VCG “bứt tốc”
Sau nhiều quý trì trệ, Tổng Công ty CP Vinaconex (HoSE: VCG) đã “bứt tốc” về tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1/2024.
Tuy nhiên, VCG vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản.
Doanh thu và lợi nhuận của VCG qua các năm.
Lãi nhờ kinh doanh bất động sản
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, VCG ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp của VCG đã tăng 14%, đạt 754 tỷ đồng trong quý 1/2024. Biên lợi nhuận cũng được cải thiện mạnh từ mức 16% lên 28%. Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, VCG ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất 482 tỷ đồng, tăng gấp gần 26 lần so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành gần 51% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Ban lãnh đạo VCG cho biết, lợi nhuận tăng đột biến trong quý 1/2024 chủ yếu nhờ việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bất động sản. VCG hiện đang sở hữu quỹ đất trên 2.000 ha, cung cấp đa dạng các phân khúc bất động sản, gồm nhà ở cao tầng, du lịch - nghỉ dưỡng, khu công nghiệp… Với mức biên lợi nhuận gộp cao gấp nhiều lần so với mảng xây lắp truyền thống, mảng bất động sản hiện được xem là động lực tăng trưởng kinh doanh mới đối với doanh nghiệp này.
Tại các dự án, VCG vừa đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư lẫn nhà thầu, giúp giảm chi phí đấu thầu và chi phí chung của các dự án. Trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, đầu tháng 4 vừa qua, VCG đã được trao quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án Khu công nghiệp Đông Anh ( Hà Nội) với quy mô gần 300 ha và tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực bất động sản dân dụng, VCG là chủ đầu tư của loạt dự án thuộc phân khúc cao cấp như: Dự án Green Diamond 93 Láng Hạ, Hà Nội, đã đưa vào kinh doanh; Dự án Khu đô thị Đại lộ Hoà Bình - Móng Cái, Quảng Ninh, chuẩn bị triển khai bán hàng; Dự án Văn phòng cho thuê - Trung tâm Thương mại Chợ Mơ, Hà Nội, chuẩn bị khai thác;…
Xoay vốn cho các dự án
Ngày 21/06, VCG thông báo đã phát hành thành công hơn 64,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023. Qua đó, doanh nghiệp nâng vốn điều lệ từ gần 5.345 tỷ đồng lên gần 5.986 tỷ đồng, tương đương với gần 598,6 triệu cổ phiếu, nhằm huy động vốn cho các dự án mà Tổng Công ty đang triển khai. Ngoài việc huy động vốn, việc tái cơ cấu, thoái vốn các công ty con cũng được VCG triển khai.
VCG vừa có thông báo về việc đã hoàn tất giao dịch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần và không còn vốn góp tại Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh từ ngày 21/06. Giá trị thương vụ và đối tác nhận chuyển nhượng không được VCG tiết lộ. Tuy nhiên, theo thuyết minh báo cáo quý 1/2024, tính đến ngày 31/03/2024, VCG sở hữu 40% cổ phần tại Cảng quốc tế Vạn Ninh, tương ứng giá trị vốn góp hơn 198 tỷ đồng.
Được biết, Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh là chủ đầu tư bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1, với quy mô gần 83 ha nằm tại Quảng Ninh. Tổng mức đầu tư dự kiến trong giai đoạn 1 của dự án là hơn 2.200 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng Giám đốc VCG cho biết, Cát Bà Amatina là dự án nghỉ dưỡng lớn, trong khi mảng này không phải nhu cầu cấp thiết nên việc triển khai khá khó khăn. VCG đã thống nhất với HĐQT Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex sang năm 2024 tùy tình hình theo thị trường, có thể bán buôn hoặc bán một phần dự án, với điều kiện giá bán phải đảm bảo có lãi.
Thách thức không nhỏ
Năm 2024, VCG đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 15.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 950 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 140% so với thực hiện năm 2023. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, VCG có thể vẫn còn gặp nhiều thách thức.
VCG ghi nhận tồn kho cao
Theo SSI, về mảng xây dựng, dự báo tăng trưởng doanh thu giảm khoảng 35% so với năm 2023. Về lĩnh vực bất động sản, dù mảng này đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận của VCG trong quý 1/2024, nhưng việc phát triển các dự án tiềm năng còn chậm do khó khăn về vốn.
Tính đến cuối quý 1/2024, VCG ghi nhận giá trị hàng tồn kho khá lớn, khoảng hơn 7.200 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn gần 7.000 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, chủ yếu nằm ở Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá Cát Bà, Dự án Kim Văn - Kim Lũ...
Có thể nói, việc tập trung nguồn lực đầu tư cho mảng bất động sản là một nguyên nhân khiến nợ vay của VCG có xu hướng tăng nhanh trong những năm qua. Hầu hết các dự án đang trong quá trình phát triển, nên đóng góp vào kết quả kinh doanh còn thấp.
Năm 2024, triển vọng mảng kinh doanh này được đánh giá chưa thể khởi sắc trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng và quá trình xử lý những trở ngại, vướng mắc để phục hồi tiêu tốn nhiều thời gian. Phần lớn nguồn vốn của VCG được tài trợ bằng nợ vay nên sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận