng
Ngân hàng và doanh nghiệp trên cùng một con thuyền
Thắt chặt tiền tệ như vừa nói trên kết hợp với đứt gãy thị trường trái phiếu đã làm cho tín dụng doanh nghiệp trở nên khó khăn; thanh khoản thị trường thiếu hụt đáng kể. Thiếu hụt thanh khoản trên thị trường tín dụng đã nhanh chóng truyền sang thị trường bất động sản; từ đó, thị trường bất động sản thu hẹp cả cầu lẫn cung; thị trường đã gần như bị đóng băng.
Nêu vấn đề như trên để nói rằng, trách chính sách tiền tệ cũng không công bằng, cân bằng và khách quan vì còn nhiều chính sách khác như tài khóa, đầu tư công, trái phiếu, thủ tục hành chính. Vì vậy, cần thêm nhiều nỗ lực vào các giải pháp thúc đẩy các nút thắt này, bên cạnh tiền tệ.
Lãi suất đã được chỉ đạo hạ nhưng lãi suất cho vay mới là vấn đề, trong đó vấn đề lớn nhất là tăng trưởng tiền gửi quá thấp, chỉ hơn 1%. Dân và doanh nghiệp đã cạn tiền để gửi thì ngân hàng cũng không lấy đâu ra nguồn để tăng cho vay. Hơn nữa, lãi suất cao cần được xem xét ở nhiều góc độ khác từ núi nợ trái phiếu, bất động sản, xử lý vụ SCB,… mà tất cả vượt quá lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ.
Ngân hàng, xét về mọi góc độ, cũng là doanh nghiệp. Họ cũng phải đảm bảo an toàn vốn, họ muốn nới lỏng điều kiện cho vay để đáp ứng nhu cầu thanh khoản ngay của doanh nghiệp cũng không được bởi các quy định cho vay. Cân bằng giữa các mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và an toàn vốn là không dễ dàng chút nào với ngân hàng thương mại và không phải trách nhiệm của họ.
Nhưng xét cho cùng, ngân hàng và doanh nghiệp cùng trên một con thuyền, vận mệnh gắn chặt với nhau. Doanh nghiệp có mệnh hệ gì thì ngân hàng cũng chẳng thể bình yên. Đây có lẽ là sợi chỉ đỏ để giải quyết vấn đề, nhưng chỉ ở góc độ nhỏ mà thôi.
Tư Giang
Theo: https://vietnamnet.vn/thao-van-tin-dung-duoc-khong-2157054.html?fbclid=IwAR1FzqimaMqzf6smvjWCJvSC20sg4gJN80We4MtR86IF20gtBDmeryd3CbQ
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường