menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Quang Anh

Vì sao 'mất' SWIFT, Nga không thể thay bằng hệ thống của Trung Quốc?

Phương Tây đã loại trừ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Giới quan sát đang quan tâm về việc liệu Trung Quốc có thể cung cấp cho Nga một giải pháp thay thế hay không. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra.

Các quốc gia phương Tây đã tìm cách trừng phạt Nga vì phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine bằng các biện pháp kinh tế và tài chính.

Trong đó, phương Tây đã loại trừ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Theo Hãng tin Bloomberg, động thái này đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có thể cung cấp cho Nga một giải pháp thay thế hay không, đặc biệt là với hệ thống thanh toán riêng của nước này - CIPS.

CIPS là gì?

CIPS, có tên đầy đủ là Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới Nhân dân tệ, được thiết lập vào tháng 10-2015.

CIPS đóng vai trò như một hệ thống thanh toán cho các giao dịch sử dụng đồng NDT. Hệ thống này được giám sát bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), nhưng được điều hành bởi công ty CIPS ở Thượng Hải.

Quyền sở hữu CIPS được trải rộng giữa hàng chục cổ đông bao gồm các tổ chức tài chính nhà nước của Trung Quốc, các sàn giao dịch và các ngân hàng phương Tây.

Ngày càng nhiều tổ chức sử dụng hệ thống này. Tính đến tháng 2, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày của CIPS là 388,8 tỉ NDT (khoảng 61,3 tỉ USD), tăng khoảng 50% so với một năm trước đó.

CIPS có phải là đối thủ của SWIFT không?

Cả hai hệ thống trên không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. SWIFT là một hệ thống nhắn tin để các ngân hàng toàn cầu liên lạc. Trong khi đó, ngoài việc cung cấp một số chức năng liên lạc, CIPS chủ yếu là một hệ thống thanh toán cho các giao dịch bằng đồng NDT.

Theo Viện nghiên cứu tài chính xuyên biên giới (Thượng Hải), hầu hết các ngân hàng sử dụng CIPS vẫn giao tiếp qua SWIFT. Điều này xuất phát từ thói quen hoặc bởi các ngân hàng không cài đặt công cụ nhắn tin dành riêng cho CIPS.

Về quy mô, CIPS vẫn khá khiêm tốn so với SWIFT - hệ thống có hơn 11.000 thành viên và xử lý hơn 42 triệu giao dịch mỗi ngày.

Tính đến tháng 2, CIPS đã có khoảng 1.300 người tham gia, chủ yếu ở Trung Quốc và xử lý khoảng 13.000 giao dịch mỗi ngày.

CIPS ra đời với mục đích gì?

CIPS là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm khuyến khích việc sử dụng đồng NDT trên toàn cầu.

Đây cũng được coi là cách Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây và việc sử dụng đồng USD, đặc biệt là sau khi chứng kiến khả năng trừng phạt các nước về mặt kinh tế và tài chính của Mỹ.

Điển hình, Mỹ đã gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran vào năm 2010 và sau đó trừng phạt Nga vì sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Nga có thể dùng CIPS để vượt lệnh trừng phạt không?

Theo Bloomberg, câu trả lời tạm thời là không. CIPS chỉ xử lý các giao dịch bằng đồng NDT. Điều này đồng nghĩa rằng CIPS chỉ khả dụng khi Nga và Trung Quốc thực hiện các giao dịch trực tiếp.

Các khoản thanh toán như vậy vẫn ở mức chưa đáng kể. Giao dịch bằng NDT giữa hai nước trên đã tăng lên khoảng 6% giao dịch vào năm 2020, so với 2% vào năm 2013.

Trên thực tế, ngay cả khi Nga và Trung Quốc tìm cách từ bỏ đồng USD trong thương mại, giao dịch giữa hai bên phần lớn phải chuyển sang sử dụng đồng euro. Thế nhưng, Nga cũng đã chính thức cắt đứt với đồng tiền của châu Âu.

Bên cạnh đó, giới quan sát hiện chưa rõ liệu các nhà xuất nhập khẩu bên ngoài Trung Quốc và làm ăn với Nga có sẵn sàng chấp nhận thanh toán bằng đồng NDT hay không.

Để CIPS trở nên có ích Nga trong thời điểm này, Nga sẽ phải trở thành một phần của hệ thống tài chính lấy đồng NDT làm trung tâm. Điều đó dường như khó xảy ra với sự kiểm soát của Bắc Kinh, vốn hạn chế dòng tiền vào và ra khỏi Trung Quốc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại