menu
Vì sao các doanh nghiệp FDI vẫn ngại lên sàn chứng khoán Việt Nam?
Trần Phong
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vì sao các doanh nghiệp FDI vẫn ngại lên sàn chứng khoán Việt Nam?

Đã nhiều năm trôi qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đón thêm một tân binh nào là doanh nghiệp FDI. Mặc dù cũng có le lói vài cái tên "đánh tiếng" nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”

Sau gần 20 năm cho phép doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) niêm yết trên sàn chứng khoán, số lượng doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn chưa nhiều và kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này không cao.

Hiện nhu cầu lên sàn của các doanh nghiệp FDI vẫn còn bởi mong muốn tăng vốn để tái đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Dẫu vậy, nhiều năm qua, họ vẫn chưa nhận được cái “gật đầu” từ các cơ quan quản lý.

DOANH NGHIỆP FDI “LÉP VẾ” TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN

Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực, nhiều dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử... đã được đầu tư mới và mở rộng vốn trong thời gian vừa qua. Nhiều báo cáo và các trang thông tin quốc tế nhận định, Việt Nam là “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, trái với không khí sôi động ở thị trường chung, dường như thị trường chứng khoán đang “thèm khát” cổ phiếu đến từ các doanh nghiệp FDI sau gần một thập kỷ không có đơn vị nào IPO.

Nhìn lại quá khứ, chứng trường Việt Nam đã từng “hồ hởi” đón một làn sóng các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp lên sàn trong giai đoạn 2003-2028. Đây là khoảng thời gian sau khi Nghị định 38/2003/NĐ-CP được ban hành cho phép một số doanh nghiệp FDI niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán sau khi chuyển đổi hình thức hoạt động từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần.

Theo đó, đã có 10 doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện niêm yết trên các Sở giao dịch chứng khoán ở Việt Nam, như: Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (mã chứng khoán: TYA), Công ty Cổ phần Everpia (mã chứng khoán: EVE), Công ty Cổ phần Mirae (mã chứng khoán: KMR), Công ty Cổ phần Công nghiệp gốm sứ Taicera (mã chứng khoán: TCR), Công ty Cổ phần Tập đoàn Nagakawa (mã chứng khoán: NAG), Công ty Cổ phần Tung Kuang (mã chứng khoán: TKU), Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã chứng khoán: SBT), Công ty Cổ phần Gạch Men Chang Yih (mã chứng khoán: CYC), Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia (mã chứng khoán: RIC), Công ty Cổ phần Full Power (mã chứng khoán: FPC).

Khi “làn sóng” này được bùng nổ, giới đầu tư kỳ vọng, đây là cơ hội giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên đa dạng, với nhiều sản phẩm. Từ đó, nhà đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn, thu hút thêm nhiều khách hàng mới là cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia.

Song, cái gì dễ đến thì cũng dễ đi, làn sóng này không kéo dài được lâu. Mãi đến năm 2017 mới có thêm một doanh nghiệp FDI niêm yết là Công ty Cổ phần Siam Brothers Việt Nam (mã chứng khoán: SBV). Như vậy, ngoài 11 doanh nghiệp FDI đã niêm yết nêu trên, đến nay, thị trường không có thêm một cái tên mới nào xuất hiện.

Tình trạng này xuất phát từ nhiều lý do nhưng theo giới phân tích, mấu chốt vẫn nằm ở vấn đề thiếu vắng cơ chế pháp lý để thực hiện. Bởi lẽ, sau khi Nghị định 38/2003 hết hiệu lực, vấn đề doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn chứng khoán không còn được nhắc đến trong các quy định pháp luật tiếp nối.

Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp FDI không có nhu cầu. Ngược lại, một số doanh nghiệp FDI đã bày tỏ nhu cầu, kiến nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ mới nhận được công văn phúc đáp yêu cầu chờ đợi quy định hướng dẫn.

Điển hình là việc Công ty mẹ Charoen Pokphand Foods (CPF, thuộc CP Group) đã chấp thuận cho phép CP Việt Nam thực hiện các thủ tục để niêm yết tại HOSE.

“Trong trường hợp được cơ quan quản lý chấp thuận, CP Việt Nam sẽ niêm yết tại HOSE", CPF nêu trong thông báo. Tuy nhiên, kể từ khi thông báo hồi tháng 4/2022 đến nay vẫn chưa có thêm thông tin gì mới về hoạt động này.

Trước đó, vào tháng 6/2019, Công ty Cổ phần Công nghiệp Ngũ Kim Fortress Việt Nam đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiến nghị về việc hướng dẫn thủ tục niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sau đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Công văn phúc đáp số 6094/UBCK-GSĐC ban hành ngày 9/10/2019 với ba nội dung: pháp luật hiện hành không có quy định hạn chế việc niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu của doanh nghiệp FDI; Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật hiện thời chưa có hướng dẫn cụ thể; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với các cơ quan hữu quan để ban hành văn bản hướng dẫn trong thời gian sắp tới. Thế nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Tương tự, một số doanh nghiệp FDI lớn cũng “đánh tiếng” muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tại Việt Nam như Seoul Metal Việt Nam, Công ty AEON… Tuy nhiên, tất cả đều đang ở trong trạng thái chờ cơ chế.

Đã có những lãnh đạo công ty có vốn đầu tư từ Đài Loan hay Hàn Quốc đã bày tỏ “bức xúc” về việc các quy định về niêm yết chứng khoán đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam còn chưa rõ ràng và cụ thể.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Văn phòng Luật sư Hà Nội (Đoàn Luật sư Hà Nội), trước đây, các doanh nghiệp FDI khi chuyển sang hình thức công ty cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán thì thực hiện theo Nghị định 38/2003/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thí điểm việc chuyển đổi doanh nghiệp FDI sang công ty cổ phần và theo Quyết định 238/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay các văn bản trên đã hết hiệu lực, trong khi trong các văn bản pháp lý sau giai đoạn này không có quy định cụ thể về việc lên sàn của doanh nghiệp FDI. Do đó, cũng tạo nên một số rào cản khi doanh nghiệp FDI muốn niêm yết.

NỖI BĂN KHOĂN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ

Câu chuyện thúc đẩy doanh nghiệp FDI niêm yết sàn chứng khoán cũng đã được xới lại tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 vào ngày 28/2/2024. Trong các đề xuất tại tham luận của mình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu phải khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI có điều kiện theo quy định pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Vì sao các doanh nghiệp FDI vẫn ngại lên sàn chứng khoán Việt Nam?

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc

Đồng quan điểm, Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho rằng cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI để cải thiện sự đa dạng của thị trường chứng khoán.

Trong bối cảnh phấn đấu để phát triển và nâng hạng thị trường chứng khoán cũng như kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị vừa qua, việc tháo gỡ các rào cản và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có các doanh nghiệp FDI) tiếp cận thị trường là việc cần phải làm ngay và không thể trì hoãn.

Nói đi cũng phải nói lại, việc chậm trễ thiết lập một khuôn khổ toàn diện cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài niêm yết có lẽ còn nhiều nguyên nhân khác.

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp FDI niêm yết “đời đầu” đều thuộc nhóm doanh nghiệp cỡ nhỏ và vừa. Hoạt động kinh doanh sau nhiều năm vẫn không có sự lớn mạnh nhiều về vốn chủ sở hữu, trong khi một số cổ đông tổ chức lớn dần dần thoái vốn mạnh đã làm mất lòng tin cổ đông nhỏ lẻ .

Song song với đó, một số doanh nghiệp FDI đã xuất hiện một số tồn tại như hoạt động kinh doanh thua lỗ, giá cổ phiếu lao dốc, thậm chí có doanh nghiệp dính nghi vấn chuyển giá, tận dụng các ưu đãi về thuế để kéo dài lỗ lũy kế, gây những hệ lụy trong khâu quản lý. Điều này cũng tạo nên nỗi băn khoăn lớn và tư duy thận trọng của các nhà điều hành.

Lo ngại từ phía nhà điều hành là hoàn toàn có cơ sở, bởi nhìn vào những gì mà các doanh nghiệp FDI niêm yết trong giai đoạn trước có thể thấy việc thu hút vốn nước ngoài từ sàn chứng khoán là không hiệu quả.

Bên cạnh dấu hỏi về sự minh bạch, sự lo ngại về hiện tượng doanh nghiệp FDI lợi dụng thị trường chứng khoán để chiếm dụng vốn, hoặc thực hiện một chiến lược thoái lui, có nghĩa sau khi niêm yết, các cổ đông lớn sẽ bán hết phần vốn đầu tư và rút về nước.

Và chắc chắn những hành động này hướng tới một mục đích không tốt và gây thiệt hại cho nền kinh tế thì chắc chắn cơ quan quản lý không thể “gật đầu”. Trong khi đó, các giải pháp để kiểm soát các mối lo này chưa đủ chặt chẽ, nên không khó để hiểu được vì sao cơ quan quản lý chưa mặn mà đề xuất cơ chế cho phép các doanh nghiệp FDI đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng có một vài chuyên gia nhận định, không thể phủ nhận khía cạnh tích cực khi những doanh nghiệp FDI tham gia vào thị trường chứng khoán có thể làm đa dạng hóa các sản phẩm, có thêm nhiều sự lựa chọn cho nhà đầu tư, từ đó thu hút thêm nhiều khách hàng mới là cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia.

Thế nhưng, nhìn vào bức tranh toàn diện hiện nay, có vẻ như Việt Nam đang tập trung nguồn lực vào mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp hơn là thông qua thị trường tài chính. Do đó, việc niêm yết của các doanh nghiệp FDI có lẽ là chưa cần thiết lúc này.

CỔ PHIẾU FDI CHƯA ĐỦ “QUYẾN RŨ” VỚI NHÀ ĐẦU TƯ

Không những gập ghềnh trên con đường niêm yết, doanh nghiệp FDI còn đối mặt với sự “lạnh lùng” của nhà đầu tư, khi bản thân những cổ phiếu FDI đời đầu đều có điểm chung là giao dịch nhỏ lẻ, giá trị cổ phiếu có phần èo uột, kinh doanh kém sắc.

Hiện nay, chỉ còn 8 doanh nghiệp FDI niêm yết, ba đơn vị đã bị hủy niêm yết do thua lỗ. Trong số các doanh nghiệp FDI từng bị huỷ niêm yết, Full Power (mã chứng khoán: FPC) là cái tên duy nhất “một đi không trở lại”. Sau khi bị huỷ niêm yết tháng 8/2011 do thua lỗ 3 năm liên tiếp, doanh nghiệp này đã chính thức có văn bản thông báo dừng đăng ký giao dịch trên UPCoM vào giữa năm 2012 và không còn có dấu hiệu muốn trở lại sàn chứng khoán.

Vì sao các doanh nghiệp FDI vẫn ngại lên sàn chứng khoán Việt Nam?

Diễn biến cổ phiếu TYA trong những năm qua

Về số phận của những cổ phiếu ở lại, niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam từ năm 2006 với mức giá 34.000 đồng/cổ phiếu nhưng hiện tại, cổ phiếu TYA hiện đang có giá 10.350 đồng/cổ phiếu, tức mất đi 70% thị giá.

Cũng trong năm 2006, cổ phiếu TCR đã chính thức niêm yết trên sàn HOSE với mức giá của ngày giao dịch đầu tiên là 35.000 đồng/cổ phiếu. Đến nay, TCR giao dịch tại mức giá “cọng hành” 3.650 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm gần 90% giá trị và đang trong diện cảnh báo.

Vì sao các doanh nghiệp FDI vẫn ngại lên sàn chứng khoán Việt Nam?

Diễn biến cổ phiếu TCR trong những năm qua

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các cổ phiếu khác niêm yết cùng thời gian như RIC, TKU, KMR, EVE…

Bắt đầu niêm yết từ năm 2017 nhưng đến nay, cổ phiếu SBV của Siam Brothers Việt Nam đã giảm gần 78% giá trị từ 48.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 10.750 đồng/cổ phiếu.

Hay “thảm” hơn là CYC của Gạch men Chang Yih khi chào sàn có giá 20.000 đồng/ cổ phiếu nhưng đến nay chỉ còn 4.100 đồng/cổ phiếu và thuộc trường hợp hạn chế giao dịch.

Vì sao các doanh nghiệp FDI vẫn ngại lên sàn chứng khoán Việt Nam?

Diễn biến cổ phiếu CYC trong những năm qua

Sự thờ ơ với nhóm cổ phiếu này của các nhà đầu tư là điều dễ hiểu, bởi kết quả kinh doanh từng quý của các công ty này có thể đánh giá chung thông qua từ “bết bát”, nhiều đơn vị luôn duy trì tăng trưởng lợi nhuận là con số âm.

Theo nhiều chuyên gia tài chính cho biết, hoạt động kinh doanh chung của nhiều doanh nghiệp FDI thiếu tính ổn định, biến động khó lường và lợi nhuận qua từng năm hầu như không có sự đột phá khiến nhà đầu tư nản lòng, thanh khoản thu hẹp và dần bị lãng quên. Do đó, dù được các cơ quan quản lý chấp thuận niêm yết thì việc lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư cũng vô cùng khó.

Ghi lại lời chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, các doanh nghiệp FDI muốn tăng thêm sức hấp dẫn cho cổ phiếu thì cần phải xuất phát từ công ty mẹ là những thương hiệu lớn, có uy tín trên thị trường quốc tế như Apple, Samsung, LG…

Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI phải minh bạch thông tin về tình hình tài chính, tình hình quản trị và hoạt động kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp FDI cần công bố đầy đủ, rõ ràng và chính xác các thông tin theo quy định công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết, như báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, báo cáo thường niên, nghị quyết Hội đồng quản trị.

Các thông tin về chiến lược kinh doanh, hợp tác, đầu tư và tất cả các thông tin bất thường liên quan đến doanh nghiệp cũng cần được công bố rộng rãi để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.

Một điểm nữa, các doanh nghiệp FDI phải có kế hoạch hoặc cam kết hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong khoảng thời gian dài. Đồng thời, các doanh nghiệp này cần có tình hình tài chính vững mạnh, cụ thể như lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng qua các năm, có khoản vốn đầu tư vào Việt Nam lớn trên 100 triệu USD, có chiến lược và kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và kế hoạch nâng vốn đầu tư tại Việt Nam trong tương lai.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
3.38 +0.08 (+2.42%)
13.40 (0.00%)
2.50 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả