Vì sao Công ty Xuyên Việt Oil không đủ điều kiện vẫn được cấp phép xuất nhập khẩu xăng dầu?
Trong khoảng thời gian từ năm 2016 – 2022, Công ty Xuyên Việt Oil 2 lần được cấp giấy phép là đầu mối kinh doanh xăng dầu, dù công ty này chưa đủ điều kiện để được cấp phép.
Ngày 20/11, TAND TP.HCM đưa vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt là Xuyên Việt Oil) ra xét xử sơ thẩm.
"Bà trùm" của Xuyên Việt Oil tại tòa.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, được xác định vai trò cầm đầu, đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và đưa hối lộ.
Vụ án sai phạm gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng xảy ra tại Xuyên Việt Oil xuất phát từ việc công ty này được cấp giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu mặc dù không đủ điều kiện.
Để được cấp giấy phép, Mai Thị Hồng Hạnh đã "đi đêm" với một Phó Vụ trưởng thuộc Bộ Công Thương. Từ cái "bắt tay" này, Công ty Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu số 09/GPXD-BCT, có giá trị đến hết ngày 22/8/2021.
Cụ thể, từ ngày 22/9/2010 đến tháng 9/2022, bị cáo Nguyễn Lộc An là Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (TTTN) Bộ Công Thương, có quyền kiểm tra thực tế, đề xuất cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và trực tiếp phụ trách, chỉ đạo Phòng Điều tiết cung cầu.
Đầu năm 2016, Công ty Xuyên Việt Oil xin giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu nhưng hồ sơ không đủ điều kiện. Để được cấp phép, Mai Thị Hồng Hạnh đã đưa hối lộ cho Nguyễn Lộc An, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ TTTN Bộ Công Thương 4 lần, với tổng số tiền là hơn 921 triệu đồng (gồm 400 triệu tiền mặt và một đồng hồ hiệu Patek Philippe, An khai đã bán với giá 23.000 USD - tương đương hơn 521 triệu đồng).
Lần thứ nhất là vào khoảng tháng 3/2016, qua giới thiệu của ông Trịnh Bá Bộ, Mai Thị Hồng Hạnh gặp Nguyễn Lộc An (lúc này là Phó Vụ trưởng Vụ TTTN, phụ trách mảng cấp Giấy phép) tại một khách sạn ở quận 3, Tp.HCM.
Tại cuộc gặp này, Hạnh đề nghị An giúp đỡ cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Xuyên Việt Oil, trong khi Công ty còn thiếu một số điều kiện để được cấp phép (chưa đủ điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu).
Nguyễn Lộc An đồng ý và thông tin cho Hạnh biết chi phí phải chi theo mặt bằng chung là từ 5 đến 7 tỷ đồng; đồng thời, An yêu cầu Hạnh phải hợp thức hoá các điều kiện cấp phép còn thiếu và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép vào bộ phận một cửa của Bộ Công Thương để An xử lý. Lần này, Nguyễn Lộc An khai đã nhận 50 triệu đồng của Hạnh.
Lần thứ hai là vào khoảng tháng 5/2016, tại Nhà khách Bộ Công Thương phía Nam, bị cáo Nguyễn Lộc An gặp và nhận 100 triệu đồng của Mai Thị Hồng Hạnh. Đến ngày 24/6/2016, Mai Thị Hồng đã ký Đơn đề nghị gửi Bộ Công Thương về việc xin cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil, kèm theo các tài liệu chứng minh về điều kiện cấp phép theo Điều 7 Nghị định số 83
Lần thứ ba vào ngày 18/8/2016, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương do Nguyễn Lộc An làm Trưởng đoàn đến làm việc tại trụ sở Công ty Xuyên Việt Oil để kiểm tra thực tế điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh xăng dầu.
Mặc dù không kiểm tra đầy đủ các đại lý bán lẻ, cầu cảng, kho tiếp nhận xăng dầu mà Công ty Xuyên Việt Oil kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp phép, nhưng Nguyễn Lộc An vẫn ký biên bản xác nhận đã kiểm tra thực tế cầu cảng, kho tiếp nhận xăng dầu, cửa hàng, đại lý… và kết luận: Cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận xăng dầu, các phương tiện vận tải chuyên dụng, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và các đại lý bán lẻ xăng dầu đã kiểm tra đúng với hồ sơ đăng ký.
Qua kiểm tra hồ sơ gốc và kiểm tra thực tế điều kiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của Công ty Xuyên Việt Oil, Đoàn kiểm tra nhận thấy công ty đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định 83 và Điều 1, Điều 2 Nghị định 08 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu".
Tại lần đi kiểm tra này, Nguyễn Lộc An khai đã nhận tiền của Mai Thị Hồng Hạnh 2 lần, tổng số 250 triệu đồng.
Ngày 19/8/2016, Nguyễn Lộc An ký Công văn số 806/TTTN-ĐTCC (kèm theo Phiếu trình giải quyết công việc đề ngày 18/8/2016 và Biên bản kiểm tra đề ngày 18/8/2016) gửi ông Đỗ Thắng Hải (Thứ trưởng Bộ Công Thương) báo cáo kết quả kiểm tra thực tế điều kiện cấp phép, trong đó, đề xuất ký ban hành Giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Ngày 22/8/2016, trên cơ sở đề xuất của Nguyễn Lộc An, Đỗ Thắng Hải ký ban hành Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu số 09/GPXD-BCT cho Công ty Xuyên Việt Oil, có giá trị đến hết ngày 22/8/2021.
Lần thứ tư, sau khi Công ty Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh hứa sẽ tặng 1 chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe cho Nguyễn Lộc An. Vào dịp sinh nhật của Nguyễn Lộc An hồi cuối tháng 7/2017, Hạnh đã đưa cho An chiếc đồng hồ Patek Philipe này, An khai đã bán chiếc đồng hồ trên với giá 23.000 USD (tương đương hơn 521 triệu đồng).
Theo cơ quan tố tụng, các bị cáo Hạnh, An nhận thức việc làm của mình là vi phạm pháp luật, thành khẩn khai báo. Bị cáo Nguyễn Lộc An có đơn xin khắc phục hậu quả, đại diện gia đình đã nộp 100 triệu đồng khắc phục hậu quả.
Bị cáo Nguyễn Lộc An sinh năm 1965 tại Hà Nội. Năm 2002, bị cáo Nguyễn Lộc An bị TAND tỉnh Lạng Sơn tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội Trốn thuế, theo Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên sau đó cấp phúc thẩm đã tuyên phạt An 3 năm tù giam (đã được xóa án tích).
Trong vụ án Xuyên Việt Oil, bị cáo An bị bắt tạm giam để điều tra, truy tố về tội Nhận hối lộ. Trước khi bị bắt, bị cáo này là Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường