VCCI "hiến kế" để phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam
Đội tàu biển quốc tế của Việt Nam phát triển chưa tương xứng, hụt hơi trong cuộc cạnh tranh với các hãng tàu biển nước ngoài.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phản hồi đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về góp ý dự thảo Đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam (sau đây gọi tắt là Dự thảo Đề án).
Theo VCCI, Dự thảo Đề án có trình bày các quy định hiện hành về vận tải biển (mục I.7), tuy nhiên mới dừng ở việc giới thiệu rất sơ lược. Dự thảo Đề án hiện chỉ nêu vắn tắt “trong quá trình cập nhật, sửa đổi bổ sung một số các quy định, cho thấy có những quy định hiện không còn phù hợp với hoạt động hàng hải, không tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như các quy định về mua bán tàu biển, quy định về đăng kiểm tàu biển, quy định về hoa tiêu, tàu lai…”
Để tiếp tục hoàn thiện bản Dự thảo, VCCI đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc phân tích kỹ hơn về kết quả đạt được trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về vận tải biển cho tới nay. Đồng thời, cần làm rõ được các vấn đề, bất cập của quy định hiện hành có thể đang gây trở ngại cho hoạt động và phát triển của đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam.
Một phương án khác là có thể tiến hành lồng ghép các phân tích về quy định pháp luật hiện hành trong các nội dung trong mục I, đó là trong các nội dung phân tích về hiện trạng đội tàu, thị phần vận tải, các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và kết nối phương thức vận tải, nguồn nhân lực, công tác an ninh, an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Về kinh nghiệm của các nước, Dự thảo Đề án đã dành một phần quan trọng (mục B Phần I, mục II.4) để giới thiệu kinh nghiệm của các nước, với nhiều thông tin hữu ích cho việc phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, Dự thảo đã nêu các chính sách của Chính phủ các nước đang được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, để góp phần hỗ trợ cho quá trình lựa chọn các giải pháp triển khai tại Việt Nam, VCCI đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc tiến hành đánh giá mức độ phù hợp và khả năng áp dụng những chính sách đó tại Việt Nam.
Về đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của đội tàu biển quốc tế Việt Nam, Mục B Phần II của Dự thảo Đề án đã phân tích tương đối kỹ về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của đội tàu biển quốc tế Việt Nam. Để nội dung này có mang tính thống nhất cao hơn, VCCI đề nghị Cơ quan soạn thảo sử dụng những phát hiện đã nêu ở các phần trước.
Ví dụ, dự thảo Đề án có nêu vấn đề kết nối vận chuyển hàng hóa container và nhấn mạnh “cần có những chính sách thúc đẩy, hỗ trợ việc kết nối bằng đường thủy để trung chuyển hàng container phục vụ các cảng khu vực phía Nam và từng bước mở rộng ra khu vực phía Bắc”, như vậy có thể suy đoán hiện còn thiếu vắng các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ việc kết nối bằng đường thủy và đây có thể là một điểm yếu về chính sách tại hiện nay.
Tương tự, một số nội dung khác liên quan tới phân tích về dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, nguồn nhân lực…
Tuy nhiên, trong đánh giá về điểm yếu, Dự thảo mới chỉ nêu “vẫn còn có nhiều quy định mang tính ràng buộc thực sự chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn phát triển ngành; “chưa có các quy định pháp luật liên ngành hỗ trợ các chủ tàu trong hoạt động vận tải biển” và nhắc tới “chưa có văn bản pháp luật chuyên ngành của Bộ Tài chính quy định các mức ưu đãi về thuế, lãi suất vay vốn trong đầu tư phát triển đội tàu và trong hoạt động vận tải biển”. Việc bổ sung thêm những phát hiện ở phần trước sẽ có thể góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn các phân tích trong mục này.
Các giải pháp phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam đã được nêu khá toàn diện tại mục III Phần B. Tuy nhiên có thể thấy hầu hết các giải pháp liên quan tới Bộ Giao thông vận tải. Vai trò của các Bộ, ngành khác trong việc triển khai Đề án này là khá mờ nhạt, dù đã nhắc tới Bộ Công Thương (khuyến khích chủ hàng thay đổi phương thức mua bán), Ngân hàng Nhà nước (cho phép vay ngoại tệ để đầu tư mua tàu biển đối với chủ tàu có tàu hoạt động quốc tế có doanh thu ngoại tệ), hoặc một số hiệp hội (vai trò đại diện, kết nối).
Trong khi đó, như Dự thảo Đề án đã chỉ ra, rất nhiều vấn đề hiện nay khiến đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam chưa thể phát triển như kỳ vọng liên quan tới rất nhiều các bộ, ngành và chính quyền các địa phương, từ việc xây dựng chính sách, pháp luật cho tới phát triển hạ tầng và các dịch vụ có liên quan…
Do vậy, VCCI đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc xác định rõ vai trò của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương trong việc triển khai các giải pháp cụ thể, để đảm bảo tính khả thi của việc triển khai Đề án sau khi phê duyệt.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), hệ thống cảng biển Việt Nam trong những năm qua phát triển đồng bộ, hiện đại đón được những tàu biển lớn nhất thế giới vào làm hàng. Tuy nhiên, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container ở Việt Nam lại chủ yếu do hãng tàu nước ngoài đảm nhận, đặc biệt tuyến biển xa đến các nước phát triển như châu Âu, Mỹ.
Đội tàu trong nước hiện chủ yếu đảm nhận phần vận tải nội địa, hoạt động tuyến quốc tế ngắn trong khu vực Châu Á. Thị phần vận tải biển tuyến quốc tế của đội tàu vận tải biển Việt Nam đang có xu hướng giảm trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, cơ cấu đội tàu biển chưa hợp lý, chủ yếu tàu trọng tải nhỏ chở hàng khô, hàng rời; thiếu tàu container và tàu trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế.
Tính đến tháng 12/2021, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam (gồm đội tàu vận tải biển chuyên dụng và đội tàu/phương tiện khác) có 1.502 tàu (không tính số liệu tàu đang đóng), tổng dung tích khoảng 7,145 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 11,7 triệu DWT. Trong đó, tàu vận tải biển chuyên dụng có 1.032 tàu với tổng dung tích khoảng 6,3 triệu GT và khoảng 10,6 triệu DWT, chủ yếu là cỡ tàu nhỏ (từ 5.000 GT trở xuống) và cỡ tàu trung bình (từ trên 5.000 GT đến 10.000 GT).
Trong giai đoạn 2016 - 2020, số lượng đội tàu vận tải biển giao động từ trong khoảng từ 1.000 đến trên 1.200 tàu. Số lượng tàu năm 2021 so với năm 2016 đã giảm trên 200 tàu, tương đương với mức giảm 17,2 %; so với giai đoạn 2010 - 2015, đội tàu vận tải của Việt Nam đã giảm trên 400 tàu; Tuy nhiên, tổng dung tích và tổng trọng tải của đội tàu vận tải tăng trưởng trên 6%
Trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ Việt Nam tích cực tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và các hiệp định vận tải biển với các quốc gia trên thế giới. Điều này dẫn đến việc đội tàu biển Việt Nam vừa đứng trước thời cơ lớn cũng như thách thức lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận