Vì sao nhiệt điện Công Thanh muốn chuyển đổi sang dùng khí LNG?
Xoay vốn cho điện than bế tắc, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện Công Thanh và tỉnh Thanh Hóa đang xin chuyển đổi dự án này sang chạy khí LNG.
Cần sớm chuyển nhiệt điện Công Thanh sang làm điện khí
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà một số nội dung liên quan đến dự án nhiệt điện Công Thanh.
Dự án này được Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 4/11/2010, điều chỉnh lần 2 ngày 5/6/2018. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường GPMB và san lấp mặt bằng cho khu vực Nhà máy chính của dự án, đã đầu tư 80% hạ tầng cho khu vực cảng nhà máy.
Đồng thời, công ty đã cơ bản hoàn tất các hồ sơ cho dự án như: Được Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp 2 tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất thực hiện dự án; được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương thẩm định thiết kế cơ sở; đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn của dự án gặp rất nhiều khó khăn do nhiệt điện than hiện nay không còn là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, việc phát triển nhiệt điện than không còn phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 được tổ chức tại Glassgow.
Vì thế, UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà xem xét, thống nhất cho dự án nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất 1.500MW thuộc dự án LNG Nghi Sơn 1.500MW trong Quy hoạch điện VIII và cập nhật dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Khi chuyển đổi, nhà máy nhiệt điện Công Thanh sẽ sử dụng khí LNG nhập khẩu, tiêu thụ từ 1,2-1,5 triệu tấn/năm; công suất nhà máy sau khi chuyển đổi sẽ tăng từ 600MW lên 1.500MW. Sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm tăng từ 3,9 tỷ kWh lên 9 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư dự án tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2 tỷ USD.
Điện khí LNG chưa chắc đắt hơn điện than
“Khi chủ đầu tư đã có vốn, có tổ hợp đầu tư, lại có mặt bằng… thì họ đã có tương đối đầy đủ các điều kiện khó giải quyết nhất trong khâu thực thi. Vì vậy, nên cân nhắc chuyển điện than Công Thanh sang LNG. Điều đó rất hợp lý”, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công thương chia sẻ với PV Báo Giao thông.
Ông Lâm phân tích: Sự hợp lý nằm ở chỗ dự án này ở Thanh Hóa, gần với miền Bắc, việc truyền tải cũng dễ dàng hơn. Bởi thông thường những nhà máy điện than, điện khí nằm ở miền Nam, miền Trung, nhưng tiêu thụ điện cao lại ở miền Bắc nên phát sinh vấn đề “phải chuyển điện ra Bắc” – tức là phải đầu tư truyền tải, đây là vấn đề áp lực nhất hiện nay.
Điểm hợp lý khác được TS Ngô Đức Lâm nhắc đến là hàng loạt dự án nhiệt điện than có nguy cơ chậm tiến độ, không thể hoàn thành, nên nguy cơ vỡ Quy hoạch điện VIII có thể xảy ra. Vì vậy, việc đẩy nhanh chuyển đổi những nhà máy điện than đã có các điều kiện cần thiết sang LNG cũng cần tính toán sớm.
“LNG thuận lợi ở chỗ dễ vay vốn và thời gian làm nhanh hơn, chỉ bằng 1/2 thời gian làm nhiệt điện than (4 năm), lại đạt được chỉ tiêu trung hòa carbon do phát thải ít hơn”, ông Lâm nêu điểm nổi bật của LNG so với điện than và đề xuất “nếu thuận lợi nên cho chuyển đổi”.
Còn vấn đề về giá nguyên liệu ảnh hưởng đến giá điện, ông Lâm cho rằng, khó có thể nói trong thời gian tới điện than rẻ hơn điện khí. Bởi thực tế, thời gian qua suốt thời gian dài giá than tăng cao hơn 400 USD/tấn, gấp 4-5 lần bình thường và đến nay cũng đang ở ngưỡng cao.
Hàng năm, giá thành sản xuất của nhiệt điện than đều tăng từ 2-5% do giá than có xu hướng tăng. Chưa kể đến việc, thời gian tới thế giới bắt đầu đánh thuế carbon. Tức là, phải tính thuế carbon vào giá 1kWh điện.
“Theo tính toán của tôi, mức thuế này vào khoảng 3-4 cent/kWh, khi đó, rõ ràng giá điện than có thể không rẻ hơn điện khí”, ông Lâm nói.
Một đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho thấy: Mặc dù giá LNG nhập khẩu biến động theo giá thị trường quốc tế, tuy nhiên so sánh với nhiên liệu dầu thì vẫn ở mức cạnh tranh. Xét ở góc độ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, với định hướng tỷ trọng nhiệt điện khí trong tổng cơ cấu nguồn điện theo Quy hoạch VIII thì vai trò chạy nền của các nhà máy điện chạy khí LNG cần được xem xét để đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống điện.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa, dự án Nhiệt điện Công Thanh đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, san lấp, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng để đầu tư nhà máy. Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh đã tích cực làm việc với các nhà đầu tư uy tín nước ngoài (như các Tập đoàn BP, GE, Quỹ đầu tư Actis) để nghiên cứu tính khả thi của việc đầu tư dự án Nhiệt điện Công Thanh bằng nhiên liệu khí LNG.
Vì vậy, tỉnh này cho rằng, dự án nhiệt điện Công Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai dự án đầu tư và hoàn thành đưa dự án đi vào vận hành trước năm 2030 (dự kiến trong năm 2028) nếu chuyển sang nhiên liệu khí LNG, đảm bảo các mục tiêu theo Quy hoạch điện VIII của Thủ tướng Chính phủ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường