menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trung Nguyên

Vì sao gạo Việt phải ‘thay tên đổi họ’ khi xuất ra nước ngoài?

Nhắc đến gạo, người tiêu dùng nghĩ ngay đến Thái Lan. Trong khi gạo Việt, xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới, nhưng ra nước ngoài phải mang thương hiệu khác, khó thấy trên kệ hàng.

Chiều 24/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tọa đàm “Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam”.

Theo Bộ NN&PTNT, nông sản Việt hiện có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới về sản lượng, nhưng giá bán chưa tương xứng. Chẳng hạn, xuất khẩu gạo và cà phê của Việt Nam thứ 2 thế giới, nhưng về giá chỉ đứng thứ 10. Còn xuất khẩu tiêu và điều số 1 thế giới, nhưng giá chỉ xếp thứ 8 và thứ 6.

Bộ NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân do việc xây dựng thương hiệu của nông sản Việt Nam còn yếu, các sản phẩm chưa tiếp cận sâu vào thị trường mà chủ yếu chỉ dùng là nguyên liệu cho thương hiệu nước ngoài.

“Xuất khẩu điều của Việt Nam đứng số 1 thế giới nhưng ra nước ngoài, các đối tác phải lấy thương hiệu của siêu thị Walmart. Còn gạo Việt sang thị trường châu Âu cũng phải thay tên đổi họ và giá bán thấp so với các sản phẩm tương tự. Dễ thấy nhất, gạo Hom Mali – loại gạo ngon nhất Thái Lan có giá 230.000 đồng/5kg, trong khi gạo ST25 của Việt Nam có giá chỉ 140.000 đồng”, đại diện Bộ NN&PTNT nói.

Vì sao gạo Việt phải ‘thay tên đổi họ’ khi xuất ra nước ngoài? ảnh 1

Các chuyên gia, đại biểu chia sẻ tại tọa đàm

Tại tọa đàm, các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá, việc chưa xây dựng được thương hiệu đang khiến nông sản Việt lép vế so với nông sản nhiều nước trên thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu hiện mới chỉ xuất hiện chủ yếu ở các cửa hàng dành riêng cho người Việt, còn chưa thể tiếp cận trực tiếp đến tay người tiêu dùng nước ngoài.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex Group - dẫn chứng, gạo ST ra đời đã trên 10 năm nhưng người tiêu dùng trong nước không biết. Chỉ trong 3 năm gần đây, khi gạo ST 25 được đánh giá ngon nhất thế giới, người tiêu dùng mới bắt đầu tìm mua.

Theo ông Nam, chúng ta có rất nhiều sản phẩm chất lượng tốt, nhưng chưa biết cách làm thương hiệu nên hình ảnh còn mờ nhạt. Do đó, Việt Nam cần khẩn trương lựa chọn những sản phẩm chủ lực để đầu tư xây dựng thương hiệu, giúp nông sản Việt thêm “sức mạnh mềm” khi ra thị trường thế giới.

Bà Trần Kim Liên - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) - cho rằng, chung quy lại thương hiệu nông sản phải bắt đầu từ khâu sản xuất, quy trình canh tác. Làm sao đảm bảo chất lượng đồng đều, đáp ứng được các tiêu chuẩn của các thị trường, “ít nhưng chất lượng phải thống nhất, đồng bộ”.

“Gạo Hom Mali chỉ chiếm 10% trong tổng lượng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan, nhưng kim ngạch đã đạt 1 tỷ USD. Trên thế giới, người tiêu dùng nhắc đến gạo là nghĩ ngay đến Thái Lan. Còn gạo Việt rất lạ lẫm”, bà Liên nói.

Vì sao gạo Việt phải ‘thay tên đổi họ’ khi xuất ra nước ngoài? ảnh 2

Nhiều loại gạo Việt ra nước ngoài vẫn dạng thô, chưa xây dựng được thương hiệu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong mỗi chuyến công tác ở nước ngoài, ông đều tìm trên siêu thị những sản phẩm nông sản Việt Nam. Thế nhưng, ông tìm mãi mới thấy gạo Việt trên kệ hàng, còn lại chủ yếu của gạo Thái Lan, Ấn Độ.

Theo ông Hoan, thương hiệu là "cái hiệu" người ta thương. Với mỗi doanh nghiệp, thương hiệu xuất phát từ văn hóa, chiến lược kinh doanh. Điều đáng nói, cứ sau mỗi lần tổ chức lễ hội, hay xúc tiến thương mại, giá sản phẩm đó lại tụt xuống. Nguyên nhân do doanh nghiệp Việt giảm giá, cạnh tranh lẫn nhau để giành khách hàng.

"Để xây dựng thương hiệu nông sản, nông dân phải vượt qua tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ và chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Thay vì buôn chuyến, các doanh nghiệp cần phải có chiến lược dài hạn. Nếu không, mọi kế hoạch xây dựng thương hiệu đều đổ vỡ chỉ sau thời gian ngắn", Bộ trưởng Hoan chia sẻ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại