Vì sao giải ngân đầu tư công ở TP HCM vẫn chậm?
Chuyên gia cho rằng giải ngân đầu tư công ở thành phố 7 tháng mới đạt gần 15% là quá chậm, vướng mắc chủ yếu trong phân cấp, phân quyền.
Nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế chủ đề đầu tư công do báo Người Lao Động tổ chức sáng 15/8.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công cả nước đến hết tháng 7 là hơn 232.091 tỷ đồng, đạt 32,22% tổng kế hoạch và gần 35% kế hoạch Chính phủ giao. Mức này thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (đạt 35,49% tổng kế hoạch và đạt 37,85% kế hoạch Chính phủ giao).
Trong đó, TP HCM - đầu tàu kinh tế - có tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm hơn trung bình cả nước, hiện mới đạt 11.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 14,9% kế hoạch. Năm nay, địa phương này đặt mục tiêu giải ngân được 95% tổng vốn phân bổ, khoảng 79.200 tỷ đồng - cao hơn năm ngoái 11.200 tỷ đồng.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng giải ngân vốn đầu tư công của TP HCM chỉ 15% là quá thấp so với mặt bằng chung.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), kiêm Chủ tịch Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố (HFIC) cũng nói rất nôn nóng và sốt ruột. Bởi theo ông, chỉ có giải ngân nhanh cho các dự án đầu tư công, doanh nghiệp mới có việc làm. Những điểm nghẽn mà thành phố đang vướng đó là cơ chế quy hoạch, phê duyệt, đấu thầu và cách thức vận hành, phối hợp không đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng và chủ đầu tư.
TS Trần Du Lịch cho rằng việc "có tiền mà không xài được" là vấn đề rất lớn cần giải quyết trong khi nơi khác thì lại thiếu vốn. "Cái đang có không xài được thì vay làm gì? Giống như một doanh nghiệp có tiền để ngân hàng mà đi vay lãi suất cao hơn chỉ có phá sản. Đầu tư công cũng vậy"- TS Trần Du Lịch nói.
Với trường hợp giải ngân đầu tư công tại TP HCM còn thấp dù lãnh đạo địa phương ra hàng loạt kế hoạch, họp theo dõi hàng tuần, các chuyên gia cho rằng cần phân cấp, phân quyền trong Nghị quyết 98 theo hướng mở rộng và chi tiết hơn để giải quyết vấn đề về cơ chế, thủ tục.
Cụ thể, TS Trần Du Lịch cho biết Nghị quyết 98 đóng góp rất lớn trong đầu tư công, cho phép tách dự án thành 2 phần: gồm đền bù và xây dựng, từ đó tạm ứng ngân sách để đền bù trước nhằm giải quyết tắc nghẽn.
TS Trần Du lịch tại sự kiện sáng 15/8. Ảnh: Báo Người Lao Động
Tuy nhiên, theo ông chỉ dự án mới sau Nghị quyết mới áp dụng, còn dự án đang dang dở thì không. Do đó, ông cho rằng nếu Nghị quyết 98 và ngoài 98 tiếp tục mở rộng phân cấp, phân quyền thủ tục sẽ thúc đẩy tích cực đầu tư công và huy động nguồn lực.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa cũng nói Nghị quyết 98 hiện chỉ ở bước thăm dò, chưa có tháo gỡ mạnh mẽ. Vì vậy, cần phân cấp, phân quyền rõ ràng để TP HCM bật lên giải quyết vấn đề.
Một ưu điểm khác của Nghị quyết 98 là cho phép thành phố sử dụng ngân sách địa phương để sử dụng công trình giao thông trọng điểm mang tính chất liên tỉnh, theo Thạc sĩ Cao Minh Nghĩa, Phó Trưởng Phòng nghiên cứu phát triển kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM.
Tuy nhiên, việc cho phép này chỉ áp dụng một vài dự án nhưng chưa ra công thức chung. Theo ông, các chuyên gia, các nhà khoa học và bộ ngành cần cùng nghiên cứu để tìm ra phương án chung, tối ưu.
Một ý tưởng khác để tăng tốc giải ngân đầu tư công là cho phép tư nhân tham gia. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa của Huba, các dự án đầu tư công hiện nay đều do nhà nước hay một ban quản lý thực hiện.
Ông cho rằng các dự án thừa tiền nhưng nghẽn do cơ chế thủ tục, quy trình, trình tự đòi hỏi giải quyết đồng bộ. Vì vậy, nhà quản lý cần mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận như xã hội hóa để giải quyết điểm nghẽn. "Tất cả thủ tục và phê chuẩn để tư nhân làm, sau khi hoàn thành chỉ cần nghiệm thu, đây có thể là cách tiếp cận trôi chảy và nhanh hơn", ông đề xuất.
Trước đó, hôm 8/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26 nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, đặt mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch, xây dựng ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Các nhiệm vụ trọng tâm gồm: đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư, đấu thầu, lập kế hoạch giải ngân chi tiết, tăng cường bồi thường và giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến đất đai và tài nguyên, và giám sát chặt chẽ việc quản lý, giải ngân. Các Tổ công tác của Thủ tướng sẽ tiếp tục theo dõi và thúc đẩy quá trình này.
Tính theo tỷ lệ giải ngân, chỉ có 7 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (trên 40% kế hoạch Thủ tướng giao), trong khi có 33 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước.
Theo các chuyên gia, cản trở hàng đầu khiến tiến độ giải ngân đầu tư công chậm chính là khâu giải phóng mặt bằng, điều cần chuẩn bị sớm và làm nhanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận