Vì sao Ấn Độ chưa phải là đối thủ cạnh tranh với dòng vốn FDI vào Việt Nam
Các chuyên gia tài chính khẳng định rằng, Ấn Độ chưa phải là mối đe dọa với dòng vốn FDI vào Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.
Gần đây đã xuất hiện hai yếu tố rủi ro tiềm ẩn đối với dòng vốn FDI của Việt Nam gồm: Việt Nam có thể đang mất đi sự cạnh tranh về nguồn vốn FDI so với Ấn Độ, Malaysia, Indonesia. Và cơ chế mới về thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu sẽ làm giảm sự hấp dẫn của Việt Nam như là một điểm đến của FDI bởi giới hạn các ưu đãi thuế dành cho các nhà đầu tư FDI tiềm năng.
Trước những lo ngại này, ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định rằng, Ấn Độ chưa phải là mối đe doạ với dòng vốn FDI vào Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.
Chỉ ra lý do, ông Michael Kokalari cho biết: Thông báo của Apple vào tháng 4 vừa qua về các kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở rộng sản xuất iPhone tại Ấn Độ đã dấy lên nhiều tin tức, nhưng điều này cũng nhất quán với các tập đoàn đa quốc gia khác đang đầu tư vào Ấn Độ chủ yếu là sản xuất các sản phẩm dành cho người tiêu dùng tại thị trường nội địa và điều này rất khác so với mục đích đầu tư vào Việt Nam.
Trong số 7 triệu chiếc điện thoại mà công ty bán ra tại Ấn Độ trong năm ngoái, chỉ có 6,5 triệu chiếc được sản xuất trong nước, còn lại vẫn phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu. Điều này lý giải động lực của Apple đầu tư vào Ấn Độ là để đáp ứng nhu cầu nội địa đang tăng cao.
Thêm vào đó, hiện có hai lý do chính khiến các công ty không đầu tư nhiều vào Ấn Độ để sản xuất hàng hóa xuất khẩu là những vấn đề liên quan đến lực lượng lao động (bao gồm cả trình độ) và luật lao động nghiêm ngặt. Các nhà máy ở Ấn Độ có hơn 100 người lao động đều cần có sự chấp thuận của Chính phủ trước khi sa thải bất kỳ nhân viên nào. Chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ” được triển khai vào năm 2015 nhằm thu hút FDI với những hứa hẹn về các ưu đãi thuế được xem là đã thất bại trong việc thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài, một phần vì những lý do như kể trên.
“Chúng tôi không cho rằng Ấn Độ có thể làm cản trở dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam và tin rằng FDI có thể sẽ vẫn là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong những năm tới. Không nên xem làn sóng FDI vào Ấn Độ là sự chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam”- ông Michael Kokalari nói.
Đối với các quốc gia khác là Malaysia và Indonesia, theo ông Michael Kokalari, một số nhà quan sát cho rằng dòng vốn FDI vào Malaysia và Indonesia đã tăng mạnh trong hai năm qua, trong khi nguồn vốn FDI đăng ký của Việt Nam gần như không tăng đáng kể.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận