Vì sao dòng vốn FDI vào Việt Nam chậm lại trong năm 2024 và nhóm ngành nào hưởng lợi khi ông Donald Trump làm Tổng thống?
Dòng vốn FDI vào Việt Nam chậm lại trong năm 2024 nhưng sẽ tiếp tục tăng trưởng, ngay cả khi các luật thuế mới của Mỹ được áp dụng.
Theo Chứng khoán SSI, hậu bầu cử tại Mỹ, nhiều người đã dành sự quan tâm về những tác động của sự kiện này đến thương mại toàn cầu, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư các dự án, và dòng vốn FDI. Điều này cũng xuất hiện tại Việt Nam khi nước ta là một trong những trung tâm sản xuất trên toàn cầu.
Nhìn lại dòng vốn FDI dưới thời Tổng thống Donald Trump
Trong nhiệm kỳ trước vào năm 2018, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã áp dụng mức thuế quan trị giá 50 tỷ USD đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ.
Chính sách thương mại này đã tạo ra sự chuyển dịch các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, giúp Việt Nam nổi lên như một điểm đến trong khu vực cho các doanh nghiệp FDI, bao gồm Luxshare, Goertek, Pegatron và Compal Electronics.
Ngoài ra, một số tập đoàn như Samsung, LG, Hyundai, Lotte, Intel, Lego, Hyosung và Foxconn—đã chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam kể từ năm 2018, nhằm đa dạng hóa cơ sở sản xuất và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã duy trì tăng trưởng kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ vào năm 2018, nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất.
SSI Research nhận thấy có những làn sóng FDI mới đến từ các quốc gia như Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc... nhờ Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh như chính sách đầu tư thuận lợi, chi phí lao động thấp, nền kinh tế ổn định.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2019 đến 2023, hoạt động cho thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng tích cực với diện tích MOUs và ký mới đạt mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 35%.
Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Hyundai, Lotte, Luxshare, Lego, Hyosung và Foxconn, nhằm đa dạng hóa sản xuất và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá thuê trung bình cũng tăng đáng kể, với các khu công nghiệp ở miền Bắc tăng 35%, trong khi các khu công nghiệp ở miền Nam tăng đáng kể 67% từ năm 2020 đến quý 2 năm 2024.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam chậm lại trong năm 2024
Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào Việt Nam chậm lại trong năm 2024. Tổng FDI đăng ký đạt 27,26 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, tăng 1,9% so với cùng kỳ.
SSI Research nhận thấy diện tích MOUs và ký mới của các khu công nghiệp niêm yết đã giảm từ 30% đến 65% so với cùng kỳ trong vòng 9 tháng năm 2024. Nhiều nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này.
Đầu tiên là biến động ty giá hối đoái: Sự biến động của tỷ giá hối đoái có thể ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, dẫn đến các doanh nghiệp FDI do dự trong việc đầu tư mới.
Thứ hai là thiếu những cải cách về chính sách FDI để thu hút vốn nước ngoài vào các ngành mục tiêu.
Hiện nay, Việt Nam đang phải cạnh tranh thu hút FDI với các nước láng giềng như Indonesia (đã ban hành Luật Omnibus) hay Thái Lan (quỹ nâng cao năng lực cạnh tranh và áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10%).
Thứ ba là cơ sở hạ tầng tại khu vực miền Nam còn hạn chế: Tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng còn chậm, dẫn đến chi phí logistics cao hơn có thể khiến cho đầu tư ít hấp dẫn hơn.
Thứ 4 là diện tích đất sẵn sàng cho thuê có tại các vùng công nghiệp còn lại khá ít khiến cho các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc chọn địa điểm đầu tư. Theo CBRE, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 81% ở miền Bắc và 92% ở miền Nam vào cuối tháng 6/2024.
FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng, BĐS Khu công nghiệp là nhóm ngành hưởng lợi
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đang có những hành động nhằm giải quyết các nút thắt để thu hút dòng vốn FDI bao gồm nghiên cứu và thiết lập các cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu.
Ngoài ra các cấp có thẩm quyền còn đề xuất trong Luật công nghiệp Công nghệ số với các ưu đãi khi đầu tư vào doanh nghiệp
sản xuất bán dẫn; sửa đổi một số điều khoản trong Luật đầu tư hiện hành để Ủy ban Nhân dân tỉnh có thể cấp chứng nhận đầu tư vào khu công nghiệp mới; và nâng cao cơ sở hạ tầng để kết nối các trung tâm công nghiệp, như đường cao tốc Bắc-Nam, đường sắt nối Trung Quốc và Việt Nam.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2024, ông Trump đã nhấn mạnh các biện pháp thương mại để bảo vệ nền kinh tế Mỹ, bao gồm mức thuế quan 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này nhằm giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất nội địa, và mức thuế quan thông thường từ 10% - 20% đối với các quốc gia khác để bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ khỏi sự cạnh tranh nước ngoài.
Những tuyên bố trong chiến dịch này cho thấy một sự chuyển hướng sang các chính sách bảo hộ nhiều hơn, khiến cho những chính sách đối với sản phẩm nhập khẩu còn chưa rõ ràng. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp FDI có thể sẽ chờ các thông tin cụ thể hơn về những chính sách thuế quan mới của Trump, bao gồm những luật thuế ảnh hưởng đến nhập khẩu từ Việt Nam.
Do đó, SSI Research cho rằng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng, ngay cả khi các luật thuế mới của Mỹ được áp dụng.
Việc triển khai các bảng giá đất mới tại nhiều địa phương từ cuối năm 2024 đã dẫn đến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp mới tăng đáng kể. CTCK này cho rằng chi phí gia tăng sẽ làm biên lợi nhuận của dự án KCN mới giảm xuống mức 30-35%, so với hơn 50% ở các dự án KCN hiện hữu.
Do đó, SSI Research cho rằng các công ty có diện tích sẵn sàng cho thuê lớn như SIP, IDC, VGC, SZC, KBC, NTC sẽ tiếp tục được hưởng lợi lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận