VCCI: Hạn chế nhà đầu tư cá nhân tham gia trái phiếu riêng lẻ có thể gây đứt gãy thị trường
Theo VCCI, quy định hạn chế nhà đầu tư cá nhân tham gia trái phiếu riêng lẻ như Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán có thể gây tắc nghẽn, đứt gãy thị trường trái phiếu doanh nghiệp; ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Quốc hội đang xem xét Dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (Dự thảo). Đây là dự thảo quan trọng, có tác động lớn đến doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực.
Ngày mai (29/10), Chính phủ sẽ trình Quốc hội một luật sửa đổi, bổ sung một số điều 7 luật liên quan tới tài chính. Trong đó, sửa một số điều Luật Chứng khoán, Chính phủ đề xuất chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ. Tức là, nhà đầu tư cá nhân sẽ không được tham gia thị trường này.
Theo Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi luật này, trái phiếu chào bán riêng lẻ, đặc biệt loại do doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành, là sản phẩm có tính rủi ro cao. Nhiều nước không cấm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia thị trường này, song thực tế giao dịch mua bán, đầu tư được thực hiện giữa các tổ chức chuyên nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một số ý kiến góp ý.
Theo VCCI, cần cân nhắc quy định không cho phép các nhà đầu tư cá nhân không được đầu tư vào các trái phiếu phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp không phải của tổ chức tín dụng.
Dẫn phản ánh của doanh nghiệp, VCCI cho biết, quy định không cho phép các nhà đầu tư cá nhân không được đầu tư vào các trái phiếu phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp không phải của tổ chức tín dụng (TCTD) cần cân nhắc ở một số điểm.
Thứ nhất, thị trường trái phiếu riêng lẻ đã có sự phát triển ổn định hơn sau nhiều biện pháp như vận hành chuyên trang thông tin trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) - nơi công bố thông tin trái phiếu; trái phiếu riêng lẻ được đăng ký và giao dịch tập trung tại HNX, bảo đảm minh bạch.
Về phía nhà đầu tư, nhà đầu tư cá nhân đã có sự thay đổi sau các vụ việc. Một là tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiêm được thắt chặt nên bảo đảm các nhà đầu tư không chuyên sẽ không tham gia thị trường này. Hai là, các nhà đầu tư cá nhân đã có ý thức đây là thị trường rủi ro và cần kiến thức trước khi tham gia vào.
Thứ hai, trong bối cảnh hiện tại, thị trường trái phiếu riêng lẻ vẫn đang đóng vai trò quan trọng với doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn. Việc phát hành trái phiếu ra công chúng rất nhỏ (chỉ chiếm khoảng 10%) do các vướng mắc trong quy định. Các nhà đầu tư tổ chức gặp khó khăn do các hạn chế đầu tư.
Do đó, theo VCCI, việc điều chỉnh như Dự thảo sẽ có tác động rất lớn đến thị trường vốn. Theo đó, có thể gây tắc nghẽn, đứt gãy thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
"Hiện nay, các tổ chức đầu tư TPDN như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư đều đang vướng nhiều hạn chế về quy định đầu tư trái phiếu. Do vậy, các nhà đầu tư cá nhân đang vẫn là một trong số các nhà đầu tư lớn có thể hấp thụ TPDN. Nếu hạn chế các nhà đầu tư này, doanh nghiệp khó có thể phát hành thêm vì không có đủ nhà đầu tư trên thị trường để hấp thụ lượng trái phiếu phát hành ra", VCCI phân tích.
Ngoài ra, việc điều chỉnh như Dự thảo sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Nhà đầu tư cá nhân đang là tệp nhà đầu tư gần như duy nhất được đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ có mục đích cơ cấu nợ. Trong giai đoạn tới, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu huy động vốn đề cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn hoặc cơ cấu các khoản nợ có chi phí huy động vốn cao (ước tính khoảng 543.000 tỷ trong vòng 4 năm tới). Do đó, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lớn trong việc huy động vốn để tái cơ cấu nợ, có thể ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản 3-5 năm tới.
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cân nhắc chưa bổ sung quy định này trong lần sửa đổi này. Quy định này chỉ nên cân nhắc sau khi tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy định về chào bán trái phiếu ra công chúng; giảm các hạn chế với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư tổ chức.
Trong khi đó, bàn luận về chủ trương hạn chế nhà đầu tư cá nhân, công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings đánh giá, việc hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân được như hiện nay vào thị trường trái phiếu riêng lẻ là một chủ trương hợp lý, bởi trái phiếu riêng lẻ bản chất có tính chuẩn hóa không cao và phần lớn dựa trên sự đàm phán, thỏa thuận. Những nhà đầu tư tổ chức là định chế tài chính có khả năng xử lý các rủi ro từ TPDN riêng lẻ tốt hơn.
Dẫn thông lệ tại một số nước châu Á, FiinRatings cho biết, tại Trung Quốc, nhà đầu tư cá nhân hầu như không tham gia sở hữu trực tiếp TPDN. Thay vào đó, họ đầu tư qua việc ủy thác và mua chứng chỉ quỹ được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ.
Ngoài ra, tại Thái Lan, tỷ lệ tham gia của NĐT cá nhân ở mức cao do áp dụng định nghĩa nhà đầu tư giàu có “High-net-worth investors” (có tài sản ròng 30 triệu bath, tương đương khoảng 22 tỷ VND trở lên; thu nhập hàng năm ít nhất 2,2 tỷ đồng) hoặc tổng danh mục chứng khoán 8 triệu bath, tức khoảng 6 tỷ đồng).
"Để hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, Việt Nam nên sớm rà soát những hạn chế đầu tư và phân bổ tài sản vào TPDN của nhà đầu tư tổ chức (công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hữu trí…) để mở cơ hội cho các nhà đầu tư này tham gia thị trường nhiều hơn. Ngoài ra, đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm trái phiếu để hỗ trợ các nhà đầu tư tổ chức phân bổ tài sản theo rủi ro", FiinRatings đề xuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận