menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Vũ Tường

Vì sao chứng khoán vẫn tăng dù kinh tế suy thoái?

Thị trường chứng khoán là phong vũ biểu về sức khỏe của nền kinh tế, nhưng phản ánh đó đúng hay sai thì chỉ có thể khẳng định sau khi những số liệu kinh tế thực được công bố.

Các chỉ số chứng khoán vẫn trong xu thế tăng

Thông thường, các nhà kinh tế học định nghĩa, một nền kinh tế rơi vào suy thoái nếu có hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng âm trong quý I (tăng trưởng GDP giảm 5%). Tuy nhiên, không cần chờ kết quả GDP quý II, Cục Nghiên cứu kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) vào đầu tháng này đã công bố kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, kết thúc chuỗi tăng trưởng dài và ấn tượng gần đây. Song điểm đáng quan tâm ở đây là trong lúc kinh tế rơi vào suy thoái thì trên thị trường chứng khoán, một “cuộc biểu tình” lại đang diễn ra với xu hướng tiếp tục đi lên. Để giải thích điều này, có lẽ cần nhìn nhận và hiểu mối quan hệ có tính lịch sử giữa chu kỳ giá cổ phiếu và chu kỳ kinh doanh.

Để hiểu lý do tại sao nền kinh tế xuống dốc mà chứng khoán vẫn giữ xu hướng đi lên, có lẽ điều quan trọng là cần kiểm tra các chỉ số tương lai hàng đầu - thay vì chỉ nhìn các chỉ số như tăng trưởng GDP hay tỷ lệ thất nghiệp. Các chỉ số hàng đầu như vậy bao gồm cả những chỉ số không liên quan đến thị trường, như giấy phép xây dựng và lượng đơn yêu cầu bảo hiểm thất nghiệp.

Trong nhiều thập kỷ qua, Viện nghiên cứu chu kỳ kinh tế (ECRI) đã theo dõi các chỉ số hàng đầu một cách kịp thời và đáng tin cậy, trong đó bao gồm Chỉ số hàng tuần (WLI), được công bố vào sáng thứ Sáu mỗi tuần. WLI là một phần của chuỗi các chỉ số hàng đầu theo dõi theo thời gian thực, được thiết kế để xác định các bước ngoặt khách quan trọng một chu kỳ kinh doanh. Những chỉ số này (bao gồm chỉ số thị trường, các khảo sát và những dữ liệu của nền kinh tế thực liên quan đến định hướng tương lai của chu kỳ kinh doanh) hiện đang báo hiệu về sự bắt đầu của phục hồi kinh tế.

Trong tất cả các cuộc suy thoái kể từ Thế chiến II, chỉ số S&P 500 đều xuất hiện xu hướng tăng vài tháng trước khi người ta thấy chu kỳ kinh doanh hồi phục. Thống kê diễn biến lịch sử này cùng với sự gia tăng tuần tự trong các chỉ số hàng đầu hiện nay cho thấy sự hợp lý khi S&P 500 bắt đầu xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 3 vừa qua.

Nhà đầu tư huyền thoại Jeremy Grantham gần đây đưa ra quan điểm rằng, việc thị trường chứng khoán tăng hiện nay là “không có tiền lệ”, trong bối cảnh các khó khăn kinh tế hiện nay là không thể phủ nhận. Đây có lẽ cũng là suy nghĩ của nhiều người, bởi chẳng có lý do gì khi các số liệu kinh tế đều xấu đi mà thị trường vẫn cứ tăng. Tuy nhiên, diễn biến thực tế rất nhiều khi lại đi ngược với tư duy logic đó. Trong các cuộc suy thoái trước đây, giá cổ phiếu thường tăng lên mặc cho các dữ liệu kinh tế cùng thời điểm đang ảm đạm. Có thể giải thích điều này là vì thị trường khi đó bắt đầu cá cược (và thường là chính xác) rằng, triển vọng kinh tế trong tương lai đang trở nên ít “tệ” hơn.

Lần này, liệu thị trường có nhầm?

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là một ví dụ. Khi giá cổ phiếu bắt đầu tăng vào tháng 3/2009 thì nền kinh tế vẫn đang ngập trong khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 4,4% hai năm trước lên 8,7% vào thời điểm đó, và còn tiếp tục tăng trong nhiều tháng cho đến khi đứng ở mức 10% vào cuối năm. Trong khi trên thị trường đã xuất “ánh sáng ở cuối đường hầm” thì cuộc suy thoái này vẫn diễn biến xấu hơn thêm 3 tháng nữa trước khi hồi phục. Điều ấy có nghĩa là, giữa lúc nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng tồi tệ và tiếp tục xấu đi thì chứng khoán vẫn có thể bắt đầu xu hướng phục hồi nếu thị trường “đặt cược” vào triển vọng kinh tế sẽ sáng sủa hơn. Tất nhiên, quá trình hồi phục của thị trường không thể không nhắc đến vai trò hỗ trợ của Fed khi đã liên tục giảm lãi suất và đưa ra các chương trình mua vào tài sản có giá.

Còn với cuộc suy thoái hiện nay thì sao? Khi thị trường chứng khoán chạm đáy vào cuối tháng 3 vừa qua, Fed đã mang đến những khẩu Bazookas khi thông báo mua trái phiếu không giới hạn, đưa ra các công cụ tín dụng mới, triển khai chương trình cho vay Main Street, và giảm lãi suất xuống mức rất thấp... Tất cả nhằm hướng đến tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính. Trong bối cảnh nước Mỹ thời điểm đó đang ở tâm chấn của đại dịch Covid-19, việc số ca lây nhiễm và tử vong bắt đầu có xu hướng chậm lại và hàng loạt các thông tin hỗ trợ như vậy được đưa ra khiến thị trường nhanh chóng nhận thấy “ánh sáng cuối đường hầm” đã xuất hiện.

Tất nhiên xu hướng tăng của thị trường chỉ là phản ánh kỳ vọng, còn thực tế kinh tế Mỹ có thể phục hồi như thế nào vào mùa hè và sau đó là mùa thu này như thế nào thì chỉ thực tế mới là câu trả lời. Tuy nhiên sơ bộ có thể hình dung sự phục hồi đó sẽ đi theo những quỹ đạo rất khác nhau. Nếu sự phục hồi tiếp tục diễn ra, thì một kịch bản giống giai đoạn 2009 – 2010 có thể xảy ra, đó là giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng bất chấp sự hoài nghi và lo ngại vẫn lan rộng về triển vọng kinh tế.

Thế nhưng cũng có một khả năng khác là có thể lặp lại kịch bản 2001-2003. Giá cổ phiếu đã lao dốc mạnh trong tuần đầu sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001, nhưng nhanh chóng chạm đáy và tăng trở lại tới hơn 20% chỉ 3,5 tháng sau đó. Suy thoái cũng đã kết thúc nhanh chóng vào tháng 11/2001. Nhưng lo ngại về một sự chậm lại mới trong tăng trưởng kinh tế đã khiến chứng khoán giảm trở lại trong tháng 1/2002 và đến tháng 10 năm đó thì các chỉ số thậm chí đã thấp hơn cả mức của tháng 9/2001.

Một số nhà phân tích cho rằng, một phiên bản tương tự của kịch bản 2001-2003 là khả năng lớn có thể xảy ra đối với kinh tế Mỹ hiện nay. Nếu các cuộc biểu tình như thời gian vừa qua tiếp tục lây lan, hay làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến các hoạt động kinh tế đang dần bình thường một lần nữa phải dừng lại thì nguy cơ thị trường đảo chiều có thể xảy ra. Cho đến nay, thị trường vẫn trong xu hướng đi lên nhưng cũng có thể thay đổi nhanh chóng theo hướng ngược lại. Những mô hình của quá khứ vì vậy cũng có thể lặp lại, cũng có thể không.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại