Vấn đề Myanmar: ASEAN gặp thách thức lớn hơn khi Campuchia giữ ghế chủ tịch
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2022 có thể sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn liên quan đến vấn đề Myanmar, do sự thống nhất bề ngoài của khối có nguy cơ bị thách thức trong thời gian Campuchia đảm nhiệm cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN.
Tình trạng hỗn loạn chính trị ở Myanmar vẫn tiếp diễn kể từ khi quân đội nắm chính quyền trong cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021 và chính quyền quân sự nước này đã bác bỏ lời kêu gọi của ASEAN về việc chấm dứt bạo lực, cũng như yêu cầu cho phép đặc phái viên của khối gặp tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã công du Myanmar và gặp nhà lãnh đạo chính quyền quân sự nước chủ nhà - Thống tướng Min Aung Hlaing, bất chấp những lời chỉ trích từ các đối thủ trong nước và các nhóm nhân quyền. Trong thông cáo chung giữa 2 nhà lãnh đạo hôm 7/1, Thống tướng Hlaing tuyên bố đã gia hạn “lệnh ngừng bắn” với tất cả các nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang ở Myanmar, theo kế hoạch ban đầu sẽ hết hạn vào cuối tháng 2, cho đến hết năm 2022. Tuy nhiên, cuộc hội đàm giữa ông Hun Sen và ông Hlaing rõ ràng nhằm mục đích mở đường cho lời mời Ngoại trưởng Myanmar tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN dự kiến diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/1 tại Campuchia, sau khi ASEAN không cho phép quan chức này và nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar tham gia những cuộc họp của khối kể từ tháng 10/2021.
Đáng chú ý, sau cuộc hội đàm trên, một số quốc gia thành viên tuyên bố không thể tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ngày 18-19/1, khiến Phnom Penh buộc phải trì hoãn vô thời hạn kế hoạch tổ chức sự kiện. Mặc dù đưa ra các lý do khác nhau để giải thích cho tuyên bố không tham gia hội nghị - trong đó có tình trạng bùng phát của dịch bệnh COVID-19 do biến thể Omicron gây ra, song quyết định hủy bỏ này dường như cho thấy mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên ASEAN đối với sáng kiến của Campuchia, vì một nguồn tin từ ASEAN tiết lộ đó là do bất đồng về việc Phnom Penh có kế hoạch mời Ngoại trưởng Myanmar tham dự hội nghị.
Theo một nguồn tin khác từ ASEAN, vấn đề hiện nay là khi nào khối này sẽ tổ chức hội nghị ngoại trưởng và liệu Ngoại trưởng Myanmar có được chấp nhận tham dự sự kiện này hay không. Nhiều quốc gia thành viên ASEAN cũng lâm vào tình thế khó xử với Myanmar. Họ muốn tránh xích mích với chính quyền quân sự do những mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ với Myanmar, cũng như đang đầu tư rất nhiều vào đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên và có nhiều dự án phát triển sinh lợi này. Đây có thể là một trong những lý do chính khiến ASEAN không đưa ra những hành động mạnh mẽ, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt, đối với Myanmar.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận