Vì sao đề xuất chọn ACV làm chủ đầu tư sân bay Long Thành?
ACV là đơn vị có tiềm lực kinh tế, đặc biệt là kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng mới cảng hàng không như Phú Quốc và các dự án đầu tư mở rộng, cải tạo các sân bay lớn Tân Sơn Nhất, Nội Bài...
Cục Hàng không Viêt Nam vừa công bố dự thảo hồ sơ quy hoạch xây dựng chi tiết khu chức năng Cảng hàng không quốc tế Long Thành do liên danh Nhật Bản - Pháp - Việt Nam (liên danh tư vấn JFV) nghiên cứu. Tại đề xuất này, đáng chú ý là liên danh tư vấn JFV đã đề xuất Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư sân bay quốc tế Long Thành.
Lý do của việc lựa chọn ACV vì đây là đơn vị có tiềm lực kinh tế, đặc biệt là kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng mới cảng hàng không như Phú Quốc và các dự án đầu tư mở rộng, cải tạo các sân bay lớn Tân Sơn Nhất, Nội Bài...
Về chi tiết quy hoạch xây dựng khu chức năng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành theo dự thảo giai đoạn 1, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ xây dựng một đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000 m và chiều rộng 45 m, một nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ đồng bộ với công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm, diện tích khoảng 373.000 m2. Theo đánh giá của liên danh tư vấn JFV, điểm nhấn chính của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là công trình nhà ga hành khách với tạo hình hoa sen cách điệu (đặc trưng cho văn hóa Việt Nam) làm ý tưởng chính, sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế. Đặc biệt, nhà ga sẽ được thiết kế với mái lấy ánh sáng trung tâm cùng khu cảnh quan thông tầng ở trung tâm nhà ga. Nơi đây có bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn, kết hợp với ánh sáng tán xạ khu vực bên trên ô lấy sáng chiếu xuống sẽ làm cho hành khách cảm thấy thoải mái, như hòa vào thiên nhiên tại khu vực này. Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung gồm nhà ga trung tâm và ba cánh với hai cao trình đi và đến tách biệt, gồm bốn tầng với chiều cao đỉnh mái khoảng 45 m. Về nhà ga hàng hóa, được xây dựng trên diện tích khoảng 150.000 m2, có quy mô và công suất đều đạt 550.000 tấn hàng hóa/năm. Nhà ga hàng hóa được bố trí tiếp giáp với sân đỗ máy bay, phía trước nhà ga hàng hóa là sân bãi xử lý hàng hóa và bưu kiện. Hình thức kiến trúc nhà ga hiện đại phù hợp với tính chất công trình. Ngoài ra, trong quy hoạch nghiên cứu bố trí một nhà ga chuyển phát nhanh để đáp ứng công suất 100.000 tấn hàng hóa/năm. Sân đỗ ô tô bố trí trước nhà ga hàng hóa tiếp giáp với đường vào ga hàng hóa thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa xuất và nhập qua cảng.
Bảng chi phí đầu tư giai đoạn 1 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Về mô hình đầu tư, liên danh tư vấn JFV cho rằng, qua nghiên cứu một số nước trên thế giới (Thái Lái, Malaysia, Hàn Quốc...) cần tuân thủ hai nguyên tắc. Thứ nhất, một cảng hàng không - một nhà đầu tư - khai thác (trong một cảng hàng không, chỉ có một nhà đầu tư - khai thác thực hiện đầu tư - khai thác đồng bộ tất cả các hạng mục thiết yếu như khu bay, ga hành khách, ga hàng hóa...). Thứ hai, vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc đầu tư - khai thác các cảng hàng không quốc tế cần được phát huy, thông qua việc Nhà nước đầu tư - khai thác các cảng hàng không quốc tế trực tiếp bằng vốn nhà nước, vốn các doanh nghiệp nhà nước hoặc gián tiếp qua vốn của doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối. “Nguyên tắc này đã được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) khuyến cáo trong Nghị quyết Đại hội thường niên IATA lần thứ 74 diễn ra ngày 5/6/2018 tại Sidney (Australia)…”, dự thảo hồ sơ quy hoạch nêu rõ. Liên danh tư vấn JFV đưa ra hai hình thức đầu tư. Thứ nhất là giao một trong các nhà đầu tư - khai thác cảng hiện hữu thực hiện đầu tư - khai thác dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Hình thức hai, lựa chọn một nhà đầu tư - khai thác cảng mới thực hiện đầu tư - khai thác dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 thông qua các thủ tục đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch. Đối chiếu theo các tiêu chí này, liên danh tư vấn JFV kiến nghị lựa chọn ACV là nhà đầu tư - khai thác cảng hiện hữu được giao thực hiện đầu tư - khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo ước tính của tư vấn, sân bay Long Thành giai đoạn 1 hình thành sẽ góp phần gia tăng GDP Việt Nam, tạo ra 200.000 việc làm. Các con số này có thể lớn hơn nếu xét tới tác động lan tỏa của dự án tới tổng thể kinh tế - xã hội… Ngoài các công trình chính là nhà ga hành khách, đường lăn, sân đỗ..., giai đoạn 1, Cảng hàng không quốc tế Long Thành còn xây dựng đài kiểm soát không lưu có chiều cao khoảng 123 m, đảm bảo công tác điều hành, quản lý bay. Xây dựng các nhà ga hàng hóa cùng các công trình tiện ích hàng hóa đáp ứng công suất khai thác khoảng 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Xây dựng trạm điện đáp ứng công suất tiêu thụ điện khoảng 50 MVA. Bên cạnh đó, xây dựng trạm phân phối nước, hệ thống bể ngầm và đường ống đáp ứng công suất sử dụng nước khoảng 13.000 m3/ngày đêm. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải đáp ứng công suất 5.700 m3/ngày đêm… Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ kết nối với các đường: Quốc lộ 51, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết. Bên cạnh đó, có tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được quy hoạch trên đường trục chính của sân bay. Tiếp đến, tuyến đường sắt nhẹ vận chuyển hành khách từ ga Thủ Thiêm (Tp. Hồ Chí Minh) đến sân bay Long Thành…/.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận