Vàng nhảy vọt lên sát ngưỡng 1.800 USD/ounce trước áp lực lạm phát cao
Giá vàng giao dịch trên thị trường quốc tế ngày 14/10 tăng mạnh trở lại thêm trên 32 USD/ounce lên mức 1.792 USD/ounce trước áp lực lạm phát của Mỹ tăng và USD giảm.
Xu hướng đi lên của kim loại quý chủ yếu do các nhà đầu tư lo ngại lạm phát từ Mỹ đang gia tăng. Ngày 13/10, Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái (mức dự kiến là 5,3%).
Lạm phát cơ bản hàng tháng, không tính chi phí thực phẩm và năng lượng, tăng 0,2% trong tháng 9, sau khi tăng 0,1% vào tháng 8. Lạm phát cơ bản hàng năm cũng đạt mức kỳ vọng, ở mức 4%.
Lạm phát tại Mỹ có thể tiếp tục nóng lên cũng tác động tích cực lên thị trường vàng. Bởi khi lạm phát cao, vàng vẫn được xem là hầm trú ẩn an toàn của nhà đầu tư.
Đồng thời, chỉ số USD Index giảm giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. USD Index giảm xuống 94,01 điểm sáng nay. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng trên 1,6% sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng đều trong tháng 9.
Biên bản cuộc tháng 9 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố trong cùng ngày cho thấy, từ giữa tháng 11 tới, Fed sẽ giảm dần mỗi tháng 10 tỷ USD mua trái phiếu Mỹ, nhằm hỗ trợ tài chính các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Vàng được hỗ trợ từ sự giảm giá của USD và lo lắng rằng lạm phát cao sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế không chỉ Mỹ mà khắp toàn cầu.
Giới phân tích dự báo, giá vàng tăng còn do giá năng lượng đang ngày càng tăng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9%, giảm 0,1 điểm % so với dự báo trước đó ở mức 6%.
Trong khi đó, giá năng lượng trên toàn cầu ngày càng nóng lên khi nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông tăng cao sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt than và khí đốt tự nhiên.
Áp lực mới nhất đối với nguồn cung năng lượng đến từ Trung Quốc khi các khu vực khai thác trọng điểm bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Giá năng lượng leo thang khiến giới đầu tư lo ngại lạm phát tại các quốc gia có nền kinh tế lớn gia tăng. Vì vậy, nhu cầu trú ẩn an toàn lại được đặt vào kim loại quý vàng càng cao, đẩy giá tăng.
Đối với thị trường vàng trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 57,55 triệu đồng/lượng và bán ra 58,25 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng so với hôm qua.
Tại Tập đoàn Doji và doanh nghiệp Phú Quý, giá vàng SJC đồng loạt tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Còn hệ thống PNJ cũng điều chỉnh giá mua tăng 150.000 đồng/lượng và giá bán ra tăng 200.000 đồng/lượng.
Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank, hiện mỗi lượng vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới kỷ lục với gần 9 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Ngày 14/10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.177 VND/USD, giảm 4 đồng so với mức niêm yết hôm qua.
Với biên độ 3% được quy định, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là trong khoảng 22.482 - 23.872 VND/USD. Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN cũng được điều chỉnh giảm 4 đồng, ở mức 23.822 VND/USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận