Vi phạm xây dựng tại Tp. Hồ Chí Minh: Đừng để “gạo nấu thành cơm” rồi mới xử lý
Theo Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, tính từ ngày 15/12/2019 – 25/10/2020, trên địa bàn Thành phố xảy ra 631 công trình vi phạm trật tự xây dựng, bình quân mỗi ngày diễn ra 1,9 vụ vi phạm.
Chỉ thị 23-CT/TU của Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố đã phát huy tác dụng, như “nắm đấm thép” nhằm xử lý triệt để vấn nạn vi phạm trật tự xây dựng vốn dĩ nhức nhối, kéo dài từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, để chỉ thị này tiếp tục “thấm” vào ngõ ngách từng con phố, khu đất, bờ sông thì cán bộ quản lý phải nêu cao và chịu trách nhiệm đồng thời thực sự nghiêm túc, nghiêm minh trong việc phát hiện và xử lý vi phạm, đừng để “gạo nấu thành cơm” rồi mới xử lý hậu quả!
Thời gian gần đây trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, từ quận Thủ Đức, Bình Tân cho đến Quận 9 xuất hiện tình trạng các đối tượng cố tình xây dựng sai phép nhà ở riêng lẻ, chia nhỏ diện tích thành các căn hộ theo kiểu chung cư mini để bán, cho thuê trái quy định pháp luật.
Theo quy hoạch, tiếp giáp khu dân cư dọc đường Bưng Ông Thoàn, Phường Phú Hữu, Quận 9 (tiếp giáp rạch Gò Lớn, sông Rạch Chiếc) là công viên và mảng xanh cảnh quan cách ly. Đây là không gian đệm chuyển tiếp giữa các nhóm nhà ở, các phân khu chức năng và không được xây dựng kiên cố.
Thế nhưng thực tế đang diễn ra điều trái ngược khi tại các khu vực nói trên “mọc lên” những căn nhà kiên cố, nằm trọn trong hành lang bảo vệ sông rạch. Kế cạnh một khối nhà ở 4 tầng được ngăn thành 4 căn/tầng có cầu thang bộ theo kiểu chung cư mini đang được cấp tập sơn tô trước khi hoàn thành, đưa vào sử dụng mà không hề vấp phải sự kiểm tra, xử lý nào của lực lượng chức năng.
Để làm rõ vấn đề, phóng viên đã trực tiếp cung cấp hình ảnh các căn nhà được xây dựng trong hành lang bảo vệ sông rạch, nhà ở theo kiểu chung cư mini cho lãnh UBND phường Phú Hữu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi.
Ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch UBND phường Phú Hữu, cho biết: “Phường phải phối hợp với Thanh tra địa bàn (thuộc Sở Xây dựng), lập biên bản lần 1, lần 2 rồi mới xử lý được. Bản thân phường chỉ xử lý công trình trên khu đất chưa có quy hoạch tỷ lệ 1/500, công trình không có giấy phép xây dựng”.
Không “kém nhiệt” là khu đất 749 Quang Trung, Phường 12, Quận Gò Vấp có quy 1,3 ha. Khu đất này nằm trong khu dân cư hiện hữu nhưng bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, toà nhà 4 tầng loang lổ và đổ nát. Bên trong khu đất được sử dụng làm bãi giữ xe ô tô, hoạt động như một bến xe. Thực trạng nhức nhối này tồn tại từ nhiều năm nay, gây mất an ninh trật tự, mỹ quan đô thị thế nhưng không hiểu sao vẫn không bị lực lượng chức năng xử lý.
Theo đại diện UBND Phường 12, Quận Gò Vấp, kiểm tra hiện trạng ghi nhận 1 điểm kinh doanh bãi giữ xe, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ cà phê giải khát và 1 điểm kinh doanh vật liệu xây dựng; trong đó, có 2 cơ sở kinh doanh được UBND Quận Gò Vấp cấp giấy phép.
Bản thân đại diện chủ sử dụng khu đất thông tin việc bị các đối tượng chiếm giữ khu đất bất hợp pháp. Để xử lý các vấn đề liên quan, UBND Phường 12 đã đề nghị UBND quận Gò Vấp hỗ trợ, xem xét việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của 2 cơ sở trong khu đất nói trên là có phù hợp hay không và xin ý kiến chỉ đạo cụ thể với trường hợp này.
Trong khi đó, để làm rõ trách nhiệm và hướng xử lý các vấn đề liên quan đến trật tự quản lý đô thị, xây dựng tại khu đất 749 Quang Trung, phóng viên đã liên hệ với Chủ tịch UBND Quận Gò Vấp nhưng đến nay vẫn không nhận được thông tin phản hồi.
Tại Tp. Hồ Chí Minh, huyện Bình Chánh là điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng. Theo Thanh tra Tp. Hồ Chí Minh, trên địa bàn huyện có dấu hiệu đầu cơ mua bán đất nhưng không chủ động xử lý ngay từ đầu dẫn tới việc gây áp lực rất lớn cho hạ tầng khi hình thành các khu dân cư tự phát trên đất nông nghiệp, người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định, tự phân lô đất ở, ảnh hưởng đến công tác lập và quan lý quy hoạch sử dụng đất.
Một số vụ việc nổi cộm như vi phạm xây dựng và tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại nhà hàng Hương Dừa (xã Bình Hưng) với quy mô hơn 1,5 ha. Hay như dự án Khu sinh thái văn hoá hồ Vĩnh Lộc “treo” hơn 23 năm và đã 3 lần thay đổi chủ đầu tư, xảy ra tình trạng lấn chiếm trên phần đất hơn 11 ha mà nhà nước đã bồi thường…
Đáng chú ý là Khu Ẩm thực Bình Xuyên với quy mô gần 2,5 ha đất nông nghiệp thành đất thương mại, dịch vụ. Chủ đầu tư xây dựng không phép các hạng mục bãi giữ xe, khu vực phòng VIP, khu nhà bếp, khu ẩm thực khách ngồi, khu tiếp tân, khu nhà kho lưu trữ, khu vui chơi trẻ em ngoài trời, khu vệ sinh… Tuy nhiên điều lạ lùng là các công trình vi phạm của nhà hàng Bình Xuyên tồn tại từ năm 2003 đến tháng 3/2020 (17 năm) mới bị xử lý.
Để làm rõ hướng xử lý một số sự vụ nổi cộm về vi phạm trật tự xây dựng; trong đó có nhà hàng Bình Xuyên, phóng viên đã liên hệ với Lãnh đạo huyện Bình Chánh nhưng chỉ nhận được sự “im lặng” khó hiểu.
Trong khi đó, đại diện UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cho hay, chủ nhà hàng Bình Xuyên đã tự tháo dỡ phần công trình vi phạm cũ, còn phần vi phạm mới đã chuyển hồ sơ lên Thành phố, đang chờ quyết định xử phạt. Còn theo đại diện Thanh tra sở Xây dựng, trách nhiệm thuộc về UBND huyện Bình Chánh vì công trình xây dựng trên đất nông nghiệp do UBND huyện quản lý (!).
Về xử lý trách nhiệm cán bộ quản lý liên quan đến công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh, Thanh tra Thành phố kiến nghị và được Chủ tịch UBND Thành phố kết luận chỉ đạo Công an Thành phố triển khai biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện các vụ việc có dấu hiệu hình sự để điều tra, xác minh, tập trung vào các vụ việc có dấu hiệu đưa, nhận, môi giới hối lộ, tham nhũng, xây dựng không phép, sai phép nhằm xử lý nghiêm và lập lại trật tự, kỷ cương xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Trong cùng diễn biến vấn đề xử lý vi phạm trật tự xây dựng, vừa qua Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh đã phê bình rút kinh nghiệm với ông Nguyễn Bảo Long, Đội trưởng Đội Thanh tra địa bàn quận Tân Bình thuộc Sở Xây dựng vì chưa kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xử lý dẫn tới việc chậm phát hiện và chậm lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và căn hộ Thăng Long (tên thương mại là dự án Bảy Hiền Tower).
Động thái nói trên khiến dư luận băn khoăn, sai phạm tại dự án này có tính chất nghiêm trọng, đã được chuyển cho Công an Thành phố điều tra, xác minh nhưng cán bộ quản lý liên quan chỉ bị phê bình rút kinh nghiệm, liệu có đúng bản chất và đủ sức răn đe?
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, ngày 25/7/2019, Thành uỷ Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố. Nhiều lần lãnh đạo Thành uỷ, UBND Tp. Hồ Chí Minh quán triệt tinh thần phát hiện và xử lý nghiêm, xử lý dứt điểm, ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Thế nhưng, chính sự buông lỏng quản lý, thậm chí có sự tiếp tay của một số cán bộ chính quyền địa phương nên xảy ra nhiều công trình vi phạm xây dựng trong thời gian dài, chậm bị phát hiện, chậm bị xử lý, thậm chí xử lý lúng túng, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, tính từ ngày 15/12/2019 – 25/10/2020 (sau khi có Chỉ thị 23-CT/TU), trên địa bàn Thành phố xảy ra 631 công trình vi phạm trật tự xây dựng, bình quân mỗi ngày diễn ra 1,9 vụ vi phạm. Nếu so sánh với 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày (thời điểm trước khi có Chỉ thị 23-CT/TU) thì số vụ vi phạm giảm 6,6 vụ/ngày (tỷ lệ giảm 77,6%).
Những con số này cho thấy chuyển biến tích cực của Chỉ thị 23-CT/TU. Tuy nhiên để Chỉ thị này tiếp tục “chảy thấm” vào ngõ ngách từng con phố, khu đất, bờ sông thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải làm gương, nêu cao và chịu trách nhiệm đồng thời nghiêm túc, nghiêm minh trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Có như vậy, trật tự xây dựng mới được lập lại, diện mạo đô thị Thành phố mới có thể phát triển theo hướng văn minh, hiện đại./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận