Vì sao ngân hàng "khoe" giảm lãi vay, doanh nghiệp vẫn "than lao đao"?
"Doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn gặp rất nhiều khó khăn, không tìm nổi dòng vốn. Công ty buộc phải cơ cấu bằng cách cắt giảm 50% nhân sự, đóng tất cả các dự án, thậm chí phải sớm bán lại để tái cơ cấu các khoản nợ, nếu không muốn ngập vào cảnh phá sản, thậm chí rơi vào vòng lao lý vì lãi phát sinh sẽ ngày càng phình to", anh bạn tôi - chủ tịch một công ty bất động sản có nền tảng hoạt động hơn 10 năm, than thở như vậy khi nói về việc ngân hàng nỗ lực giảm lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp.
Thường xuyên giao thiệp với những người bạn làm trong lĩnh vực này cho tôi một phác họa chung nhất: "Khó". Và cái khó nhất trong những cái khó, đó là nguồn vốn. Tình cảnh của vị doanh nhân kể trên không phải hiện tượng đơn lẻ mà đang xảy ra với vô vàn các doanh nghiệp lớn nhỏ bắt đầu từ cuối quý II/2022.
Từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản gần như không tiếp cận được nguồn vốn để phát triển và lao vào vòng xoáy khủng hoảng. Kể từ đó, bất động sản là một trong những lý do khiến nhiều chỉ số vĩ mô quan trọng xấu đi rõ nét.
Chỉ số nổi bật nhất chính là GDP quý I năm nay chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong 12 năm. Đây cũng là mức thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao, là con số báo động khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm trở nên khó khăn…
Trong nhiều thông điệp phát đi thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục khẳng định không siết cho vay bất động sản và luôn tạo những điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý là Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại về nỗ lực kéo giảm lãi suất huy động để từ đó giảm được lãi suất cho vay.
Ngân hàng "khoe" giảm lãi vay song doanh nghiệp vẫn "than lao đao" (Ảnh minh họa: Mạnh Quân) |
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Sắp tới, chúng tôi chỉ đạo, định hướng, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vừa chia sẻ với doanh nghiệp vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm".
Tuy vậy, giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần mà thôi, bởi vấn đề mà khá nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân đang gặp phải hiện nay là các thủ tục vay vốn vô cùng khó.
Một cán bộ lâu năm trong hệ thống ngân hàng đã cho hay, để ngân hàng duyệt cho vay cần nhiều thông tin đáp ứng như: Thu nhập trả nợ tốt, mục đích vay đúng quy định, tài sản bất động sản đáp ứng đủ bảo đảm cho số tiền vay… Tuy nhiên với tình hình hiện tại khi mà thu nhập của nhiều khách hàng bị sụt giảm, tài sản bị giảm giá hoặc vào vùng bị giảm giá, ngân hàng cũng hạn chế tiếp nhận, thậm chí là từ chối cho vay.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu đựng một loạt những khó khăn khác khi tiếp cận tín dụng như: Thủ tục vay vốn phiền hà; vì một lý do gì đó cán bộ tín dụng "bắt lỗi" khiến thời gian xử lý hồ sơ "dài hơn cái thuổng"... Và đó mới chỉ là những khó khăn chung chung và… dễ nói nhất.
Báo cáo PCI-2022 của VCCI cũng chỉ rõ, có tình trạng doanh nghiệp phải 'bồi dưỡng' cho cán bộ tín dụng để vay vốn nhiều hơn; và tình trạng cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp tăng gần gấp đôi so với năm 2021.
Tiếp cận tín dụng trở thành mối lo lớn nhất của doanh nghiệp năm 2022, có khoảng 55,6% doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận tín dụng.
Trong đó 79,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI 2022 cho biết trở ngại lớn nhất là việc doanh nghiệp không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Một loạt khó khăn tiếp cận tín dụng khác có dấu hiệu gia tăng trong năm 2022 như các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân, thủ tục vay vốn phiền hà.
Đáng chú ý là tại phiên họp thứ 23 vừa qua, khi đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu nhận định "việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng (nới room) được thực hiện quá chậm" là một trong những bất cập trong công tác điều hành cần rút kinh nghiệm.
Nhận định trên chắc chắn nhận được sự đồng tình của cộng đồng doanh nghiệp, bởi dòng vốn chính là vấn đề bức bối nhất suốt từ quý IV năm ngoái tới nay.
Khó khăn tiếp cận vốn ngân hàng nếu không được giải quyết có lẽ sẽ tiếp tục đẩy nhiều doanh nghiệp tìm tới "tín dụng đen". Thống kê của PCI 2022 cho thấy số doanh nghiệp không vay được vốn, buộc phải xoay sang vay "tín dụng đen" tăng gấp 3 lần so với con số trong báo cáo PCI 2021.
Những số liệu tham khảo nêu trên phần nào cho thấy Ngân hàng Nhà nước hẳn sẽ còn phải rất nỗ lực để giải quyết những khó khăn tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và cá nhân.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong ghi nhận sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, đồng thời chỉ ra một số tồn tại: "Ngân hàng Nhà nước buộc phải quy định trần room tín dụng và trong bối cảnh hiện nay vẫn phải tiếp tục duy trì, nhưng phương thức điều hành cần linh hoạt hơn theo 2 hướng: Một là giao tổng room từ đầu năm; Hai là điều hành trên cơ sở để cho các ngân hàng và khách hàng chủ động lập kế hoạch với nhau, chứ không phải giao cho một con số nào đó để rồi diễn ra tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc bị siết lại một cách đột ngột, khiến cho doanh nghiệp có thể vỡ kế hoạch".
Chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp không vay ngay một khoản lớn mà đầu tư tới đâu thì vay tới đó. Vì vậy, nếu chỉ tính một mục tiêu chung thôi thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ở giai đoạn cuối năm, chuyện đổ vỡ hoàn toàn có thể xảy ra và ảnh hưởng tới đời sống của hàng nghìn người lao động, tạo thành gánh nặng cho xã hội.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nên sử dụng nhiều công cụ dự trữ bắt buộc hơn và áp quy định hệ số an toàn kèm theo, sẽ giúp các ngân hàng tự điều chỉnh mà không lệ thuộc quá nhiều vào room.
Nếu làm tốt công tác kiểm soát dự trữ an toàn, cộng với hệ số dự trữ bắt buộc thì Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát lạm phát rất tốt. Room chỉ là hình thức xin - cho, còn tỷ lệ bắt buộc mà mỗi ngân hàng phải đảm bảo chính là hệ số an toàn trong các lĩnh vực, cộng với dự trữ bắt buộc.
Tức là ngân hàng mà cho vay nhiều thì phải dự trữ nhiều hơn, cho vay ở những lĩnh vực mức độ an toàn không cao thì phải nâng hệ số đảm bảo an toàn. Với hướng quản lý như vậy thì các ngân hàng tự đảm bảo lợi ích của mình và làm tốt thì họ có thể tăng tỷ lệ cho vay.
Tóm lại, đấy là hướng thị trường và đảm bảo tính minh bạch cũng như tính chủ động chính sách của các ngân hàng và doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thấy rằng hệ số an toàn cần phải cao thì sẽ thận trọng hơn.
Ngân hàng cho vay thấy lĩnh vực nào rủi ro thì cũng phải thận trọng hơn, đặc biệt buộc phải đưa vào các yếu tố kiểm soát bắt buộc cao hơn. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm dần được những can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của các ngân hàng, cũng có nghĩa là loại bỏ những lo lắng không đáng có từ những quyết sách điều hành của ngành ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận