Vì sao ông Trump thích áp thuế nhập khẩu?
Ông Trump gọi mình là "người áp thuế" và khẳng định việc này có lợi cho kinh tế Mỹ.
Ngày 30/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng ông sẽ áp thuế nhập khẩu 100% với hàng từ 9 nước thuộc nhóm BRICS, nếu họ đe dọa vị thế của đồng đôla Mỹ.
"Nếu tạo ra tiền tệ chung cho nhóm BRICS, hoặc sử dụng đồng tiền khác thay thế USD, họ sẽ bị áp thuế nhập khẩu 100% và phải từ bỏ cơ hội bán hàng sang Mỹ", Trump viết.
BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 GDP thế giới, với các thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Trước đó vài ngày, ông cũng dọa áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ hàng hóa Mexico, Canada và thuế bổ sung 10% với hàng Trung Quốc. Việc này nhằm kiểm soát người di cư bất hợp pháp và hoạt động buôn ma túy từ các nước trên vào Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử, Trump cũng đề xuất thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ sản phẩm vào Mỹ. Riêng Trung Quốc có thể bị áp 60-100%. Thậm chí, từ nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống đắc cử Mỹ đã phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, khi tăng thuế nhập khẩu lên 25% với 350 tỷ USD hàng hóa nước này.
Thuế nhập khẩu là công cụ ưa thích của ông Trump. Ông nhiều lần công khai quan điểm này với giới truyền thông và gọi mình là "tariff man" (người áp thuế). Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago hồi tháng 10, ông còn khẳng định mình yêu thích từ "thuế nhập khẩu".
Quan điểm bảo hộ thương mại của Trump là nguồn cơn lo ngại của nhiều nhà phân tích, kinh tế học. Họ cho rằng các đối tác thương mại của Mỹ sẽ trả đũa, từ đó kéo tụt tăng trưởng kinh tế, thổi bùng lạm phát và châm ngòi chiến tranh thương mại trên quy mô lớn.
Dù vậy, Trump và các quan chức ông đề cử, trong đó có Scott Bessent - được lựa chọn cho vị trí Bộ trưởng Tài chính Mỹ, khẳng định thuế nhập khẩu trong nhiệm kỳ đầu không châm ngòi lạm phát. Bên cạnh đó, lợi ích có thể vượt xa tác động tiêu cực.
Xét theo tiêu chí đó, thuế nhập khẩu ông Trump công bố giai đoạn 2018-2019 phần nào đạt mục tiêu này. Viện nghiên cứu Brookings Institution cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy việc làm trong một số ngành cụ thể đã được nâng lên. Ví dụ, thuế nhập khẩu với máy giặt đã tạo thêm 1.800 việc làm mới tại Mỹ, ở các doanh nghiệp như Whirlpool và nhiều hãng khác.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua tác động này, nghiên cứu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các công ty phải đối mặt với chi phí cao hơn, từ tiền mua nguyên liệu thô đến thuế trả đũa của các nước. Số việc làm tổng thể trong ngành sản xuất cũng giảm khoảng 2% trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Dù vậy, giới phân tích thừa nhận có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự suy giảm này.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thuế nhập khẩu không làm tăng việc làm hay sản lượng, nhưng khiến giá sản xuất leo thang", Fed cho biết.
Dù thừa nhận khả năng này có thể xảy ra, giới phân tích cho rằng các thay đổi sẽ phải mất nhiều năm, không thể "ngay lập tức" như Trump khẳng định. Vì quyết định này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển, nguồn lao động và chính sách quản lý.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có kế hoạch chuyển địa điểm sản xuất vì thuế nhập khẩu, nhưng chưa chắc có lợi cho Mỹ. Ví dụ, hãng giày Steve Madden nói rằng nếu ông Trump áp thuế lên hàng từ Trung Quốc, họ sẽ chuyển sản xuất sang các nước như Campuchia hay Việt Nam.
Ông Trump cũng ca ngợi thuế nhập khẩu là cách giúp tạo nguồn thu mới cho ngân sách, bù đắp việc giảm thuế trong nước. Theo tổ chức nghiên cứu thuế Tax Foundation, trong nhiệm kỳ đầu của Trump, thuế nhập khẩu giúp ngân sách Mỹ có thêm 80 tỷ USD.
Con số lần này có thể lớn hơn rất nhiều. Nếu ông Trump áp thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng vào Mỹ, ngân sách liên bang sẽ có thêm 2.000 tỷ USD giai đoạn 2025-2034, Tax Foundation cho biết.
Còn theo Goldman Sachs, thuế áp lên Mexico, Canada và Trung Quốc sẽ tạo thêm 300 tỷ USD mỗi năm. Hiện tại, khoảng 43% hàng nhập khẩu vào Mỹ đến từ 3 nước này.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhìn nhận nguồn thu này chủ yếu đến từ doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Vì thuế nhập khẩu thường sẽ do các công ty tại Mỹ gánh, Vicky Redwood - nhà phân tích tại Capital Economics cho biết. Ví dụ, Walmart sẽ phải quyết định có nên chấp nhận giảm lợi nhuận, hay tăng giá để chuyển gánh nặng thuế cho người tiêu dùng.
"Nếu chi phí bị chuyển xuống, khách hàng phải lựa chọn tiếp tục mua hàng nhập khẩu giá cao hay chuyển sang hàng trong nước - vốn đắt đỏ hơn nhập khẩu trước bị áp thuế", Redwood giải thích.
Một nghiên cứu hồi tháng 8 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy thuế nhập khẩu của ông Trump sẽ khiến mỗi gia đình Mỹ tốn thêm 2.600 USD mỗi năm.
Cuối cùng, điều Tổng thống đắc cử của Mỹ muốn tăng thuế nhập khẩu là nhằm chặn làn sóng nhập cư trái phép và buôn ma túy vào nước này.
Ông Trump đầu tuần này khẳng định sẽ duy trì áp thuế tới khi Mexico, Canada, Trung Quốc siết chặt kiểm soát ma túy, nhất là fentanyl và kiểm soát dòng người di cư đang vượt biên trái phép vào Mỹ. Hiện tại, phần lớn fentanyl tại Mỹ được vận chuyển từ Mexico.
Dù có khả năng ba nước trên siết quy định để tránh bị Trump áp thêm thuế, hiện chưa rõ liệu việc đe dọa có giúp ông đạt mục tiêu này hay không. Hồi đầu tuần, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết việc áp thuế nhập khẩu sẽ khiến Mỹ mất 400.000 việc làm và nhận đòn trả đũa từ nước láng giềng. Bà cũng khẳng định luôn sẵn sàng thảo luận với Trump về các vấn đề của Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường