VCB bốc đầu lập đỉnh giúp VN-Index tiến sát 1,140 điểm
Hai chỉ số thị trường đã ghi nhận kết quả ngược chiều nhau trong tuần 03-07/07/2023. Cụ thể, VN-Index tiến sát vùng 1,140 điểm, kết thúc tuần với 1,138.07 điểm, tăng 1.6% so với cuối tuần trước. Trong khi đó, HNX-Index tiếp tục giảm 0.66%, về mức 225.72 điểm.
Tương tự như điểm số, thanh khoản trên 2 sàn cũng diễn biến theo chiều hướng trái ngược nhau. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE giảm 9.37% so với tuần giao dịch trước, đạt hơn 757 triệu cp/phiên. Còn về phía sàn HNX, thanh khoản bình quân tăng 8.58%, lên hơn 94 triệu cp/phiên.
Xét về ảnh hưởng của các cổ phiếu đến chỉ số, cổ phiếu đóng góp chủ lực vào đà tăng của VN-Index trong tuần qua chính là VCB với lực đỡ từ khối ngoại đã lập đỉnh lịch sử 105,000 đồng/cp trong phiên cuối tuần 07/07, qua đó giúp chỉ số tăng hơn 6.1 điểm.
Đây là thị giá cao nhất trong lịch sử của cổ phiếu ngân hàng này, đưa giá trị vốn hóa Vietcombank nhảy vọt lên vùng đỉnh hơn 496,000 tỷ đồng (khoảng 21 tỷ USD), cao gần gấp đôi đơn vị xếp phía sau là Vinhomes và ngày càng nới rộng khoảng cách với các đơn vị khác như BIDV, Vingroup, PV Gas, Vinamilk.
Đà tăng của “ông lớn” ngành ngân hàng diễn ra sau thông tin Vietcombank vừa thông báo chốt quyền để phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Cụ thể, Vietcombank dự kiến phát hành gần 856.6 triệu cp để trả cổ tức với tỷ lệ 18.1% (1,000 cp được nhận thêm 181 cp mới). Ngày đăng ký cuối cùng để phân bổ quyền là 26/07. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 25/07/2023.
Bên cạnh VCB, một số cổ phiếu ngân hàng khác như BID, SSB và SHB cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Cụ thể, 3 cổ phiếu kể trên đã giúp chỉ số tăng gần 3.1 điểm. Mặt khác, vẫn có một vài cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng có những biểu hiện tiêu cực như TCB, EIB và ACB, tuy nhiên, tổng điểm kéo giảm chỉ gần 1.4 điểm.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng, các cổ phiếu đầu ngành như HPG của nhóm thép, GVR của nhóm cao su, GAS và PLX của nhóm dầu khí; MWG của nhóm bán lẻ và VCI của nhóm chứng khoán cũng có những ảnh hưởng tích cực lên chỉ số trong tuần qua. Tính chung 6 cổ phiếu kể trên đã kéo tăng chỉ số gần 7.6 điểm, trong HPG là cổ phiếu kéo tăng điểm lớn thứ 2 cả sàn với hơn 1.9 điểm.
HPG thể hiện tích cực giữa bối cảnh Công ty vừa ghi nhận sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 540,000 tấn - mức cao nhất kể từ đầu năm nay dù giảm 4% so với cùng kỳ.
Trên thị trường, cổ phiếu HPG vẫn đang thăng hoa trên sàn chứng khoán. Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu này tăng hơn 50% so với đầu năm 2023, lên mức 27,000 đồng/cp.
Chuyển sang nhóm kéo giảm, trừ các cổ phiếu ngân hàng đã đề cập ở trên, top 10 cổ phiếu kéo giảm ghi nhận 2 cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc “họ Vingroup” là VHM và VIC. Trong đó, VHM là cổ phiếu kéo giảm chỉ số mạnh nhất với hơn 1 điểm, xếp ngay sau là VIC kéo giảm xấp xỉ 0.9 điểm.
Bên cạnh đó là các cổ phiếu đầu ngành như SAB của nhóm đồ uống – thực phẩm, HVN của nhóm hàng không, VND của nhóm chứng khoán PNJ của nhóm bán lẻ và GEX của nhóm sản xuất. Dù vậy, ảnh hưởng tiêu cực của các cổ phiếu này là không lớn khi số điểm kéo giảm tổng cộng hơn 1.5 điểm.
Hòa cùng xu hướng chung của VN-Index, rổ VN30 chứng kiến sự áp đảo của nhóm cổ phiếu kéo tăng khi có đến 19 cổ phiếu góp mặt trong nhóm này. Dẫn đầu nhóm là HPG với hơn 4.5 điểm kéo tăng, xếp sau là VCB với gần 2.9 điểm. Trong khi đó ở nhóm kéo giảm, TCB là cổ phiếu kéo giảm nhiều nhất với hơn 1.9 điểm.
Đối với HNX-Index, nguyên nhân khiến chỉ số tiếp tục giảm chủ yếu đến từ hai cổ phiếu VIF và NVB khi kéo giảm từ 0.6-0.7 điểm mỗi mã. Còn ở phía nhóm chống đỡ, NTP là cổ phiếu dẫn đầu nhóm này mang về hơn 0.55 điểm.
Nguồn: VietstockFinance |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường