Vì sao loạt dự án “ma” vùng ven đô Hà Nội vẫn có đất “diễn”?
Mặc dù chính quyền nhiều địa phương đã có những chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng quảng cáo, rao bán dự án “ma”, nhưng trên thực tế, thị trường bất động sản ven đô Hà Nội vẫn rối ren bởi sự không minh bạch.
Nở rộ dự án “ma” vùng ven đô Hà Nội
Thời gian qua, thị trường bất động sản ven đô Hà Nội, đặc biệt là các khu vực tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên... vẫn là sự ưu tiên lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.
Anh Long, một nhà đầu tư trú tại Hà Nội bật mí: "Khu vực trung tâm Hà Nội đang phát triển đến điểm ngưỡng, giá đất nội đô tăng cao. Trong khi đó, khu vực ven đô Hà Nội ngày càng được cải thiện hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị hiện đại, cũng tạo nên sức hút khiến nhiều nhà đầu tư chú ý; nhất là những khu vực có vị trí thuận lợi, quãng đường di chuyển từ trung tâm TP. Hà Nội không quá xa và tính thanh khoản cao, vì thế luôn là ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư".
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, lợi dụng cơn sốt đất tại các tỉnh vùng ven đô Hà Nội, thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân vẽ dự án “ma” để quảng cáo, rao bán như một dự án được chính quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong đó, tại tỉnh Hòa Bình, tình trạng này diễn ra một vài năm trở lại đây và nhiều tổ chức, cá nhân đã bất chấp các quy định pháp luật cũng như việc chính quyền sở tại lên tiếng cảnh báo.
Đơn cử, nhiều trang mạng quảng cáo, rao bán đất nền tại dự án “ma” Hòa Bình Green Valley (tọa lạc tại xóm Ba Nội, xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Các nhân viên môi giới cho biết, những lô đất hầu hết đã chuyển nhượng cho khách hàng. Tuy nhiên, điều bất ngờ là phía chính quyền địa phương lại xác nhận, không hề có dự án Hòa Bình Green Valley tại xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình. Việc quảng cáo dự án trên là hoàn toàn sai sự thật.
Một dự án khác cũng được “vẽ” ra là cái tên Golden Hill, được quảng cáo tọa lạc tại thị trấn Ba Hàng Đồi (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình). Dự án này được các môi giới rao bán gồm 112 lô đất nền, với diện tích từ 103 - 115m2/lô. Giá bán tại Golden Hill dao động từ 9 - 14 triệu đồng/m2.
“Chính sách bán hàng vô cùng hấp dẫn: Cam kết mua lại sau 2 năm với lợi nhuận tối thiểu 30%/giá trị giao dịch. Ngân hàng hỗ trợ vay vốn 40% giá trị shophouse với chương trình hỗ trợ lãi suất 0% và ân hạn nợ gốc 12 tháng. Chính sách chiết khấu từ 1% - 4%. Tiến độ đóng tiền linh hoạt. Cam kết thuê lại 10 triệu đồng/tháng”, một website quảng cáo về dự án Golden Hill.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, lãnh đạo UBND huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) khẳng định, trên địa bàn không có dự án nào tên là Golden Hill. Khu đất được quảng cáo có dự án Golden Hill trên thực tế là đất ở có diện tích 7.181,9m2. Khu đất này trước đó được UBND huyện đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất và đã có cá nhân trúng đấu giá.
Theo tìm hiểu của PV, người trúng đấu giá toàn bộ các lô đất tại khu đất trên là cá nhân Nguyễn Ngọc Luân (SN 1990, địa chỉ xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội).
Bên cạnh đó, một số "dự án" khác như: Green Oasis Hòa Bình, Beverly Hill, Vịt Cổ Xanh Ecolodge Việt Pháp, Mountain (cùng trên địa bàn huyện Lương Sơn); dự án Sun Legend Villa - Đà Bắc Ecolodge, huyện Đà Bắc; dự án Kai Village Resort tại Cầu Mè; The Moon Village tại xã Yên Quang, TP. Hoà Bình... cũng được các cơ quan truyền thông, chính quyền sở tại nêu tên về tính minh bạch pháp lý của dự án.
Chính quyền đề nghị cung cấp thông tin dự án “ma” để xử lý
Trước tình trạng bát nháo của các dự án “ma” khiến thị trường bất động sản rối ren, Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình đã có văn bản gửi tới Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh về việc đăng tải thông tin các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.
Theo nội dung văn bản trên, Sở Xây dựng Hòa Bình cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số dự án bất động sản được rao bán trên mạng và kêu gọi đầu tư, góp vốn. Để thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh phát triển lành mạnh ổn định, không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân huy động vốn, bán sản phẩm bất động sản trái quy định của pháp luật, Sở Xây dựng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông đăng tải thông báo trên lên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh một số danh sách: Dự án đủ điều kiện bán, danh sách dự án chưa đủ điều kiện bán...
Đáng chú ý, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cũng chỉ ra hàng loạt các dự án "ma", không có trên địa bàn, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng.
Từ đó, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình yêu cầu các trường hợp tổ chức, cá nhân có bằng chứng về việc ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua bán sản phẩm dự án giữa khách hàng và chủ đầu tư, đề nghị cung cấp về Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan để xem xét, xử lý đúng quy định của pháp luật.
Như đã đề cập ở trên, mặc dù chính quyền tỉnh Hòa Bình đã có nhiều động thái vào cuộc chấn chỉnh tình trạng quảng cáo, rao bán dự án "ma" nhưng trên thực tế thời gian vừa qua, không ít nhà đầu tư đã phải tiếp cận những thông tin sai sự thật về dự án, sản phẩm bất động sản. Điều này khiến các nhà đầu tư như rơi vào "ma trận" các dự án "ảo" ở vùng ven đô Hà Nội và làm ảnh hưởng lớn đến những dự án được chính quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai theo đúng kế hoạch.
Trước những hoạt động quảng cáo, rao bán dự án "ma" của các tổ chức, cá nhân đang diễn ra phức tạp, có lẽ chính quyền tỉnh Hòa Bình cần vào cuộc quyết liệt để kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm minh, từ đó tạo môi trường đầu tư bất động sản lành mạnh./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận