Vì sao HĐQT BIDV cho thôi nhiệm 2 uỷ viên?
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa cho biết ông Bùi Quang Tiên và ông Nguyễn Văn Lộc sẽ thôi chức vụ Thành viên HĐQT của ngân hàng này kể từ ngày 01/6/2019.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố thông tin về việc thay đổi thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng.
Theo đó, ông Bùi Quang Tiên và ông Nguyễn Văn Lộc thôi không còn là thành viên HĐQT BIDV để nghỉ hưu, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/6/2019.
Được biết, ông Nguyễn Văn Lộc và ông Bùi Quang Tiên đều sinh năm 1959 và năm nay đã 60 tuổi.
Ông Bùi Quang Tiên được bầu vào HĐQT BIDV vào tháng 4/2017 và là người đại diện cho 30% vốn của nhà nước tại ngân hàng này. Tháng 5/2018, ông được bổ nhiệm phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017-2022, sau khi ông Trần Anh Tuấn xin thôi nhiệm.
Trước đó, ông Tiên công tác tại Ngân hàng Nhà nước từ năm 1982 và làm Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước từ năm 2008 đến hết tháng 4/2016.
Còn ông Nguyễn Văn Lộc được bầu vào HĐQT BIDV từ ngày 23/5/2015. Trước đó, ông Lộc từng giữ chức vụ Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau khi thôi nhiệm 2 uỷ viên, HĐQT hiện tại của BIDV còn 7 thành viên: Ông Phan Đức Tú (Chủ tịch HĐQT); bà Nguyễn Thị Thu Hương, ông Trần Thanh Vân, bà Phan Thị Chinh, ông Ngô Văn Dũng, ông Phạm Quang Tùng, ông Lê Việt Cường.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Thu Hương là thành viên mới được bầu bổ sung tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Bà Hương là Vụ trưởng Vụ II – Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Cán bộ trẻ nhất trong HĐQT là ông Phạm Quang Tùng (sinh năm 1971). Ông Tùng được bầu giữ vai trò Ủy viên HĐQT BIDV kể từ tháng 4/2018 đến nay.
Năm 2019, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.300 tỷ đồng
Trước đó, BIDV đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất Quý I/2019 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.520 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính tới ngày 31/3/2019, quy mô tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,342 triệu tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm, với dư nợ cho vay khách hàng đạt 1,011 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,74%.
Ở chiều hướng ngược lại, nguồn vốn huy động từ tiền gửi của khách hàng tại BIDV tăng trưởng 2,5% trong Quý 1/2019, đạt 1,014 triệu tỷ đồng.
Năm 2019, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.300 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng trưởng 12% và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%. Ngoài ra, ngân hàng cũng tích cực thực hiện các phương án tái cơ cấu lại găn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016 - 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận