Vé máy bay rao giá 0 đồng, vì sao khách chưa mặn mà?
Không giống như nông sản, hàng không hạ giá xuống đáy vẫn không dễ được hành khách chịu chi tiền vì tâm lý ngại bay do dịch Covid-19 cũng như rào cản về thuế phí.
Bị những chương trình quảng cáo hạ giá vé của các hãng hàng không "hút hồn", nhưng chị H. Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn ngần ngại đặt mua dù vé máy bay chưa bao giờ rẻ đến thế.
"Các hãng liên tục quảng cáo vé 69.000 đồng, 89.000 đồng hay thậm chí là 0 đồng, nhưng mình vẫn chưa dám đặt vé để du lịch vì còn lo ngại về dịch", chị Giang chia sẻ.
Vé 0 đồng, thêm thuế phí lại thành tiền triệu
Bên cạnh lý do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chị Giang còn thất vọng vì những vé máy bay "giá rẻ như mớ rau" kia sau khi cộng thuế phí vẫn lên tới tiền triệu.
"Nhập mã giảm giá của hãng, chọn ngày rẻ để đi nhưng vé từ Hà Nội đi nghỉ mát miền Trung vẫn lên tới hơn triệu đồng mỗi vé khứ hồi vì phải cộng thuế phí", chị Giang nói.
Không chỉ gia đình chị Giang, thuế phí hàng không và tâm lý ngại bay mùa dịch là rào cản khiến vé máy bay dù đã chạm sàn vẫn không dễ được hành khách nội địa "giải cứu" như nhiều mặt hàng nông sản.
Khảo sát nhanh cho thấy giá vé máy bay đi từ các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM đi các điểm du lịch nổi tiếng tại miền Trung đều đang ở mức rất thấp. Nếu tính riêng giá vé gốc, hãng bay chỉ thu về dưới 100.000 đồng/chỗ/chiều trên nhiều chuyến bay, kể cả giờ bay đẹp.
Tuy nhiên, mức thuế phí mỗi chiều cho vé máy bay vẫn không đổi so với giai đoạn cao điểm. Mức này có sự chênh lệch nhẹ giữa các hãng bay, dao động trong khoảng 400.000 đồng/chỗ/chiều cho mỗi vé máy bay.
Trong những loại thuế phí cộng thêm với vé máy bay, khoản lớn nhất luôn là phí quản trị hệ thống của các hãng hàng không. Khoản này dao động từ 150.000 đến 280.000 đồng tùy hãng và là nguồn thu của doanh nghiệp này.
Bên cạnh khoản này, hãng bay cũng thu hộ đơn vị điều hành sân bay và các bên liên quan những khoản như thuế giá trị gia tăng 10%, phí dịch vụ soi chiếu an ninh (phổ biến ở mức 20.000 đồng) và lệ phí sân bay/ phí dịch vụ hành khách nội địa (khoảng 100.000 đồng).
Điều này khiến những tấm vé khứ hồi nội địa giá gốc chỉ chưa tới 200.000 đồng phải gánh thêm khoảng 900.000 đồng thuế phí các loại, nâng tổng giá vé lên trên 1 triệu đồng, làm chùn tay nhiều hành khách có hầu bao eo hẹp.
Mong muốn giảm thuế phí mùa dịch
Cuối tháng 2, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra kịch bản tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách (giảm 15,4% so với năm 2019) trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4 năm 2020. Trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so với cùng kỳ).
Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6 năm 2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 62,1 triệu khách (giảm 22,6% so với năm 2019). Trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7% triệu khách (giảm 17% so với cùng kỳ).
Với những khó khăn như vậy, Cục Hàng không đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo Chính phủ cho phép ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không.
Cơ quan này mong muốn Chính phủ thông qua áp dụng chính sách giảm 50% giờ cất hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi đến đối với các chuyến bay nội địa, thời gian dự kiến từ 1/3 đến 31/5, giai đoạn các hãng bay đang mong muốn kích cầu trong dịch Covid-19.
Cục cũng đề xuất có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, nhà chức trách hàng không cũng đề xuất cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá. Việc này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác, từ đó gián tiếp giảm giá vé máy bay.
Cục cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét việc miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng.
Nếu cân đối ngân sách gặp khó khăn, cơ quan này đề xuất thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Những đề xuất trên được kỳ vọng sẽ giúp các hãng bay giảm thiểu thiệt hại trong mùa dịch và đưa giá vé máy bay xuống mức dễ tiếp cận hơn nữa với khách bay nội địa.
Báo cáo của các hãng hàng không gửi cơ quan chức năng cho hay thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay Trung Quốc tính tới 10/2 là hơn 10.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1-7/2, tức 1 tuần sau khi dừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, tổng sản lượng khách của hàng không Việt đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so với cùng kỳ 2019, trong đó thị trường quốc tế giảm 14,1%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận