Vì sao giá cổ phiếu ngân hàng “lặn sâu”?
Sau thời gian dài dẫn dắt đà tăng của VN-Index trong những tháng đầu năm, đến khoảng tháng 6-7, cổ phiếu ngân hàng trở thành lực cản kéo VN-Index về mốc 1,300 điểm.
“Bank”, chứng và thép là 3 nhóm ngành tác động tích cực nhất lên đà tăng thị trường, góp công lớn trong việc VN-Index chinh phục mức kỷ lục cao nhất tại 1,424 điểm vào phiên 02/07/2021. Tuy nhiên, khi thị trường bước vào nhịp điều chỉnh cho đến nay, nếu so với thời điểm cuối tháng 6, chỉ số ngành ngân hàng là nhóm giảm điểm mạnh mẽ nhất (-14.21%) trong khi ngành chứng khoán tăng 14.35% và thép (vật liệu xây dựng) lại tăng hơn 4%.
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng xuất hiện một trong những đợt rung lắc mạnh từ khoảng thời gian đầu tháng 07/2021 cho đến nay. Nhiều cổ phiếu của nhóm này cũng đã có mức giảm giá khá lớn. Chẳng hạn VIB giảm hơn 30% từ mức đỉnh đạt được vào đầu tháng 6/2021 và hiện đang giao dịch ở vùng giá thấp nhất trong 5 tháng qua.
Cổ phiếu CTG và BID đã sụt giảm hơn 20% so với mức đỉnh tháng 7, giá cổ phiếu VCB và TCB cũng lùi hơn 15%. Cùng với đó, khối lượng giao dịch cũng sụt giảm đáng kể chứng tỏ dòng tiền đang khá thận trọng cho nhóm “cổ phiếu vua”.
Diễn biến giá cổ phiếu một số ngân hàng biến động mạnh từ đầu năm đến nay.
Kết phiên 27/08, VN-Index dừng ở mức 1,313.2 điểm, ghi nhận mức giảm 7.3% so với mức đỉnh kỷ lục đạt được vào ngày 02/07. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường khi có đến 6 cổ phiếu (trong top 10) ngân hàng góp phần kìm hãm VN-Index. Ảnh hưởng tiêu cực nhất chính là bộ đôi VCB và CTG, góp 2% vào đà giảm của chỉ số.
Cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn?
Đi tìm nguyên nhân cho đà giảm sâu của nhóm cổ phiếu ngân hàng, TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết có 3 yếu tố chính.
Thứ nhất, “khi thị trường lên, ngành nào lên cao quá thì khi thị trường quay đầu phải xuống nhanh hơn những nhóm ngành khác”.
Thứ hai, cổ phiếu nào có P/E tăng nhiều quá thì khi giảm sẽ giảm mạnh. Cụ thể, cổ phiếu ngân hàng so với quy mô vốn, EPS… thì đang có độ chênh lệch giữa P/B và giá thị trường cao nên khi thị trường giảm thì có nhiều dư địa giảm.
Thứ ba, sau khi các nhà đầu tư lớn đã “kiếm lời” từ cổ phiếu ngân hàng đủ rồi thì họ sẽ tìm qua dòng cổ phiếu khác. Thế nhưng, dòng cổ phiếu thay thế phải đủ lớn như ngân hàng và phải có câu chuyện. Thời gian qua, câu chuyện ngành ngân hàng không còn đủ lớn để nhà đầu tư lớn có thể đẩy giá nữa.
Trong tình hình dịch bệnh hiện tại, thông tin về các ngân hàng phải chia sẻ với khách hàng gặp khó khăn ngày càng nhiều. Thêm nữa, rủi ro nợ xấu của ngân hàng đang tăng mạnh dù trên sổ sách các ngân hàng đang thể hiện lợi nhuận cao, nhưng tiềm ẩn khả năng giảm lợi nhuận rất nhiều trong việc hạch toán chính thức.
Ba yếu tố này làm cho câu chuyện ngành ngân hàng không còn hấp dẫn nữa, nên các nhà đầu tư lớn phải chuyển qua dòng cổ phiếu khác, làm giá cổ phiếu ngành ngân hàng giảm mạnh hơn các nhóm ngành khác.
Đồng quan điểm, ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm Phân tích Thị trường CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSI) cũng cho rằng cổ phiếu ngân hàng đã tăng khá mạnh trong khoảng thời gian đầu năm rồi. Thứ hai là triển vọng của ngành ngân hàng trong vài tháng nữa được dự báo không tốt như ngành khác.
Thêm nữa, khi ngân hàng phát hành cổ phiếu để tăng vốn hoặc chuẩn bị niêm yết, khiến mức độ pha loãng thị trường lớn hơn, cổ phiếu ngân hàng tăng sẽ tạo áp lực bán trong nhà đầu tư.
“Cốt lõi vẫn là triển vọng ngân hàng từ nay đến cuối năm không tốt. Chỉ khi giá cổ phiếu ngành này về được vùng giá mà nhà đầu tư thấy là nó không còn đắt nữa, và triển vọng không quá tiêu cực, tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì lúc đó họ mới thay đổi mục tiêu”, ông Khoa dự báo thêm.
Trong Báo cáo chiến lược tháng 08/2021 của VDSC, nhóm chuyên gia cũng cho rằng đà tăng mạnh của cổ phiếu ngân hàng như 6 tháng đầu năm 2021 sẽ khó lặp lại do nền cao của cùng kỳ năm ngoái và dự kiến tăng trưởng của nhóm này sẽ chậm lại trong quý 3/2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận