Về vấn đề chuyên gia tư vấn-đào tạo về chuyển đổi số
Tiến trình chuyển đổi số đòi hỏi phải có nguồn nhân lực để đáp ứng được các yêu cầu “chuyển đổi” và đến giờ, đây là điểm nghẽn quan trọng nhất đối với tiến trình này. Một điểm nghẽn rất rõ ràng, nhưng cũng không phải dễ thừa nhận, và vẫn hết sức loay hoay trong việc tìm ra giải pháp. Nguyên nhân của vấn đề này từ đâu? Giải pháp cho vấn đề này là gì? Và làm sao để thực thi được giải pháp đề ra?
Để kiến giải vấn đề này, có 6 vấn đề chính đặt ra:
Vấn đề thứ nhất:
Chúng ta đang sử dụng tư duy truyền thống, bởi những chuyên gia tư duy theo truyền thống – tôi gọi là tư duy tương tự (analog thinking) – để giải quyết những bài toán đặt ra theo cách phi truyền thống, đòi hỏi một tư duy mới – tôi gọi là tư duy số (digital thinking). Đây chính là nguyên nhân khiến cho các bài toán được giải chưa đi vào được bản chất của “chuyển đổi (transform)”, chưa giải quyết được theo đúng cách mà bài toán “số (digital)” đặt ra. Các chuyên gia mới chỉ tập trung giải quyết được các vấn đề (mà ta hay gọi là nỗi đau của tổ chức) theo cách “xử lý” nó chứ không phải là “chuyển đổi” nó. Các chuyên gia cũng chủ yếu tập trung theo cách tiếp cận chuyên môn của mình chứ không phải là những người có tư duy hệ thống/tổng thể để giải quyết vấn đề theo một cái nhìn tổng thể - điều kiện quan trọng mà tiến trình chuyển đổi số đặt ra và là yêu cầu tiên quyết.
Để giải quyết vấn đề này, trước hết, chính các chuyên gia, là những người phải đạt được sự chuyển đổi từ chính mình trong cách tư duy, từ tư duy tương tự (analog thinking) sang tư duy số (digital thinking) để có thể nhìn được các vấn đề của tiến trình chuyển đổi số như “nó là” chứ không phải theo cách nó “phải là” như hiện tại. Muốn vậy, phải có được cho mình một phương thức (way) mang tính tổng thể để tiếp cận bài toán chuyển đổi số, chứ không phải theo cách đa số hiện nay theo kiểu cóp nhặt chỗ này một chút, chỗ kia một ít, rồi lắp ghép lại thành một “cái gì đó” theo kiểu “thầy bói xem voi”, nếu không muốn nói quá là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Phương thức này phải có khả năng tiếp cận và giúp tổ chức/doanh nghiệp chuyển đổi được một cách tổng thể. Chỉ có như vậy, chính “chuyên gia” sẽ vừa chuyển hóa được tư duy của mình, đồng thời hình thành một năng lực xuyên lĩnh vực/đa lĩnh vực/liên lĩnh vực – điều kiện cần để trở thành một chuyên gia tư vấn-đào tạo chuyển đổi số.
Để triển khai được điều này, cần phải thiết lập một hệ thống chuyên gia có năng lực “giải bài toán thực tiễn của tổ chức” theo đúng với cách “nó là”, đi từ chính thực tiễn để hình thành nên các giải pháp và tổ hợp lại thành các mô hình, lý thuyết, phương pháp luận và phương thức tư duy. Và rồi tiếp tục đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn-đào tạo dựa trên cơ sở kết hợp một cách hiệu quả giữa “lý thuyết được tạo thành” và “năng lực thực tiễn”, chứ không phải dựa trên những tiêu chuẩn mang tính bằng cấp, chứng chỉ, hay thậm chí dựa vào “cái danh”. Và do vậy, việc có một phương thức (way) là đòi hỏi quan trọng cho bất kỳ tổ chức tư vấn-đào tạo về chuyển đổi số là một yêu cầu thiết yếu, có phương thức thì mới có thể giải quyết thực tiễn một cách hệ thống/tổng thể và có cơ sở để đào tạo.
Vấn đề thứ hai
Một đội ngũ chuyên gia tư vấn-đào tạo chuyển đổi số chỉ có thể thực sự hình thành, phát triển có chất lượng, vững mạnh khi nhu cầu thực sự có đủ, được đánh giá đúng mức độ, và được nhìn nhận đúng về giá trị và vai trò. Hiện tại, tư duy chung trong các tổ chức/doanh nghiệp tại Việt Nam chưa nhận thức đúng về vai trò của tư vấn-đào tạo. Điều này vẫn không khác gì tư duy chúng ta xây nhà hiện nay, đa phần đều rất coi nhẹ vai trò của kiến trúc sư, thậm chí coi việc đó như việc phụ trong việc xây dựng ngôi nhà, một việc phải có cho nó đủ thủ tục. Nhưng điều người ta thường không ý thức được ngôi nhà có kiến trúc đẹp, đảm bảo các đặc tính sử dụng một cách hiệu quả và được đầu tư đúng vào những cái cần đầu tư để tạo nên giá trị, hiệu quả công năng và chất lượng sử dụng lại phụ thuộc rất lớn vào các bản vẽ kiến trúc. Chất lượng của các công trình hiện nay ở Việt Nam đều hạn chế, phần lớn là do chúng ta coi nhẹ vấn đề kiến trúc. Tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam cũng vậy.
Cần phải nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa và giá trị mà công tác tư vấn-đào tạo đem lại cho tiến trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước tiên phải bắt đầu bằng việc hoạch định một “chiến lược”. Càng hạn chế về số tiền có thể đầu tư, nguồn nhân lực sẵn sàng và các điều kiện hoàn cảnh khác để chuyển đổi thì việc có một chiến lược chuyển đổi số đúng đắn càng có ý nghĩa quan trọng để có được một “sự đầu tư” hiệu quả cho tiến trình này. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, cũng phải nhìn nhận rằng, không phải chỉ từ tổ chức/doanh nghiệp, chính cái sự xô bồ của việc xuất hiện hàng tá chuyên gia tư vấn, chuyên giao đào tạo về chuyển đổi số thiếu chất lượng, thiếu năng lực, hữu danh vô thực, cũng làm cho các tổ chức/doanh nghiệp nghi ngờ và ngại sử dụng tư vấn-đào tạo. Do vậy, việc tự chính đội ngũ những người làm tư vấn-đào tạo về chuyển đổi số phải làm “sạch” môi trường hoạt động của mình, để tạo ra niềm tin và khẳng định vai trò, ý nghĩa và giá trị của mình.
Để làm điều đó, trước hết các tổ chức tư vấn-đào tạo về chuyển đổi số phải tích cực trong việc chia sẻ tri thức về chuyển đổi số cho cộng đồng. Tuy nhiên, đó phải là những tri thức thể hiện được năng lực, phương pháp và cách thức của tổ chức, chứ không phải là một “nồi lẩu” các dữ liệu, thông tin, tri thức về chuyển đổi số được cóp nhặt mọi nơi. Phải giúp tổ chức/doanh nghiệp nhận thức được rõ những cơ sở có thể định hình thành những tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng chuyên gia tư vấn-đào tạo về chuyển đổi số. Đồng thời, từng bước, định chuẩn thông qua các tiêu chuẩn, chứng chỉ và quy định để chuẩn hóa đội ngũ chuyên gia tư vấn-đào tạo về chuyển đổi số. Nhưng việc định chuẩn này phải là một tiến trình được thực tiễn thừa nhận và khẳng định bằng phương thức mang tính phổ cập và hữu dụng cho thực tiễn, chứ không phải là những quy định “mang tính chủ quan” từ các “văn phòng” đâu đó.
Vấn đề thứ ba
Cách tiếp cận để thực thi các hoạt động chuyển đổi số, do cái cách tư duy chưa hợp lý, do đội ngũ chuyên gia chưa chuẩn chỉnh đã bị thực thi chẳng khác gì các dự án công nghệ thông tin như trước đây, chỉ khác là được khoác lên một mỹ từ mới “chuyển đổi số”. Về bản chất, các hoạt động tư vấn liên quan tới tổ chức, nhân sự, các kỹ năng, các đào tạo liên quan đến vận hành khác... cũng hầu như không thay đổi về bản chất, về các nguyên tắc và đặc biệt là về nền tảng tư duy, ngoài việc chêm vào trong đó những mỹ từ của thời đại, đại ngôn sáo rỗng. Điều này đã làm cho việc triển khai các hoạt động chuyển đổi số bị sai lệch, thậm chí có thể là đầu tư sai và làm giảm hiệu quả đầu tư, tạo ra nhiều rắc rối và vướng mắc hơn cho các hoạt động hiện tại thay vì tạo ra những sự đột phá về năng suất. Và rồi, cả căn bệnh thành tích, khi đã làm rồi thì không thể nói không tốt, không hay được và đồng thanh về những thành tích “hữu danh vô thực”.
Nghĩ nhiều, nói nhiều mà không làm thì tai hại, nhưng làm mà không nghĩ, không hiểu rõ thì thành phá hoại. Tiến trình chuyển đổi số do vậy, trước hết cần phải bắt đầu bằng việc nhận thức cho đúng – biết cho rõ, hiểu cho đúng, nắm cho chắc – những gì cần làm, làm như thế nào và đặc biệt là tại sao phải làm? Để từ đó biết rõ làm cái gì, làm bắt đầu từ đầu, và làm để đạt được điều gì. Chúng ta đang nói rất nhiều về điều này, luôn miệng nói về chuyển đổi nhận thức, tuy nhiên, nó vẫn mang tính khẩu hiệu và hình thức. Trong vấn đề này, một phần rất lớn trách nhiệm thuộc về những người hô hào chuyển đổi số, những chuyên gia chuyển đổi số có ảnh hưởng nhưng chính họ, lại chưa biết cho rõ, hiểu cho đúng, nắm cho chắc chuyển đổi số là gì và những nguyên tắc vận hành, phát triển nó như thế nào. Đơn giản, họ đang lợi dụng ảnh hưởng, uy tín của mình để rồi truyền đạt những tri thức, những thông tin và cả những thúc đẩy không đúng đắn về chuyển đổi số, làm sai lệch tiến trình này một cách nghiêm trọng.
Để giải quyết vấn đề này, cần phải đưa các hoạt động tư vấn, đào tạo, truyền thông về chuyển đổi số đi vào đúng bản chất của vấn đề. Cần phải có một sự hợp tác, hành động nghiêm túc của các chuyên gia chuyển đổi số trong việc làm rõ và định hình ra những phương pháp luận, mô hình và lý thuyết một cách chuẩn chỉnh, hệ thống, đồng bộ và cộng hưởng được hiệu quả. Mỗi người khi định hình mình là một chuyên gia chuyển đổi số cần phải ý thức về năng lực của chính mình, về sự hiểu biết và khả năng thực sự của mình đối với lĩnh vực để có một sự nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện, điều chỉnh và tăng cường năng lực một cách thực tế, thay vì tiếp tục các hoạt động mang tính “đánh bóng” để tranh thủ “kiếm tiền theo xu hướng” nhờ nhu cầu lớn do áp lực của thời đại và sự còn thiếu hiểu rõ của các tổ chức/doanh nghiệp về vấn đề này.
Vấn đề thứ tư
Thực sự rất ít người, rất ít tổ chức/doanh nghiệp thực sự hiểu mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là để làm gì? Người ta vẫn đang tích cực theo đuổi nó như một “xu hướng mang tính thời đại” hơn là thực sự hiểu “tại sao người ta phải tham dự và để làm gì?”. Các chuyên gia tư vấn, đào tạo hiện tại cũng vậy. Họ đa phần cũng chưa hiểu rõ chuyển đổi số để làm gì, và cuối cùng, cái lý do chủ yếu cũng là để bán cái họ đang có, là các sản phẩm-dịch vụ công nghệ, các kỹ năng, các kiến thức hiện có – nhưng thực sự nó cần hay không cho chính tổ chức/doanh nghiệp đó và đúng thực sự là chuyển đổi số hay không thì lại chỉ được chỉ ra bằng những “ngụy biện ngôn từ”.
Để giải quyết được vấn đề này, các tổ chức/doanh nghiệp trước hết cần phải ý thức được rằng phải bắt đầu tiến trình chuyển đổi số bằng một chiến lược thực sự, để tiết kiệm tiền, thời gian và cơ hội cho chính mình thì phải “đầu tư cho đúng, cho đủ, cho đáng” vào việc định hình một chiến lược chuyển đổi số phù hợp. Các chuyên gia tư vấn, đào tạo do vậy, trước hết phải có năng lực định hình chiến lược này cho các tổ chức/doanh nghiệp. Còn nếu chưa có đủ khả năng định hình một chiến lược chuyển đổi số hợp lý cho tổ chức/doanh nghiệp thì đừng nên tư vấn-đào tạo cho tổ chức/doanh nghiệp.
Do vậy, các tổ chức/doanh nghiệp cần phải bắt đầu tiến trình chuyển đổi số của mình bằng việc nghiêm túc học để biết, để hiểu, để nắm chắc những gì mình cần đạt được từ tiến trình chuyển đổi số, bằng cách nào và tại sao. Đừng vội sa đà vào những chỉ số đánh giá kiểu như đo lường mức độ trưởng thành số (DMM) hay các loại chỉ số, các đo lường chuyển đổi... khi mà chưa hiểu làm sao để đưa ra một cách chuẩn chỉnh những câu trả lời, những dữ kiện, con số... cho những câu hỏi mà các bộ chỉ số này đặt ra. Cũng không vội sa đà vào những công nghệ, mô hình hay tất cả những gì mang tính “hoành tráng” và ảo tưởng rằng chỉ cần “đặt” nó vào tổ chức/doanh nghiệp của mình thì mọi thứ như có một “chiếc đũa thần” làm thay đổi tất cả được. Các chuyên gia tư vấn-đào tạo về chuyển đổi số, do vậy, cũng phải bắt đầu được bằng việc thiết kế những phương cách tiếp cận một cách hiệu quả cho các tổ chức/doanh nghiệp chứ không phải “làm hoa mắt” tổ chức/doanh nghiệp bằng các báo cáo, các con số, các đồ thị, các trường hợp nghiên cứu (case study)...
Vấn đề thứ năm
Trọng tâm của tiến trình chuyển đổi số là Dữ liệu, Giá trị Mặc định, Nền tảng (Platform). Tuy nhiên hạn chế của đa số cả từ tổ chức/doanh nghiệp lẫn các chuyên gia tư vấn, đào tạo về chuyển đổi số là chưa hiểu rõ về những khái niệm quan trọng này. Cái hiểu của đa số vẫn tập trung vào các vấn đề kỹ thuật, chẳng hạn như tiếp cận Dữ liệu từ góc độ phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu, chứ chưa nhìn nhận và hiểu được Dữ liệu như một nguồn tài nguyên, nguồn vốn mới (data-capital) cho các tiến trình tái sản xuất xã hội mới.
Cách để giải quyết vấn đề này không có cách nào khác là phải tập trung nghiên cứu một cách nghiêm túc về các khái niệm căn bản này, trên cơ sở tạo ra một nền tảng (platform) tri thức chia sẻ chung theo phương thức mở và nghiêm túc học hỏi, nghiên cứu. Chúng ta bị một thói quen chung là theo các xu hướng của thế giới, bắt chước và học hỏi rất nhanh, nhưng lại thường không nghiên cứu tìm hiểu một cách kỹ càng bản chất, các nguyên tắc nền tảng, các lý thuyết, tư duy mang tính căn bản, định hình nên những xu hướng, hình mẫu của thế giới. Khi áp dụng, lại nặng tính bắt chước, áp dụng máy móc, nhưng đa phần thiếu tính sáng tạo mang tính bản sắc, thiếu năng lực điều chỉnh một cách chủ động cho phù hợp với những điều kiện mang tính đặc thù. Trong áp dụng, lại chỉ chú trọng “được việc” cho xong, trong khi lại thường coi thường việc áp dụng “sao cho hiệu quả về lâu dài”.
Chuyển đổi số là một vấn đề bắt đầu từ tài chính và nó định hình nên một cách thức tư duy mới, hướng tới một hình thái tổ chức mới. Do vậy, các chuyên gia tư vấn-đào tạo cần phải hiểu rõ được điều này trước khi bắt đầu các hoạt động tư vấn, đào tạo của mình.
Vấn đề thứ sáu
Chiến lược quan trọng của tiến trình chuyển đổi số cũng chính là chiến lược con người. Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là tạo ra sự đột phá năng suất đến từ sự đột phá về giá trị. Và điều này, chỉ có thể được bắt đầu từ con người và vì con người. Con người là trung tâm của tiến trình chuyển đổi số có ý nghĩa như vậy. Do vậy, muốn tiến trình chuyển đổi số đưa đến thành công thì phải bắt đầu và kiến tạo được một đội ngũ nhân lực đáp ứng được các đòi hỏi của một bối cảnh mới. Hiện tại, do việc hiểu sai vấn đề chuyển đổi số là vấn đề công nghệ, dẫn đến việc kiến tạo đội ngũ nhân sự chưa được nhận thức đúng đắn, hoặc nếu có lại bị chủ yếu sai lệch tập trung vào đội ngũ kỹ sư công nghệ.
Định hình một tuyên bố tầm nhìn giá trị mới có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc xác lập định hướng cho toàn bộ tiến trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây lại là một điểm yếu mang tính cốt tử đối với đội ngũ chuyên gia tư vấn, đào tạo về chuyển đổi số hiện nay. Các vấn đề liên quan đến tầm nhìn giá trị cho tổ chức/doanh nghiệp đòi hỏi phải có một tầm nhìn, có năng lực chiến lược và tư duy hệ thống/phức hợp, trong khi đa số chuyên gia lại chưa đáp ứng được đòi hỏi này. Cải thiện năng lực này là một yêu cầu quan trọng để các chuyên gia có thể giúp tiến trình chuyển đổi số của tổ chức/doanh nghiệp đi đúng hướng, ổn định, bền vững và hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề này, với đa số tổ chức tư vấn, đào tạo về chuyển đổi số khó có được những chuyên gia đủ tầm về nhiều lĩnh vực, chuyên môn, và năng lực như vậy, do vậy, cần phải tạo ra được các “nhóm chuyên gia” phối hợp một cách hiệu quả. Việc tiếp cận với các tổ chức/doanh nghiệp và chính các tổ chức/doanh nghiệp cũng cần ý thức được việc, không nên đặt “sự sống còn” của mình vào những cái danh của các cá nhân chuyên gia mà phải nhìn thấy được một cách tổng thể cả từ đội ngũ, phương thức và năng lực kết nối mạng lưới chuyên gia của tổ chức tư vấn-đào tạo. Nếu không có được đủ ba năng lực này thì nên cân nhắc lại quyết định trong việc sử dụng tư vấn-đào tạo. Đồng thời các tổ chức tư vấn, đào tạo cũng nên không ngừng hoàn thiện ba năng lực này của mình.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận