Vì sao nhiều 'ông lớn' đang tách nhỏ ra?
Chia nhỏ ra là cơn sốt mới nhất đối với các công ty toàn cầu khổng lồ. Tuần qua, Johnson & Johnson, Toshiba và GE đã công bố kế hoạch tách thành nhiều đơn vị. Và xu hướng này có thể chỉ mới bắt đầu.
Những tập đoàn thường rất lớn và khó kiểm soát. Phố Wall “ghét” họ vì không biết cách nào để định giá họ đúng mức. Các CEO và hội đồng quản trị của công ty cuối cùng cũng nhận ra: Linh hoạt chính là hình thức “lớn” mới.
Việc Johnson & Johnson tách thành hai công ty - một cho mảng sản phẩm tiêu dùng và cái còn lại để cung cấp thuốc, thiết bị y tế - là sự thay đổi mới nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nhiều ông lớn trong ngành dược phẩm khác, như Pfizer, Merck và GlaxoSmithKline, đã tách các bộ phận lớn của họ trong vài năm qua hoặc có kế hoạch làm như vậy.
Nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn cho các doanh nghiệp dược phẩm, công nghệ sinh học và thiết bị y tế đang phát triển nhanh chóng hơn là thuốc generic và các sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu. Cổ phiếu của Johnson & Johnson đã tăng gần 2% vào đầu phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước.
Tuy nhiên, như sự chia tách của Toshiba và GE cho thấy các cuộc “ly hôn” không chỉ giới hạn ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
“Để tồn tại và bắt kịp xu hướng thị trường, các công ty phải xem xét ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận nhất của họ là gì và nên dành phần lớn thời gian và sự tập trung vào đâu”, Liz Young, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại SoFi, cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNN Business.
"Cạnh tranh rất khốc liệt. Đôi khi bạn phải phá bỏ nó để xây dựng trở lại", Young nói thêm.
Làn sóng chia tách ở các công ty lớn
Các công ty lớn trên khắp thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau đang chấp nhận ý tưởng cần phải thu nhỏ hơn.
Gã khổng lồ công nghệ Dell gần đây đã tách doanh nghiệp kinh doanh những dịch vụ điện toán đám mây VMWare thành một công ty hoàn toàn riêng biệt. Còn nhà bán lẻ L Brands đã chia tách thành hai công ty: Bath & Body Works và Victoria's Secret.
Trong khi đó, IBM đã tách đơn vị dịch vụ công nghệ thông tin của họ thành công ty mới có tên Kyndryl. Do đó, Kyndryl giờ đây đã linh hoạt hơn trong việc liên doanh với các đối thủ của IBM. Chẳng hạn, Kyndryl đã công bố một thỏa thuận với Microsoft vào thứ Sáu tuần trước.
"Chúng tôi có quyền tự do mới để tiếp cận thị trường. Chúng tôi có thể tiếp tục phục vụ khách hàng của IBM nhưng cũng có thể mở rộng quan hệ đối tác với các nhà cung cấp công nghệ khác", Giám đốc tài chính David Wyshner của Kyndryl cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN Business vào đầu tháng này.
Các công ty khác có thể thấy rằng việc tách rời các bộ phận sẽ mang lại cho họ quyền tự chủ lớn hơn để xây dựng những mối quan hệ kinh doanh mà có thể không mang nhiều ý nghĩa chiến lược nếu như họ vẫn còn là một phần của một tập đoàn khổng lồ.
Tuy nhiên, việc chia tách và bán tài sản cũng là cách để các công ty đảo ngược những quyết định mà ngay từ đầu nhà đầu tư đã không hào hứng.
Lấy trường hợp của hai gã khổng lồ ngành viễn thông là Verizon và AT&T làm ví dụ:
Cả hai cổ phiếu này đều thể hiện không tốt bằng những cổ phiếu khác trên thị trường trong vài năm qua, một phần do doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng chậm chạp, phần do lo ngại hai công ty này đã đi quá xa khỏi mảng kinh doanh các thiết bị và dịch vụ không dây cốt lõi của họ, thể hiện qua các giao dịch rầm rộ.
Verizon đã mua AOL và Yahoo và kết hợp hai công ty này thành Oath rồi sau đó đổi tên thành Verizon Media. Tuy nhiên, thương vụ mua lại này chưa bao giờ thực sự thành công nên Verizon đã bán bộ phận truyền thông cho Apollo với giá 5 tỷ USD hồi tháng 9 và chỉ giữ lại 10% cổ phần trong đó.
Trong khi đó, AT&T có kế hoạch tách WarnerMedia ra và hợp nhất nó với gã khổng lồ trong mảng truyền hình cáp và phát trực tuyến là Discovery. Nếu đúng theo dự kiến, kế hoạch này sẽ cho ra đời một công ty mới có tên Warner Bros Discovery vào giữa năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận