menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Văn Thuận

VCCI: 'Quy định chống vốn mỏng tác động tiêu cực đến doanh nghiệp'

Việc hạn chế chi phí vốn vay sẽ tác động đến các doanh nghiệp cũng như khả năng hình thành các tập đoàn kinh tế, theo VCCI.

Góp ý Bộ Tài chính về Nghị định quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã lưu ý về trần chi phí lãi vay của giao dịch trong nước.

Vốn mỏng là việc doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu quá cao. Hạn chế vốn mỏng sẽ giúp đảm bảo an ninh tài chính, tránh doanh nghiệp lớn vay nợ quá nhiều, dễ mất thanh khoản.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng quy định này chưa đảm bảo tính hợp lý, gây nhiều tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Bởi, tình trạng vốn mỏng là điều phổ biến và cần thiết trong giai đoạn mới công nghiệp hóa tại các nước đang phát triển.

Thực tế, tại các nước đang phát triển, công nghiệp hóa muộn, động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khả năng giảm giá thành sản phẩm dựa trên tích lũy vốn và quản trị linh hoạt hơn. Theo đó, các doanh nghiệp phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay và sự trợ giúp của bên cho vay để tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp, giúp tiết giảm chi phí. Cùng với việc thị trường tài chính chưa thực sự minh bạch, doanh nghiệp tại các nước công nghiệp hóa muộn phụ thuộc nhiều vào vốn vay hơn so với doanh nghiệp tại các nước công nghiệp hoá sớm.

Vì vậy, việc áp dụng các quy tắc chống vốn mỏng của các nước phát triển cần được cân nhắc kỹ hơn trong bối cảnh của Việt Nam.

Mặt khác, quy định hạn chế chi phí vốn vay cũng tác động tiêu cực đến việc hình thành các tập đoàn kinh tế trong nước cũng như khuyến khích các tập đoàn này đầu tư vào lĩnh vực nhiều rủi ro, theo VCCI.

Thông thường, khi một tập đoàn muốn đầu tư vào lĩnh vực nhiều rủi ro, công ty mẹ sẽ đứng ra vay ngân hàng rồi cho công ty con vay lại. Đây là một giao dịch liên kết và chịu tác động của quy định trần chi phí lãi vay.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng miễn nghĩa vụ đáp ứng quy định về hạn chế chi phí lãi vay đối với các giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước có chung thuế suất.

Ngoài ra, trong kiến nghị gửi Bộ Tài chính, VCCI cũng cho rằng quy định chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết không được vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ là chưa hợp lý.

Điều luật đang áp mức cố định 30% mà không cho phép doanh nghiệp được chứng minh chi phí này theo nguyên tắc giao dịch độc lập như với các loại giao dịch khác. Tức ngay cả trong trường hợp doanh nghiệp có chi phí lãi vay hoàn toàn bình thường so với mặt bằng chung của thị trường, và các bên không hề có dấu hiệu đẩy lãi suất lên hoặc xuống nhằm chuyển lợi nhuận, cũng không được ghi nhận chi phí hợp lý khi tính thuế.

Theo ghi nhận của VCCI, vừa qua, do những biến động kinh tế vĩ mô, lãi suất trên thị trường tăng mạnh, khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp tăng vượt mức 30%. Phần chi phí lãi vay vượt mức 30% này, doanh nghiệp vẫn phải trả cho ngân hàng nhưng không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế. Do đó, nhiều doanh nghiệp dù thua lỗ lớn do chi phí lãi vay phải trả tăng mạnh, vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước.

Bộ Tài chính vừa qua đã đề nghị sẽ sửa đổi theo hướng loại trừ việc xác định quan hệ liên kết khi phía ngân hàng không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào doanh nghiệp đi vay. Tức doanh nghiệp có thể sẽ không bị khống chế trần chi phí 30% nếu ngân hàng vay vốn không điều hành, kiểm soát, góp vốn.

Theo VCCI, điều này giúp xác định rõ hơn bản chất của quan hệ liên kết và giúp tháo gỡ được bất cập. Tuy nhiên, cách làm này sẽ không giải quyết được hết các trường hợp.

Ví dụ, trong trường hợp ngân hàng và doanh nghiệp đi vay có quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn nhưng giao dịch cho vay có lãi suất phù hợp vẫn bị khống chế bởi ngưỡng 30%. Điều này chưa thực sự phù hợp với mục tiêu cơ bản của Nghị định là chống hành vi chuyển giá.

Trong trường hợp trên, hai bên không hề có hành vi thay đổi "bóp méo" lãi suất để chuyển giá, giao dịch vẫn tuân theo nguyên tắc giao dịch độc lập. Việc không cho tính phần chi phí lãi vay vượt quá 30% trong một giao dịch thỏa mãn nguyên tắc giao dịch độc lập là bất hợp lý.

Vì vậy, VCCI đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi theo hướng cho phép các doanh nghiệp chứng minh giao dịch cho vay theo nguyên tắc giao dịch độc lập bằng cách kê khai và lập hồ sơ so sánh với các giao dịch cho vay khác hoặc với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Trường hợp giao dịch này đúng nguyên tắc giao dịch độc lập, doanh nghiệp được trừ toàn bộ chi phí tính thuế, kể cả trường hợp chi phí đó vượt 30%. Theo VCCI, hiện một số quốc gia trên thế giới cũng áp dụng nguyên tắc này.

Dự kiến Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo Nghị định vào quý I/2024 để trình Chính phủ ban hành sửa đổi vào quý III cùng năm. Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng kiến nghị Bộ Tài chính bỏ khống chế trần chi phí lãi vay 30% vì không cần thiết. HoREA cho rằng chỉ nên khống chế mức trần chi phí lãi vay này với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại